Sự kiện giáo dụcTiêu điểm

Đừng đăng ký để lấy bằng!

Tạp Chí Giáo Dục

Thí sinh (TS) cả nước đang bắt đầu bước vào đợt đăng ký xét tuyển ĐH cân não. Truyền thông phản ánh không ít TS tỏ ra lo lắng, căng thẳng, thậm chí vội vã trong quá trình lựa chọn ngành học, trường học. Được biết, việc đăng ký này kéo dài đến 12-8 và còn những đợt đăng ký bổ sung tiếp theo, nên những biểu hiện nói trên cho thấy về mặt tâm lý TS chưa được chuẩn bị tốt. Nó có thể dẫn đến việc đăng ký sai ngành, sai trường mà hệ lụy vô cùng tai hại.

Thực tế cho thấy đã có không ít trường hợp TS do chọn sai ngành học, trường học làm ảnh hưởng nhiều đến tương lai, đã làm cuộc đời rẽ sang hướng ngoài mong muốn. Theo các trường ĐH thành viên của ĐH Quốc gia TP.HCM, năm học vừa rồi tại mỗi trường có đến cả trăm sinh viên bị loại khỏi trường do kết quả học tập kém, thái độ học hành chểnh mảng; ngoài ra có hàng trăm sinh viên phải đăng ký học thêm bằng hai. Nguyên nhân là do những sinh viên này đã chọn sai ngành học. Hậu quả như đã thấy trước mắt là mất thời gian, công sức và tiền bạc để học lại. Còn hậu quả lâu dài thì không thể kể hết được. Theo thống kê của Bộ LĐ-TB&XH, hiện cả nước có hơn 200.000 cử nhân và thạc sĩ thất nghiệp mà nguyên nhân chủ yếu do chọn ngành, trường sai. Người thất nghiệp trở thành gánh nặng của gia đình và xã hội. Về kinh tế, đây là sự lãng phí vô cùng lớn.

Bởi vậy yếu tố quyết định trong đợt đăng ký xét tuyển này là phải chọn đúng ngành học, trường học. Theo các chuyên gia tư vấn tuyển sinh, để chọn đúng ngành học, trường học phù hợp trước hết TS cần phải biết nghề nghiệp nào mình yêu thích nhất, phù hợp nhất và năng lực học tập của mình tới đâu. TS có thể đến các trung tâm tư vấn hướng nghiệp để được tư vấn về vấn đề này hoặc tự mình làm các trắc nghiệm khách quan hiện có nhiều trên các trang mạng tư vấn nghề nghiệp, các trang điện tử của các trường. Sau khi xác định nghề nghiệp mình thích và năng lực học tập, TS mới có thể chọn ngành và trường căn cứ vào mức điểm chuẩn trường công bố những năm trước.

Đến đây TS cũng có thể rơi vào trường hợp đã chọn được ngành học nhưng không chọn được trường vừa ý. Trong trường hợp này có nên “nhắm mắt đưa chân” chọn đại một trường nào đó? Để trả lời câu hỏi này còn tùy thuộc vào TS. Họ quyết định đăng ký là để có một nghề nghiệp tương lai hay có một tấm bằng ĐH? Các chuyên gia việc làm luôn nhắc TS cần có cái nhìn rộng và bao quát trước khi quyết định. Và rằng hiện có hơn 200.000 cử nhân và thạc sĩ thất nghiệp do không lọt được vào tầm mắt của các nhà tuyển dụng vì họ có tấm bằng nhưng nghề nghiệp thì chưa thông thạo.

Theo số liệu của Bộ GD-ĐT, năm nay có hơn 100 trường ĐH xét tuyển theo học bạ với hơn 100.000 chỉ tiêu. Rõ ràng TS có nhiều trường để lựa chọn. Cửa vào ĐH đang rộng mở. Tuy nhiên, TS nên nhớ rằng ĐH không phải là cánh cửa duy nhất để vào đời.

Từ Nguyên Thạch

Bình luận (0)