Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

“Các em có thấy, có nghe họ hát Quốc ca!”

Tạp Chí Giáo Dục

Mùa hè này, nhiều học sinh của tôi đồng hành cùng Euro 2016, bằng chứng là dạo một vòng trên facebook, chỉ thấy toàn những chia sẻ liên quan đến bóng đá. Các em quan tâm nhiều đến chiến lược, chiến thuật, hên xui, phước phận và những ngôi sao trên sân cỏ… Tôi tự hỏi, các em xem xong một mùa Euro, đọng lại trong các em là gì, những nụ cười, những giọt nước mắt, những bàn thắng đẹp, những đôi tay vàng… Thế các em có nghe, có thấy Quốc ca vang lên trên sân cỏ không?

Là một phụ nữ không phải tín đồ của túc cầu giáo nhưng mùa hè này tôi cũng đồng hành cùng trái bóng với con trai. Euro 2016 cho tôi nhiều cảm xúc nhưng ấn tượng nhất với tôi, vẫn là màn hát Quốc ca trước khi trận đấu bắt đầu. Các cầu thủ, những cổ động viên, họ đứng ngẩng cao, kiêu hãnh, tự hào hát to Quốc ca của dân tộc mình bằng tất cả tình cảm của trái tim, bằng tất cả linh hồn. Qua màn hình, tôi thấy được sự thiêng liêng, tinh thần trách nhiệm trong từng lời hát… và tôi cảm được hồn thiêng, sức mạnh dân tộc đã truyền cho họ niềm tin, khí tiết như thế nào khi họ ra sân, mang trên mình danh dự của dân tộc.

Tôi xúc động thực sự, rồi tôi tự hỏi, các em học sinh đang “thức” cùng Euro, liệu khi xem các em có nghe, có thấy các cầu thủ, cổ động viên hát Quốc ca không? Các em có để ý thấy, hậu vệ Gyorgy của đội tuyển Áo đã hát hai bài Quốc ca Áo và Hungary (anh được sinh ra ở Hungary nhưng sau đó chuyển đến Áo sống, hiện đang khoác áo đội tuyển quốc gia Áo), các em có nghe cầu thủ ấy thổ lộ: “Tôi chưa bao giờ được nghe Quốc ca Hungary trên sân. Tôi chắc chắn sẽ hát Quốc ca của Áo và chẳng ai chống đối khi tôi hát Quốc ca Hungary”. Các em có thấy, có nghe các cầu thủ xứ Wales hát Quốc ca bằng niềm kiêu hãnh, đam mê, làm xúc động triệu triệu trái tim trên sân cỏ.

Nói đến điều này, tôi thấy buồn cho học sinh của mình. Tuần nào trường cũng tổ chức chào cờ, và hầu như trước khi bước vào sinh hoạt dưới cờ thì sẽ được nghe những phàn nàn, nhận xét về tình trạng hát Quốc ca của các em. Tại sao vậy? Các em, những thế hệ tương lai của đất nước, các em có biết Quốc ca là thiêng liêng, là hồn dân tộc không. Chào cờ hát Quốc ca thể hiện tinh thần phụng sự, ý thức công dân nhưng các em đã hát Quốc ca như thế nào dưới cờ Tổ quốc? Đã thể hiện được hào khí hùng thiêng của dân tộc, đã hát bằng trái tim chưa? Hay âm hưởng “Tiến quân ca” hùng tráng được các em ê a, lẩm nhẩm một cách khó nhọc, vừa đùa vừa hát, hát sai lời sai nhịp, hát khoán cho xong chuyện, chỉ nhép miệng, hát không đồng bộ, chỉ khi bị khiển trách, bị phạt mới hát đúng. Tệ hại hơn, có nhiều học sinh còn chế lời Quốc ca để hát, các em có biết tình yêu Tổ quốc thì không được đùa giỡn không? Các em có biết, ở các trường khiếm thị, học sinh vẫn nghiêm túc hát Quốc ca bằng ngôn ngữ của riêng mình không? Các em hãy xem lại mình đi!

Euro 2016 đã kết thúc với nhiều thay đổi, tôi hy vọng các em cũng sẽ thay đổi. Các em hãy có thái độ đúng đắn khi cất lên lời ca của Tổ quốc mình, phải thấy tự hào khi đứng dưới lá cờ đỏ sao vàng hát Quốc ca, phải nhắc nhở mình về trách nhiệm công dân đối với đất nước, với dân tộc…

Nguyễn Thị Bích Nhàn
(Trường THCS và THPT
Võ Văn Kiệt, Phú Yên)

Bình luận (0)