Cơ duyên đưa anh Thuận (37 tuổi, ngụ P.Phú Thứ, Q.Cái Răng, TP.Cần Thơ) đến với khổ qua rừng rất tình cờ. Cuối năm 2013, đang thử nghiệm trồng rau mầm, anh được người bạn cho một ít hạt giống khổ qua rừng gieo thử. Kết cục dự án trồng rau mầm không thành công, trong khi dây khổ qua rừng lại lên tươi tốt, cho nhiều trái. Lên mạng tìm hiểu thông tin, anh mới biết khổ qua rừng đang được người tiêu dùng ưa chuộng; đồng thời giá bán cao gấp nhiều lần so với khổ qua thường. Sau khi đi tham quan mô hình trồng khổ qua rừng ở Đồng Nai, anh quyết định chuyển hướng sang trồng loại cây này.
Vườn khổ qua rừng của anh Thuận Ảnh: Hương Giang
|
|
Anh Thuận cũng là thành viên của Mạng lưới sản xuất sạch (thuộc CLB Hỗ trợ nông gia) tập hợp khoảng 60 công ty, hợp tác xã, tổ hợp tác và các nhà vườn trong khu vực ĐBSCL cam kết thực hiện quy trình sản xuất sạch, hướng tới nền nông nghiệp hữu cơ, đảm bảo an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng. Anh sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm của mình qua điện thoại: 0938209381 hoặc qua email: truonghuuthuan@gmail.com.
|
|
|
Đầu năm 2015, anh Thuận thuê 1 ha đất trồng khổ qua rừng. Với mục đích mang đến cho người tiêu dùng sản phẩm sạch đúng nghĩa, anh chọn cách trồng theo hướng hữu cơ mặc dù chi phí cao và tốn nhiều công sức. “Khổ qua rừng và các sản phẩm làm từ loại cây này có tác dụng rất tốt trong việc hỗ trợ điều trị tiểu đường, cao huyết áp, bệnh gout, giảm mỡ máu… Nếu người trồng lạm dụng phân hóa học, thuốc bảo vệ thực vật thì công dụng của khổ qua rừng sẽ giảm đi rất nhiều”, anh Thuận phân tích. Anh tự nuôi trùn quế và sử dụng phân trùn trộn với tro trấu, xơ dừa để bón cho cây. Ngoài ra còn tưới xen kẽ khoáng hữu cơ và dịch trùn quế mỗi tuần một lần để bổ sung chất dinh dưỡng; đồng thời giúp tăng khả năng kháng sâu bệnh cho cây.
Để phòng trừ các loài ruồi đục trái, sâu ăn lá… anh áp dụng phương pháp phun tỏi pha với rượu, treo long não lên cây. Từng bước anh đã thay thế hoàn toàn sản phẩm hóa học bằng các sản phẩm có nguồn gốc thiên nhiên nhưng vẫn giúp cây tăng trưởng tốt và phòng trừ sâu bệnh một cách khá hiệu quả. Để tránh tình trạng thu hoạch tràn lan không tìm được nguồn tiêu thụ, anh Thuận trồng theo hình thức cuốn chiếu. Mỗi dây khổ qua rừng sống từ 4 – 5 tháng. Anh canh thời gian sinh trưởng của cây để đợt này tàn thì tiếp tục trồng đợt mới. Trung bình 1 công đất anh trồng 2.000 dây khổ qua rừng, mỗi tháng thu hoạch khoảng 300 kg trái.
Thị trường Cần Thơ mới làm quen với khổ qua rừng thời gian gần đây, mỗi ngày anh Thuận bán cho các chợ, quán ăn khoảng 10 kg trái tươi với giá 50.000 đồng/kg. Không dừng lại ở việc tiêu thụ trái tươi, ngay từ đầu kế hoạch của anh Thuận là tạo ra các sản phẩm trà từ khổ qua rừng. Hiện anh đã thành lập cơ sở sản xuất trà khổ qua rừng Thuận Lộc, chuyên cung cấp 3 loại sản phẩm: trà khổ qua rừng xắt lát, trà dây và trà túi lọc. Các sản phẩm này đều được làm thủ công từ khâu thu hoạch, tuyển trái, rửa, xắt lát sau đó cho vào máy sấy. Anh Thuận cho biết khổ qua rừng xắt lát được sấy liên tục trong vòng 20 tiếng thì cho ra trà thành phẩm, 10 kg trái tươi mới làm ra được 1 kg trà, hoàn toàn không pha trộn hay kèm chất bảo quản, bán với giá 650.000 đồng/kg.
Hiện trà khổ qua rừng Thuận Lộc đã được Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm TP.Cần Thơ cấp giấy chứng nhận phù hợp quy định an toàn thực phẩm. Sản phẩm đang từng bước tìm chỗ đứng trên thị trường và đã có mặt ở TP.HCM, Hà Nội… Bên cạnh đó, anh Thuận cũng tích cực đem sản phẩm trà khổ qua rừng giới thiệu đến người tiêu dùng ở Hội chợ hàng VN chất lượng cao, Phiên chợ xanh tử tế… Trung bình mỗi tháng, khổ qua rừng đã mang về cho anh Thuận nguồn thu nhập hơn 30 triệu đồng, sau khi trừ đi chi phí còn lãi hơn 10 triệu đồng.
Hương Giang (TNO)
Bình luận (0)