Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Làng cổ bên dòng Ô Lâu

Tạp Chí Giáo Dục

Soi bóng bên dòng Ô Lâu trong xanh, làng cổ Phước Tích thuộc xã Phong Hòa (huyện Hương Điền, tỉnh Thừa Thiên – Huế) – ngôi làng thứ 2 của Việt Nam được cấp bằng xếp hạng di tích quốc gia, ghi danh mình vào lịch sử làng quê Việt bởi những ngôi nhà rường, nghề gốm, cây si, bến nước… hàng trăm năm tuổi!

Ngôi nhà rường hơn 100 năm tuổi của ông Lê Trọng Đào

Nhà rường trăm tuổi

Cuộc sống hiện đại, nhiều ngôi nhà cao tầng, kiên cố bằng bê tông cốt thép mọc lên dần thay đổi bộ mặt đô thị lẫn nông thôn. Nhưng Phước Tích vẫn được nhắc đến với cái tên “thủ phủ” nhà rường cổ. Soi bóng bên dòng Ô Lâu trong văn vắt, lối dẫn vào làng được lát gạch thẻ cùng hàng chè tàu cắt tỉa gọn gàng gợi lên vẻ thanh bình hiếm nơi nào có được. Ông Lê Trọng Đào, chủ nhân ngôi nhà rường cổ niên đại 100 năm tuổi cho biết: “Đến đời của tôi là đời thứ 3 sống trong ngôi nhà này. Nhà do ông nội tôi thời ấy làm quan Đô úy của triều Nguyễn xây dựng nên. Nay người ta xây dựng nhiều kiểu kiến trúc hiện đại nhưng gia đình vẫn muốn giữ nếp gia phong nên gìn giữ ngôi nhà của cha ông để lại. Ở trong ngôi nhà này, không chỉ đơn thuần là chỗ che nắng mưa mà thấy như đang được sống cùng với cha ông qua những hiện vật, dấu ấn còn để lại”.

Nằm cách nhà ông Đào không xa, ngôi nhà rường của bà Trương Thị Thú được nhiều người nhắc đến với kiến trúc độc đáo cùng không gian vườn rộng trồng nhiều hoa trái. Bà Thú cho biết, nhà được xây dựng dưới thời vua Minh Mạng (1820-1840). Đã được trùng tu hai lần vào năm 1976 và năm 1990. Sống một mình trong ngôi nhà cổ kính và mảnh vườn rộng gần 1.000m2, ở vào tuổi 86, bà vẫn còn minh mẫn và khỏe mạnh. Mỗi ngày, bà đều dành thời gian chăm chút cho mảnh vườn, hàng chè tàu dẫn vào nhà là tỉ mỉ lau dọn cho ngôi nhà gỗ. Bà bảo, cái gì mình chăm chút nó thì nó bền lâu. Và cũng nhờ được sống trong ngôi nhà hiện hữu những kỉ niệm về gia đình mà bà thấy ấm áp và thoải mái.

Tính đến thời điểm hiện tại, Phước Tích còn khoảng 24 ngôi nhà rường. Đa phần đều có niên đại từ 100 năm tuổi trở lên. Nhà được chạm khắc hoa văn tinh xảo trên kèo, rường và được chủ nhân ngôi nhà trang trí bằng những bức hoành phi, câu đối trang trọng.

Du khách thập phương tham quan nghề gốm

Nghề gốm 500 năm

Đến Phước Tích biết thêm về nghề gốm 500 năm với bao nhiêu thế hệ đắp lò đất nung đỏ lửa. Thời phồn thịnh, gốm Phước Tích từng có mặt khắp nơi với các sản phẩm đa dạng như lu nước, bình vôi, om nấu cơm… Dù không còn sản xuất gốm nhiều như xưa, nhưng gia đình ông Lê Trọng Đào vẫn giữ thói quen làm gốm vào thời gian rảnh rỗi. Một chiếc lò nung nhỏ được đắp lên ngay bên lối dẫn vào nhà. Ông Diễn trầm ngâm: “Dù không còn mưu sinh với nghề gốm nhưng con dân làng gốm vẫn giữ gìn kí ức nghề của mình. Tôi tranh thủ ngày rảnh, lại nặn đất sét, làm ra vài thứ lưu niệm như lọ hoa, bình vôi… như để nhớ nghề làng mình, và đáp ứng nhu cầu của khách du lịch”.

Câu chuyện về nghề gốm Phước Tích cũng lắm thăng trầm. Từng một thời hưng thịnh rồi gián đoạn bởi chiến tranh. Lò gốm thực sự đỏ lửa trở lại là sau ngày giải phóng đất nước. Để khôi phục nghề truyền thống, một HTX gốm Phước Tích ra đời. Ngày đêm réo rắt tiếng cút kít của bàn xoay, tiếng hò khoan nhặt của những nhân công đốt lò, vận chuyển gốm xuống bến nước dòng Ô Lâu… Thế rồi năm 1989, công nghệ ngày một phát triển, nhiều sản phẩm làm từ máy móc trở nên thịnh hành, nghề gốm Phước Tích bắt đầu lụi dần. Người làng gốm, gắn bó với gốm không ai đành lòng nhìn lò tắt lửa. Năm 2006, nhiều dự án giúp người làng gốm vực dậy một làng nghề. Thế nhưng mãi đến 3 năm sau, mẻ gốm đầu tiên ra lò được triển lãm tại Festival nghề truyền thống Huế… Làng gốm bây giờ tuy không còn hưng thịnh nhưng trong những bếp lò vẫn âm ỉ đỏ lửa. Những nghệ nhân già như ông Lê Trọng Diễn, bà Lương Thị Bê… tuy không còn trực tiếp làm ra nhiều gốm như xưa nhưng rất nhiệt tình trong việc truyền dạy cho thế hệ trẻ.

Anh Lương Thanh Hiền, một nghệ nhân trẻ giữ lửa nghề bộc bạch: “Để bắt kịp nhu cầu thời đại, những khuôn gốm xưa dần được thay bằng những sản phẩm như lọ hoa, 12 con giáp, những sản phẩm luôn đòi hỏi sáng tạo với đủ hình mẫu khác nhau, họa tiết hoa văn vẽ lên gốm phải tinh xảo, mượt mà và bắt mắt… Công việc tuy đem lại thu nhập không lớn nhưng đủ nuôi sống gia đình và giữ lấy nghề truyền thống”. “Người làng gốm từng tự hào với sản phẩm om cơm (om ngự) dành cho các bậc vua chúa nhà Nguyễn”.

(Còn tiếp) 
Bài, ảnh: Phan Vĩnh Yên

Bình luận (0)