Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Điểm liệt là do bệnh thành tích?

Tạp Chí Giáo Dục

Kỳ thi tốt nghiệp THPT ngày càng xuất hiện nhiều thí sinh bị điểm liệt (từ 1 đến 0 điểm). Điểm liệt không chỉ xảy ra trong các môn học cần suy luận, tính toán như văn, toán mà cả trong các môn sử, địa. Và điểm liệt không chỉ có ở thí sinh các trường nông thôn mà cả các trường thành phố.

Có tình trạng điểm liệt như vậy nghĩa là có việc thí sinh không có kiến thức cơ bản tối thiểu nhất của môn học. Bởi lẽ, đề thi luôn ra ở ba trình độ hiểu biết khác nhau từ thấp đến cao của học sinh là nhận biết, thông hiểu và sáng tạo. Ở trình độ nhận biết thì yêu cầu thí sinh có kiến thức cơ bản nhất của bài học, của chương trình học sẽ làm được. Nghĩa là thí sinh có học lực bộ môn từ trung bình yếu trở lên sẽ khó bị điểm liệt. Thế nhưng vẫn tồn tại thí sinh bị điểm liệt thì có nghĩa là thuộc diện yếu và kém. Những thí sinh học lực yếu, kém như thế này mà vẫn đủ điều kiện dự thi là một điều vô lí. Các em học lực như thế mà được đi thi thì tất nhiên là do giáo viên của từng bộ môn tạo điều kiện về điểm số để tạo điều kiện cho các em thi. Và như vậy là do bệnh thành tích. Cụ thể là để mình không bị ban giám hiệu phê bình, khỏi bị ảnh hưởng thi đua, giáo viên đã tạo điều kiện cho học sinh dẫu học yếu, kém môn mình đủ điểm để dự thi. Trường tỉ lệ học sinh đủ điều kiện dự thi cao thì ban giám hiệu càng thích nên họ cũng ngầm tạo điều kiện cho giáo viên cho các em đủ điểm ở môn mình. Như vậy, suy cho cùng vì bệnh thành tích mà có hiện tượng điểm liệt trong các kỳ thi vừa qua.

Trước thực trạng này, thiết nghĩ phải “tiêu diệt” bệnh thành tích ngay trong từng giáo viên, trong từng trường học và ngay cả trong ngành giáo dục của từng địa phương mới chấm dứt nạn điểm liệt trong các kỳ thi.

Nguyễn Văn Tú

Bình luận (0)