Là giáo viên có thâm niên gần 30 năm, tôi xin mạo muội khẳng định rằng tình trạng dạy thêm, học thêm ngày càng gia tăng và bùng nổ khắp nơi, nhất là ở tiểu học và THCS kể cả vùng nông thôn là do nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân từ phía người dạy là chính. Có thể nói ngắn gọn là do giáo viên: dạy chưa hết bài, dạy chưa hiểu bài nên bắt buộc học sinh phải đi học thêm.
Việc dạy chưa hết bài, dạy chưa hiểu bài, thứ nhất là giáo viên không đủ trình độ để dạy nên dạy học sinh không hiểu bài. Cũng vì không đủ trình độ nên không có kỹ năng phân bố hợp lí và điều tiết nội dung bài dạy không đúng theo thời gian quy định, dẫn đến thời lượng đã hết mà bài vẫn dạy chưa xong. Nguyên nhân thứ hai là do giáo viên cố tình dạy như thế để học sinh phải đi học thêm. Việc giáo viên cố tình dạy như thế khách quan mà nói là do nhiều nguyên nhân, mà nguyên nhân chính là lương thấp không nuôi đủ bản thân chứ đừng nói đến lo cho gia đình, người thân; trong khi đó họ phải gánh bao nhiêu khoản đóng góp từ phần “cứng” đến phần “mềm” từ phía nhà trường, rồi địa phương, xã hội nên đời sống khó khăn vô cùng, nhất là giáo viên mới ra trường lương thuộc diện “xóa đói giảm nghèo”.
Một nguyên nhân chính đáng để học thêm và dạy thêm mà ta cần phải trân trọng, phát huy là do nhu cầu học thêm để nâng cao kiến thức, mở rộng hiểu biết, đi sâu vào lĩnh vực mà học sinh yêu thích. Nguyên nhân này xảy ra ở trường hợp học để thi vào trường chuyên, lớp chọn, thi đại học, học để đi du học. Và nguyên nhân nữa là do tư tưởng “bầy đàn” và đây là xu hướng xuất hiện ngày càng nhiều ở mọi lĩnh vực chứ không phải chỉ có trong giáo dục. Nghĩa là thấy ai cũng vậy, thì mình phải như vậy cho phù hợp, mới hòa nhập. Vì thế, phụ huynh khi thấy con người ta đi học thêm thì phải cho con mình học thêm, nếu không học thêm sẽ bị thầy cô “chiếu”, khó có kết quả học tập bằng những em đi học thêm và chính nguyên nhân này đã vô tình thúc đẩy việc dạy thêm, học thêm tràn lan như hiện nay.
Còn một lí do nữa mà lâu nay không ít giáo viên cũng ý kiến là chương trình quá tải. Theo tôi, chương trình có đôi bài quá tải chút ít chứ không phải là đụng đâu quá tải đó, quá tải tràn lan. Cho nên, đừng đổ thừa quá tải mà đẻ ra việc dạy thêm.
Nếu như người thầy coi nghề mình là một thiên chức, hết mình vì học sinh thân yêu, biết chọn kiến thức trọng tâm, cần thiết trong bài học để dạy, và có khả năng tiết chế bài dạy hợp lí, đầu tư bài, tìm hiểu dạy kỹ càng và dạy hết mình thì đảm bảo sẽ dạy hết bài học theo quy định, học sinh sẽ hiểu bài, vận dụng làm bài được ngay tại lớp, lúc đó cần gì phải học thêm.
Vì thế, để giải quyết vấn nạn học thêm, dạy thêm, nhất là việc giáo viên cố tình dạy không hiểu, không hết bài dạy để dạy thêm là việc không phải ngày một ngày hai mà là lâu dài, phải có phương cách hợp lí. Nếu cấm thì phải có cách giải quyết hợp lí về lương giáo viên, về việc minh bạch trong thi tuyển, hợp đồng giáo viên. Vấn đề này thuộc về Nhà nước và ngành chủ quản giải quyết. Về phía học sinh, cần xem lại nhu cầu học thêm của các em như thế nào, các em có nhu cầu học đích thực để củng cố, mở rộng, nâng cao hiểu biết hay sợ thầy cô trù úm mà học? Và vấn đề này không ai khác là ban giám hiệu nhà trường phải vào cuộc vì nguyên nhân giáo viên dạy thêm là rất đơn giản mà lãnh đạo trường nào cũng biết nhưng vì lí do tế nhị nên không giải quyết mà thôi.
Nguyễn Tú (Đà Nẵng)
Bình luận (0)