Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Thương nhớ một con người suốt đời cống hiến cho giáo dục

Tạp Chí Giáo Dục

Giáo sư Trần Hồng Quân (nguyên Bộ trưởng Bộ GD-ĐT) mất đi để lại nỗi đau không chỉ cho gia đình mà còn niềm thương tiếc đối với những ai từng gắn bó và nặng lòng với ngành GD-ĐT nước nhà.


Tại Đại hội nhiệm kỳ II (2020-2025), GS. Trần Hồng Quân (nguyên Bộ trưởng Bộ GD-ĐT) chuyển giao vai trò Chủ tịch Hiệp hội các trường ĐH, CĐ ngoài công lập cho TS. Vũ Ngọc Hoàng (nguyên Phó Trưởng Ban Tuyên giáo TW)

Vị bộ trưởng biết lắng nghe, không xa cách

NGƯT Phạm Văn Hiến (nguyên Hiệu trưởng Trường CĐ Sư phạm Đồng Tháp, nay là Trường ĐH Đồng Tháp) đã có 30 năm gắn bó với công tác quản lý giáo dục ở cả hai miền. Và cũng chừng ấy năm ông đã tiếp xúc và gặp gỡ nhiều lần với Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Trần Hồng Quân, nhất là giai đoạn từ năm 1979 đến 1999. Sáng 28-8-2023, tôi đến thăm NGƯT Phạm Văn Hiến tại nhà riêng trên đường 79, P.Tân Quy, Q.7 (TP.HCM). Ông đã thật sự lặng người đi một lúc khi nghe tôi báo tin nguyên Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Trần Hồng Quân vừa qua đời chiều 25-8-2023 tại TP.HCM. Có lẽ trong lòng ông đang có nỗi buồn đau và thương tiếc một người đồng nghiệp vốn đã từng là “nhạc trưởng” của Bộ Đại học – Trung học chuyên nghiệp và Dạy nghề cũng như Bộ GD-ĐT sau này. Khi đang còn công tác ngoài Bắc, hai người đã từng gặp nhau trong các hội nghị kết nối giữa các trường ĐH và TCCN. Lúc đó NGƯT Phạm Văn Hiến là hiệu trưởng Trường TC Sư phạm Hải Phòng, còn GS. Trần Hồng Quân từ Trưởng khoa của Trường ĐH Bách khoa Hà Nội và sau đó là Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa TP.HCM.

Theo NGƯT Phạm Văn Hiến, GS. Trần Hồng Quân là con người thông tuệ, có bản lĩnh quản lý thấu đáo và quyết đoán. Mặc dù là người đứng đầu ngành giáo dục nhưng Bộ trưởng Trần Hồng Quân lại là người rất gần gũi với cấp dưới. Dù họ là hiệu trưởng trường nào, ở đâu đều được ông tôn trọng và hầu như không có khoảng cánh giữa lãnh đạo bộ và lãnh đạo trường. Khi xuống cơ sở hay tại các cuộc họp trao đổi, GS. Trần Hồng Quân thường chú ý lắng nghe ý kiến đề đạt từ cấp dưới trong sự tôn trọng khách quan. Trong câu chuyện, NGƯT Phạm Văn Hiến vẫn không quên những ngày đầu tiên một số trường ĐH ngoài công lập ra đời trong đó có sự giúp đỡ của Bộ trưởng Trần Hồng Quân. Khi nghe tin GS. Hoàng Xuân Sính có ý định mở Trường ĐH Thăng Long theo cơ chế mới, Bộ trưởng Trần Hồng Quân không những không phản đối mà còn tạo điều kiện để cho GS. Hoàng Xuân Sính mời giáo sư người nước ngoài làm thành viên của Hội đồng quản trị mặc dù quy chế tổ chức và hoạt động do Nhà nước ban hành cho các trường ĐH ngoài công lập lúc đó không có điều khoản nào cho phép chuyện này. Có thể nói đây là cách giải quyết linh hoạt và táo bạo của người đứng đầu ngành với mục đích có thêm loại hình đào tạo ĐH mới trong nước. Cũng giống như nhiều hiệu trưởng khác, NGƯT Phạm Văn Hiến thấy rằng, GS. Trần Hồng Quân là vị bộ trưởng dễ gần gũi nhất và lúc nào cũng tạo nên một phong thái thân thiện và luôn luôn thấu hiểu. Những năm 80 của thế kỷ trước, từ một trường sư phạm cấp 2, tỉnh Đồng Tháp đang phấn đấu để có một Trường CĐ Sư phạm điển hình của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Mỗi lần gặp NGƯT Phạm Văn Hiến tại TP.HCM hay tại Thị xã Cao Lãnh, Bộ trưởng Trần Hồng Quân đều động viên và hứa tạo điều kiện để cho Trường sư phạm cấp 2 Đồng Tháp chính thức được “nâng cấp” thành Trường CĐ Sư phạm Đồng Tháp. Theo NGƯT Phạm Văn Hiến, ngoài sự nỗ lực của tập thể thầy cô giáo trong trường phải kể đến sự ủng hộ và động viên rất lớn từ UBND tỉnh và đặc biệt là Bộ trưởng Bộ Đại học – Trung học chuyên nghiệp và Dạy nghề Trần Hồng Quân.

