Đó là khẳng định của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ trước thềm Hội nghị trực tuyến tổng kết năm học 2015-2016 và triển khai phương hướng, nhiệm vụ năm học 2016-2017 do Bộ GD-ĐT tổ chức vào ngày 5-8.
Năm học 2015-2016 ngành GD đã đạt được nhiều kết quả nổi bật. Ảnh: P.V |
Theo Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, năm học 2015-2016, ngành giáo dục (GD) đã đạt được nhiều kết quả nổi bật. Cụ thể, việc đổi mới hoạt động dạy học, thi cử, kiểm tra, đánh giá có chuyển biến tích cực. Theo đó, mô hình dạy học được đổi mới theo hướng mở, chuyển mạnh quá trình GD từ chủ yếu trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học. Đa dạng hóa hình thức, phương pháp dạy học, tăng cường hoạt động trải nghiệm sáng tạo, nghiên cứu khoa học, góp phần nâng cao chất lượng GD. Ngành GD tiếp tục đổi mới quản lý theo hướng tăng cường phân cấp quản lý cho các địa phương và giao quyền tự chủ cho các cơ sở GD, tập trung quản lý chất lượng và hiệu quả GD. Công tác phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý đáp ứng yêu cầu đổi mới GD được chú trọng. Cơ sở vật chất, thiết bị trường học được quan tâm đầu tư theo hướng kiên cố, chuẩn hóa và hiện đại. Công tác phổ cập GD mầm non cho trẻ em 5 tuổi cơ bản hoàn thành; chất lượng chăm sóc, GD trẻ mầm non được nâng lên rõ rệt. Công tác phổ cập GD tiểu học đúng độ tuổi, chất lượng phổ cập GD THCS được duy trì; chất lượng GD toàn diện cho HS phổ thông được nâng lên. GD ĐH từng bước nâng cao chất lượng và hội nhập quốc tế. GD vùng khó khăn và đồng bào dân tộc thiểu số, GD hòa nhập được quan tâm, bảo đảm công bằng xã hội. Công tác xóa mù chữ, xây dựng xã hội học tập, học tập suốt đời đạt kết quả tốt.
Bên cạnh đó, người đứng đầu ngành GD cũng đưa ra một số hạn chế, yếu kém của ngành. Cụ thể, việc quy hoạch hệ thống GD quốc dân chậm được điều chỉnh và chưa được quan tâm đúng mức, chưa trở thành cơ sở quan trọng cho công tác quản lý và điều hành, làm giảm hiệu quả đầu tư, lãng phí nguồn lực. Công tác phân luồng HS sau THCS và THPT chưa tốt, chất lượng GD nghề nghiệp còn hạn chế, chưa đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động. Phương pháp và các điều kiện dạy – học ngoại ngữ chưa đáp ứng được yêu cầu, chưa tạo được môi trường giao tiếp ngoại ngữ cho HS. Việc ứng dụng CNTT để đổi mới nội dung, phương pháp dạy – học và nâng cao hiệu quả quản lý còn hạn chế. Việc giao quyền tự chủ, đặc biệt là đối với các cơ sở GD ĐH mới chỉ thực hiện trong phạm vi hẹp; điều kiện tự chủ mới chỉ tiếp cận chủ yếu từ góc độ về tài chính, trong khi các khía cạnh khác như năng lực tự chủ về học thuật, tổ chức và nhân sự chưa được quan tâm đầy đủ…
Nói về năm học mới 2016-2017 sắp tới, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT nhấn mạnh: Ngành GD-ĐT sẽ tập trung khắc phục những tồn tại, hạn chế từ những năm học trước. Theo đó đề ra 9 nhiệm vụ. Đó là: Rà soát, quy hoạch lại mạng lưới cơ sở GD trong toàn quốc; Phát triển đội ngũ nhà giáo, CBQL GD; Đẩy mạnh công tác phân luồng, định hướng nghề nghiệp cho HS phổ thông; Nâng cao chất lượng dạy – học ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh ở các cấp học, trình độ đào tạo; Đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong dạy, học và quản lý GD; Đẩy mạnh việc giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm đối với các cơ sở GD ĐH; Đẩy mạnh hội nhập quốc tế trong GD-ĐT; Tăng cường cơ sở vật chất đảm bảo chất lượng các hoạt động GD-ĐT; Phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu hội nhập của đất nước.
Đồng thời, Bộ trưởng cũng đưa ra 5 giải pháp, bao gồm cải cách thể chế về GD-ĐT; Nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ quản lý GD các cấp; Tăng cường các nguồn lực đầu tư cho GD-ĐT; Tăng cường công tác khảo thí và kiểm định chất lượng GD; Đẩy mạnh công tác truyền thông về GD-ĐT.
Thiên Lam
Bình luận (0)