Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

TP.HCM tăng cường bảo vệ trẻ em

Tạp Chí Giáo Dục

UBND TP.HCM vừa phê duyệt chương trình Bảo vệ trẻ em (TE) TP giai đoạn 2016-2020.

Theo Sở LĐ-TB&XH TP.HCM, 24 quận, huyện đều đã xây dựng và đưa vào hoạt động có hiệu quả hệ thống cung cấp dịch vụ bảo vệ TE. Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn hơn 1,4 triệu TE, trong đó có hơn 18.000 TE có hoàn cảnh đặc biệt và hơn 57.000 TE có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt (số liệu phòng LĐ-TB&XH quận, huyện báo cáo đến quý I-2016). Tỉ lệ TE bị xâm hại hàng năm giảm 10% so với cùng kỳ năm trước nhưng vẫn còn ở mức cao (0,04% trên tổng số TE).

Bên cạnh đó, số lượng TE có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt hiện nay có xu hướng tăng, chủ yếu ở nhóm đối tượng trẻ nhập cư, trẻ hộ gia đình nghèo, cận nghèo và trẻ làm việc xa gia đình. Trẻ mồ côi, bị bỏ rơi không nơi nương tựa… đang là những vấn đề thách thức, cần thiết có sự đầu tư giải quyết của TP.

Chương trình Bảo vệ TE giai đoạn 2016-2020 nhằm thực hiện mục tiêu mọi TE đều được bảo vệ để giảm thiểu nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt, chú trọng bảo vệ TE để không bị xâm hại. TE hoàn cảnh đặc biệt được giúp đỡ, chăm sóc để phục hồi, hòa nhập cộng đồng và có cơ hội phát triển.

Cụ thể, duy trì tỉ lệ TE có hoàn cảnh đặc biệt và có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt trên tổng số TE còn dưới 4,3%, không để tăng số lượng TE bị xâm hại so với cuối năm 2015. 90% TE có hoàn cảnh đặc biệt được can thiệp, trợ giúp, chăm sóc và được tiếp cận ít nhất một trong các loại hình dịch vụ bảo vệ TE để phục hồi, hòa nhập cộng đồng và có cơ hội phát triển. Sẽ có trên 90% gia đình, nhà trường và người dân tại cộng đồng và TE trên 6 tuổi được nâng cao nhận thức về bảo vệ TE. TP sẽ củng cố, kiện toàn và hình thành 5 cơ sở dịch vụ có đủ điều kiện đáp ứng nhu cầu bảo vệ mọi TE.

Ngoài ra, chương trình còn đề xuất hoàn thiện thể chế về bảo vệ TE và người chưa thành niên trong quá trình tố tụng dân sự, hình sự và xử lý vi phạm hành chính. Theo đó, giao Sở Tư pháp thường xuyên kiểm tra đối với tổ chức thực hiện hoạt động trợ giúp pháp lý cho TE, thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về nuôi con nuôi và đề xuất hình thức, mức xử lý trường hợp vi phạm.

Để thực hiện tốt chương trình này, bà Nguyễn Thị Thu – Phó Chủ tịch UBND TP.HCM – chỉ đạo Sở GD-ĐT triển khai xây dựng mô hình học tập lành mạnh, không để xảy ra bạo lực học đường. Ngoài ra cần tổ chức các lớp bồi dưỡng nâng cao nhận thức, năng lực về bảo vệ TE cho cán bộ quản lý, giáo viên, cán bộ phụ trách công tác Đoàn, Đội. Tăng cường giáo dục kỹ năng sống, kỹ năng tự bảo vệ, kỹ năng giao tiếp, ứng xử tích cực cho học sinh lồng ghép vào chương trình giáo dục trong nhà trường và các cơ sở giáo dục.

Bà Thu cũng yêu cầu Sở Văn hóa Thể thao TP.HCM phối hợp với Sở LĐ-TB&XH nghiên cứu, đề xuất chính sách bảo vệ TE trong các hoạt động văn hóa – thể thao, tăng cường thanh tra, kiểm tra và quản lý chặt chẽ các sản phẩm văn hóa, dịch vụ vui chơi, giải trí dành cho TE, đảm bảo cho TE được tiếp cận môi trường văn hóa lành mạnh.

T.An

Bình luận (0)