Theo phản ánh của nhiều thí sinh (TS), Học viện Báo chí và Tuyên truyền thông báo tuyển sinh 3 ngành báo chí căn cứ vào kết quả thi của 3 tổ hợp môn thi, trong đó 2 môn THPT quốc gia và 1 môn năng khiếu.
Với 2 môn văn hóa, học viện căn cứ vào kết quả kỳ thi THPT quốc gia, còn môn năng khiếu sẽ tổ chức thi vào ngày 10.8.
Học viện sẽ nhận hồ sơ đăng ký dự thi môn năng khiếu của TS qua đường bưu điện đến hết ngày 6.8, đăng ký trực tuyến hoặc nộp hồ sơ trực tiếp tại học viện đến 17 giờ ngày 8.8. Tuy nhiên, khi tìm mẫu hồ sơ đăng ký dự thi môn năng khiếu trên trang web của trường, TS không thấy nên đành phải gửi hồ sơ đăng ký xét tuyển qua đường bưu điện trong đó đăng ký vào ngành thuộc nhóm ngành có thi năng khiếu, cùng với lệ phí thi được quy định riêng cho môn năng khiếu là 300.000 đồng/TS. Đến nay TS chưa nhận được giấy báo dự thi cũng như chưa có thông tin chi tiết về lịch thi.
Trả lời PV Thanh Niên, PGS-TS Trương Ngọc Nam, Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền, khẳng định việc thi năng khiếu đã được thể hiện trong đề án tự chủ tuyển sinh của trường được Bộ GD-ĐT chấp nhận. Nguyện vọng đăng ký vào các ngành có thi năng khiếu cũng được tính là một trong 4 nguyện vọng mà Bộ quy định.
Ông Nam cho biết sáng 10.8 TS sẽ đến tập trung tại học viện để làm thủ tục dự thi và nghe phổ biến quy chế, chiều 10.8 dự thi. Những TS nộp hồ sơ xét tuyển qua đường bưu điện mà bưu điện chuyển hồ sơ chậm, chưa kịp lên danh sách trước ngày 10.8 thì học viện vẫn tạo điều kiện để TS dự thi.
Còn ông Trần Văn Nghĩa, Phó cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng, Bộ GD-ĐT, cũng xác nhận Học viện Báo chí và Tuyên truyền là một trong số ít các trường có đề án tự chủ tuyển sinh được Bộ GD-ĐT thông qua, tuy những trường này vẫn sử dụng kết quả thi THPT quốc gia để xét tuyển. Theo ông Nghĩa, dù Bộ có quy định chung với các trường dùng kết quả thi THPT quốc gia để xét tuyển nhưng một số trường đặc thù vẫn được phép đưa ra các quy định riêng, trong đó có Học viện Báo chí và Tuyên truyền. Hoặc ngành công an quy định thời hạn nhận hồ sơ xét tuyển với các trường công an đưa ra là ngày 8.8. Tuy nhiên, các trường phải công bố kết quả thi trước ngày 14.8.
Liên quan về lệ phí xét tuyển, ngày 4.8, GS-TS Trần Văn Nam, Giám đốc ĐH Đà Nẵng, cho biết ĐH này đã quyết định không thu lệ phí xét tuyển lúc nộp hồ sơ qua đường bưu điện hoặc qua đăng ký trực tuyến vào các trường thành viên thuộc nhóm xét tuyển của ĐH Đà Nẵng.
TS đăng ký xét tuyển vào ĐH này sẽ nộp lệ phí xét tuyển khi trúng tuyển, nhập học. ĐH Đà Nẵng thực hiện điều này vì nhiều TS, phụ huynh phản ảnh gặp nhiều rắc rối khi chuyển tiền bằng thẻ cào điện thoại, hoặc qua tài khoản ngân hàng… Thậm chí, có những TS đã chuyển tiền nhưng không yên tâm vì không biết tài khoản của trường đã nhận chưa, sẽ ảnh hưởng đến việc kết quả xét tuyển của mình.
Trong khi đó, nhiều trường tiếp tục có chính sách miễn lệ phí xét tuyển. Ngày 4.8, Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM bắt đầu miễn lệ phí xét tuyển cho tất cả TS đăng ký vào trường theo hình thức trực tuyến; TS miền Trung và Tây nguyên đăng ký vào 2 phân hiệu Gia Lai và Ninh Thuận; TS 4 tỉnh chịu ảnh hưởng bởi sự cố môi trường gồm Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên-Huế. Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM hoãn thu lệ phí xét tuyển với TS nộp hồ sơ theo hình thức trực tuyến, thu bù khi TS trúng tuyển nhập học. Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM miễn lệ phí xét tuyển cho TS khu vực 1 và 4 tỉnh miền Trung như trên.
Trước đó, ĐH Đà Nẵng miễn lệ phí xét tuyển cho những TS ở 4 tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Hà Tĩnh, Thừa Thiên-Huế.
Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho biết Bộ đã đề nghị các trường đơn giản hóa để không gây phiền hà cho TS trong việc nhận lệ phí xét tuyển. Trước mắt các trường xét TS đã làm thủ tục đăng ký vào trường mình theo đúng quy định. Sau khi TS đã trúng tuyển rồi, việc nộp lệ phí sẽ xử lý sau.
Theo TNO
Bình luận (0)