Bước vào thời kỳ đổi mới của đất nước, trong đó có ngành giáo dục, cũng là thời điểm GS. Trần Hồng Quân đảm nhiệm chức vụ Bộ trưởng Bộ Đại học – Trung học chuyên nghiệp và Dạy nghề. Biết bao công việc và kế hoạch chờ đợi vai trò đầu tàu của vị Bộ trưởng. Có thể nói đây là thời kỳ ông có nhiều đóng góp nhất cho sự phát triển của các trường ĐH và ngành giáo dục cả nước nói chung. Phải là người có tầm tư duy chiến lược đặc biệt nhạy bén, cách giải quyết công việc quyết đoán và sâu sát như ông mới “sắp xếp lại được giang san” của ngành đang ngổn ngang thời bao cấp để lại và những bước đi chập chững của giáo dục đổi mới và hội nhập. GS. Trần Hồng Quân luôn đề cao vai trò sức mạnh tập thể nên để có những quyết sách hay. Ông đã tập hợp được nhiều chuyên gia giỏi không chỉ gỡ rối mà còn cởi trói những bất cập của giáo dục tại các địa phương phù hợp với xu thế thời đại; không để cho giáo dục tụt hậu lại phía sau. Bên cạnh đánh giá đúng vai trò của thế hệ đi trước, Bộ trưởng Trần Hồng Quân còn là người quan tâm đến công tác cán bộ trẻ và phải có niềm tin vào thế hệ trẻ mới thành công trong sự nghiệp.

Cống hiến suốt đời không mệt mỏi

Khi gặp NGƯT Lê Minh Ngọc (nguyên Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM), tôi thật sự ấn tượng với những kỷ niệm mà bà đã dành cho Bộ trưởng Trần Hồng Quân: “Chúng tôi quen biết nhau từ khi còn là học sinh miền Nam tập kết ra Bắc và học ở Trường học sinhg miền Nam ở Hài Phòng. Ông xã tôi là nhà giáo Ngô Thường San lại cùng quê Sóc Trăng với anh Quân nên chúng tôi coi nhau như gia đình”. Đó cũng là những ký ức đẹp về người đồng hương Nam bộ của ông Đỗ Tấn Huỳnh (nguyên cán bộ Ban Tuyên giáo TP.HCM). Ông Đỗ Tấn Huỳnh cùng học trường miền Nam trên đất Bắc lại cùng công tác tại Trường ĐH Bách khoa Hà Nội nên kỷ niệm một thời gian khó và đậm đà tình nghĩa vẫn như mới hôm qua. Bà Lê Minh Ngọc ngậm ngùi nhớ lại: “Từ Trường ĐH Bạch khoa Hà Nội chuyển vào giảng dạy Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, anh Quân lại trở thành đồng nghiệp với anh San”. Từng làm cán bộ quản lý lâu năm tại TP.HCM nên bà Lê Minh Ngọc cũng đã tiếp xúc nhiều lần với vị Bộ trưởng. Đặc biệt khi bà Lê Minh Ngọc nghỉ hưu chuyển sang làm công tác tại Hội Khuyến học TP.HCM thì lại càng có nhiều cơ hội gặp GS. Trần Hồng Quân hơn: “Với cương vị là Chủ tịch Hiệp hội các trường ĐH, CĐ ngoài công lập, anh Quân có rất nhiều đóng góp với phong trào khuyến học của TP.HCM, đặc biệt là Hội khuyến học Q.2. Anh Quân rất lấy làm vui khi Hội khuyến học có chương trình học bổng 1&1 cho sinh viên giỏi vượt khó. Đến lúc nghỉ hưu anh vẫn có nhiều đóng góp cho ngành giáo dục không biết mệt mỏi và không có đòi hỏi gì”. Bà Lê Minh Ngọc nói bao nhiêu cũng không đủ về lời khen cho người đồng nghiệp tâm huyết đến tận cuối đời; thầm lặng với cuộc sống không xa cách anh em, luôn đau đáu với sự nghiệp giáo dục chung của cả nước. Không chỉ có nhiều đột phá trong tư duy giáo dục, Bộ trưởng Trần Hồng Quân còn là người kiến tạo chính sách phù hợp nhất là nhất là chủ trương xã hội giáo dục, đẩy mạnh tự chủ ĐH. Nhiều trường ĐH đã phát triển đúng định hướng càng chứng minh cho những chính sách giáo dục rất phù hợp trong thời gian qua.

30 năm qua ngành giáo dục nước nhà đã có những bước đi vững vàng, mở ra chân trời hy vọng cho sự phát triển công cuộc đào tạo và xây dựng trí tuệ con người. Trong đóng góp đó có công sức của vị giáo sư có tâm, kiến thức dày dặn, có tầm nhìn thấu đáo và suốt đời nặng lòng vì giáo dục nước nhà. Vị giáo sư đó không ai khác là Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Trần Hồng Quân – có thể coi là một trong những chuyên gia hàng đầu của ngành giáo dục nước ta. Ông đã ra đi và còn để lại những cống hiến dang dở của mình cho tương lai. Hy vọng rằng, mọi mong ước của ông sớm hay muộn cũng sẽ trở thành hiện thực để dù qua thế giới bên kia chắc hẳn ông được nhẹ lòng hơn. Trong rằm tháng 7 của Lễ Vu Lan, nén hương thương nhớ GS Trần Hồng Quân vẫn không quên cháy đỏ.

Phan Ngọc Quang

 

Bình luận (0)