Đó là một trong những chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị trực tuyến “Tổng kết năm học 2015-2016, triển khai nhiệm vụ năm học mới 2016-2017” do Bộ GD-ĐT tổ chức vào cuối tuần qua. Tham dự hội nghị còn có Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, đại diện lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương…
Sở GD-ĐT TP.HCM nhận Cờ thi đua của Bộ GD-ĐT |
Thiếu phòng học và nhà vệ sinh
Tại hội nghị, địa phương đã nêu ra những khó khăn, nhất là tình trạng quá tải, nhà vệ sinh nhưng thiếu vệ sinh.
Đơn cử như thủ đô Hà Nội, mặc dù có trên 2.600 trường học/9.000 phòng học và hơn 1,7 triệu học sinh nhưng tình trạng quá tải ở nội thành rất bức bách. Không những thế, ông Nguyễn Đức Chung – Chủ tịch UBND Hà Nội – còn chỉ ra những thiếu thốn khác của ngành giáo dục thủ đô. Nhất là hệ thống cung cấp nước sạch và nhà vệ sinh. Hiện Hà Nội đang kết hợp với doanh nghiệp sửa chữa nhà vệ sinh để tạo môi trường học tập sạch sẽ hơn.
Ông Lê Minh Thông, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An cũng cho hay: “Năm học vừa qua tỉnh có 1.581 đơn vị trường học nhưng dân tộc miền núi chiếm tới 50%. Điều kiện cơ sở vật chất trường học rất khó khăn, các trường manh mún, nhỏ lẻ…”.
Về những vấn đề này, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam khẳng định, ngành GD-ĐT luôn quán triệt tinh thần “coi HS là trung tâm” từ những việc làm rất cụ thể như đổi mới khai giảng, cải tạo nhà vệ sinh ở các trường học… Tuy nhiên, qua khảo sát phát hiện có nhiều trường hợp nhà vệ sinh rất bẩn.
Vì vậy, Phó Thủ tướng đề nghị các địa phương quan tâm đến vấn đề này. Đồng thời, đánh giá việc Hà Nội bắt đầu tập trung thu hút doanh nghiệp cải tạo môi trường cho HS là một cách làm hay.
Chất lượng không đồng đều
Chất lượng giáo dục còn nhiều hạn chế, áp lực tình trạng dạy thêm vẫn diễn ra cũng là vấn đề mà nhiều đại biểu tập trung “mổ xẻ”. “Chất lượng dạy học ở Hà Nội đã được nâng lên nhưng chất lượng giữa các trường không đồng đều, còn tình trạng dạy thêm học thêm và chạy trường gây bức xúc cho người dân”, ông Nguyễn Đức Chung đề cập.
Để nâng cao chất lượng giáo dục, ông Lê Văn Tâm, Phó Chủ tịch UBND TP.Cần Thơ đề xuất: “Bộ GD-ĐT cần tiếp tục tham mưu cho Chính phủ phân cấp quản lý và thực hiện cơ chế tự chủ cho giáo dục để huy động vốn, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cho ngành, đặc biệt là giáo viên về vùng sâu, vùng xa…”.
Bà Hoàng Thị Thúy Lan, Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc cho rằng Bộ GD-ĐT cần tăng cường giáo dục truyền thống cách mạng, đạo đức cho HS-SV. Nên có những mô hình mới, đặc biệt là mô hình hội nhập với thế giới để sự nghiệp giáo dục lên tầm cao mới.
Về những vấn đề này, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cho biết: “Chúng ta đang trong quá trình đổi mới giáo dục nên phải thực hiện những bước đi, lộ trình phù hợp. Trong quá trình đổi mới, phải tuân thủ nguyên tắc “bất di, bất dịch” đã được nêu trong Nghị quyết 29 – Triết lý giáo dục là khai mở trí tuệ, tu dưỡng nhân văn của con người, hun đúc lòng yêu nước, tinh thần dân tộc kết hợp với ý thức công dân toàn cầu…”.
Vấn đề dạy thêm học thêm, Phó Thủ tướng nhấn mạnh ngành GD-ĐT đã rất nỗ lực giải quyết nhưng còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Hiện chúng ta không đủ trường lớp để HS học 2 buổi/ngày, nếu có đủ trường lớp thì chắc chắn áp lực học thêm sẽ bớt…
Chấn hưng giáo dục
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá năm học vừa qua mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức nhưng ngành GD-ĐT đã có sự nỗ lực lớn để đạt được những thành tựu cơ bản. Đó là bước đầu triển khai thực hiện Nghị quyết 29, đổi mới giáo dục theo hướng mở, chú ý tư duy, phát triển năng lực HS…
Tuy nhiên, Thủ tướng cũng chỉ ra nhiều hạn chế, yếu kém mà ngành GD-ĐT cần khắc phục. Đó là giáo dục phổ thông chưa coi trọng giáo dục nhân cách, đạo đức lối sống cho HS, vẫn còn tình trạng bạo lực học đường, còn tội phạm vị thành niên. Trình độ ngoại ngữ của HS còn rất hạn chế, thiếu kỹ năng sống, chưa đáp ứng hội nhập. Nội dung chương trình quá tải, thiếu tính thực tiễn. Giáo dục ĐH và giáo dục nghề nghiệp chưa gắn với nhu cầu xã hội, sinh viên ra trường không tìm được việc trong khi doanh nghiệp lại thiếu lao động…
Để chấn hưng nền giáo dục, người đứng đầu Chính phủ đề nghị Bộ GD-ĐT phải giảm tải chương trình phổ thông, không nặng về kiến thức mà phải phát triển kỹ năng, tư duy cho HS. Đồng thời, dạy HS biết yêu lịch sử, yêu quê hương đất nước, sống có trách nhiệm. Chú trọng giáo dục thể chất để tạo nên những thanh niên khỏe mạnh. Đối với giáo dục ĐH và giáo dục nghề nghiệp phải đảm bảo chất lượng để đáp ứng nhu cầu hội nhập. Trình độ đào tạo phải hướng tới “công dân toàn cầu”, đáp ứng yêu cầu hội nhập khu vực và quốc tế…
Tiếp thu chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và ý kiến các đại biểu, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ khẳng định sẽ sớm khắc phục những yếu kém, hạn chế theo lộ trình và từng bước đi thích hợp. Ông Nhạ nhấn mạnh: “Sắp tới ngành GD-ĐT sẽ cụ thể hóa các nhiệm vụ, ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng thành những đề án, dự án, có sự phối hợp cụ thể giữa Bộ GD-ĐT với các ban, ngành khác, đặc biệt với các địa phương để cùng tổ chức thực hiện. Những vấn đề bức xúc của xã hội sẽ được khắc phục một cách tốt nhất. Quan điểm của Bộ GD-ĐT là cố gắng tạo ra nhiều điểm sáng để từ đó làm mờ những điểm yếu…”.
Bài, ảnh: Dương Bình
Bình luận (0)