Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Bất an với nhà, biệt thự cổ

Tạp Chí Giáo Dục

Hàng trăm căn biệt thự, nhà cổ có tuổi đời trên dưới trăm năm tại TP.HCM đang phải đối mặt với nguy cơ sập bất cứ lúc nào. Nỗi lo sập nhà, biệt thự cổ càng lớn khi vào mùa mưa. Thêm vào đó, vụ sập nhà cổ 43 Cửa Bắc (TP.Hà Nội), một lần nữa cho thấy công tác quản lý, kiểm kê, phân loại và bảo tồn nhà cổ còn có nhiều rối rắm.

Những căn nhà cổ liền kề xuống cấp, có thể đổ sập bất cứ lúc nào (ảnh chụp tại đường Võ Văn Kiệt, P.Bến Chương Dương, Q.1). Ảnh: T.A

Khổ như sống trong nhà cổ

Theo thống kê của Sở Xây dựng TP.HCM, TP hiện có khoảng 1.400 nhà cổ, biệt thự cổ được xây dựng từ trước năm 1975, trong đó phần lớn nhà kiến trúc Pháp tập trung nhiều ở Q.1, Q.5, Q.6…

Điển hình như đường Võ Văn Kiệt (trước là Bến Chương Dương) có nhiều nhà cổ, nhà cũ san sát liền kề. Sau 1975, một số ít nhà trở thành nơi để lưu trữ và phân phối hàng hóa, số còn lại là nhà ở. Nhìn phía trước, trông mọi thứ khá kiên cố nhưng bên trong thì chắp nối tạm bợ.

Hơn 20 năm “sống chung” với nguy hiểm, nhiều chủ nhà không thể chịu nổi nên đã đi thuê chỗ ở. “Chỉ còn là đống đổ nát chứ chẳng có gì giá trị nhưng không thể phá bỏ hoặc xây mới vì không được phép”, ông Nguyễn Văn Hữu – chủ một căn nhà cổ trên đường Võ Văn Kiệt cho biết. 

“Nhiều năm nay không có giấc ngủ ngon. Ngày mưa bão, giông lốc, chứng kiến từng mảng bê tông thấm nước rệu rã đổ xuống, tường cũng bong tróc mà… run. Để hạn chế nước mưa thấm nặng gây đổ tường, gia đình đã phủ bạt lên trên, tuy nhiên cũng chỉ được một thời gian ngắn vì không chịu nổi gió giật”, ông Hữu tâm tư.

Theo tìm hiểu của phóng viên, căn nhà cổ gia đình ông Hữu sở hữu nhiều năm nay là một trong những nhà ống liền kề, đã qua nhiều đời chủ. “Có ai mua thì bán đại chứ giờ không thể đợi giá cả chi nữa. Mình có nhà cửa nhưng phải đùm túm nhau đi thuê cực khổ trăm bề”, ông Hữu nói như than.

Ông K. – chủ nhân căn nhà cổ trên đường Lê Quang Định (Q.Bình Thạnh) đã rao bán nhà gần 20 năm nay nhưng không ai mua vì nhà xuống cấp nặng, trong khi xin sửa chữa, xây mới không được. “Nếu cho phép xây dựng, sửa chữa thì không ai đi bán làm gì?”, ông K. nói.

Đi không được, ở không yên là tình cảnh mà nhiều chủ nhà, biệt thự cổ tại TP.HCM đang gặp phải. Bà Liên, hàng xóm của ông Hữu cũng nơm nớp lo sợ nhà sập đè chết. “Tính chuyện thuê nhà ở để bảo toàn tính mạng nhưng lần lữa mãi, vì con cháu đi làm, đi học quanh đây. Nhiều lúc, lo sập đến nỗi việc vui đùa, chạy nhảy của con cháu chúng tôi cũng phải cấm vì không an toàn”, bà Liên nói.

Đừng bỏ mặc người dân với nhà cổ

Theo quy định là không được sửa chữa, xây dựng nhưng chiều 5-8, chúng tôi ghi nhận có một nhóm thợ đang làm nhiều hạng mục bên trong căn nhà đôi số 176 đường Võ Văn Kiệt.

Ông Phạm Trần Hải, Phó phòng Nghiên cứu Quản lý đô thị – Viện Nghiên cứu Phát triển TP.HCM cho biết, những căn biệt thự xây dựng từ trước năm 1975 muốn tháo dỡ phải có sự đồng ý của Chủ tịch UBND TP.HCM và thẩm định của Sở Quy hoạch Kiến trúc.

“Khi hay tin một căn nhà cổ bị đập bỏ, nhiều người phản ứng mạnh, thậm chí chửi thậm tệ vì cho rằng chủ nhân của nó không trân trọng cái đẹp của kiến trúc cổ, giá trị thời gian… Nhưng có sống trong nhà cổ mới thấy cái khổ của người ta. Chúng tôi muốn phá dỡ, xây mới là bởi nó không thể gia cố được nữa và đe dọa trực tiếp đến sinh mạng của chính mình”, ông M. (chủ một căn nhà cổ) nói.

Luật sư Trần Thảo Uyên cho rằng, cá nhân có quyền tự quyết với tài sản của mình bởi tài sản (nhà cổ) đó không thuộc diện quy hoạch bảo tồn. Những căn biệt thự thuộc quyền tư hữu nhưng lại không được quyền tự quyết sửa chữa hay đập bỏ là bởi có quá nhiều quy định nhập nhằng”.

Nhưng ở đây, nghịch lý lâu nay là cơ quan chức năng yêu cầu người dân, cụ thể là chủ biệt thự, nhà cổ phải bảo tồn, trong khi căn nhà đó xuống cấp, vậy bảo tồn cái gì? Luật sư Uyên đề xuất cần sớm có tiêu chí xếp loại, đánh giá cụ thể từng loại nhà cổ, biệt thự cổ để dễ dàng hơn cho người dân.

Trước đó, căn biệt thự cổ hơn 100 tuổi tại số 237 đường Nơ Trang Long (Q.Bình Thạnh) cũng bị phá dỡ và được chính quyền phát hiện, yêu cầu ngưng tháo dỡ. Đây là một trong số hàng trăm căn biệt thự đã xuống cấp ở nhiều hạng mục và có nguy cơ đổ bất cứ lúc nào. Cũng như căn biệt thự này, nhiều nhà, biệt thự cổ khác tại TP.HCM chưa được xếp vào danh sách công trình cần được bảo tồn.

Để chủ nhân của những căn biệt thự không còn phải khổ dài dài, ông Hải đề xuất TP.HCM cần nhanh chóng hoàn thiện các tiêu chí đánh giá, phân loại, bảo tồn nhà cổ, biệt thự cổ.

T.Anh

Bình luận (0)