Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Vô tư bày bán trái cây Trung Quốc gắn mác Việt Nam

Tạp Chí Giáo Dục

Hiện nay, bên cạnh các loại trái cây quen thuộc trong nước, nhiều loại hoa quả lạ được bày bán dọc đường, khắp các chợ như mận tím, mận đen, nho không hạt, lê vàng, đào, lựu… Mặc dù được người bán “treo” đủ loại mác như mận Hà Nội, đào Sa Pa, nho Ninh Thuận nhưng giá cả lại vô cùng rẻ so với bảng giá trong siêu thị Co.opmart, Big C, Emart… Đó chính là trái cây Trung Quốc gắn mác Việt Nam.

Nên chọn mua trái cây những nơi có địa chỉ cụ thể như siêu thị, tránh mua trái cây bán dạo dọc lề đường 

Với ưu thế mẫu mã đẹp, hàng phong phú cùng với giá rẻ, trái cây ngoại đang chiếm lĩnh thị trường nội địa gây không ít hệ lụy cho người tiêu dùng và nhà vườn trong “cuộc chiến” cạnh tranh thương hiệu hoa quả trong và ngoài nước. Đặc biệt là các loại trái cây “đội lốt” có xuất xứ từ Trung Quốc.

Nguyên nhân sâu xa bắt đầu từ việc người tiêu dùng tẩy chay trái cây Trung Quốc. Người bán hàng đã có “sáng kiến” lấy hàng Trung Quốc để mạo danh hàng Việt.

Cùng với các loại lương thực và thực phẩm khác, trái cây là món ăn ưa thích của nhiều người. Tuy nhiên bài toán khó giải nhất hiện nay của người nội trợ là không biết chọn lựa như thế nào để mua được các loại trái cây không bị “làm nhái” và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Chị Phương – giáo viên của một trường THCS ở Q.12 tâm sự: “Trước đây, hai đứa con tôi rất thích ăn lê, táo, mận vì đây là đặc sản chỉ có ở các tỉnh vùng ngoài. Tuy nhiên, sau này biết các loại trái cây này xuất xứ chủ yếu ở Trung Quốc nên từ đó tôi cũng hạn chế mua về nhà. Nếu các con thèm và yêu cầu, tôi phải ra siêu thị mua mới chắc ăn”.

“Để tránh chất độc hại, người dùng nên gọt sạch vỏ hoặc ngâm kỹ với nước muối pha loãng. Tuyệt đối không ăn trái cây để quá lâu, ruột bị úng, có mùi vị lạ hay đã hư hỏng nặng” – bà Trần Thị Minh Hạnh – Phó Giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM khuyên. 

Trong lúc đó không ít người lại đặt tiêu chí giá cả lên hàng đầu, chỗ nào rẻ nhất thì mua. Chính vì thế dù bị dư luận kêu gọi tẩy chay nhưng các loại trái cây bên kia biên giới vẫn có mặt trên các sạp bán.

Tổn thất khó lường

Nếu 1kg nho xanh trong chợ giá 70.000 đồng thì cũng loại nho này giá bán ở lề đường chỉ khoảng 50.000 đồng. Một người phụ nữ bán trái cây bằng xe đẩy trên đường Nguyễn Văn Nghi, P.17, Q.Gò Vấp còn khẳng định: “Đây là loại nho xanh Ba Mọi có thương hiệu nổi tiếng ở Ninh Thuận, giá cả rẻ là do mua tận vườn và chở vào Sài Gòn bằng xe nhà nên chi phí giảm”. Đó cũng là lời nói “chắc như bắp” của một người đàn ông bán lê, táo tại sạp trái cây trên đường Đỗ Xuân Hợp, P.Phước Long B, Q.9: “Không bao giờ có hàng Trung Quốc tất cả đều chở xe tải từ Lạng Sơn, Cao Bằng vào. Giá cả rẻ là do số lượng nhiều và đúng vụ mà thôi”.

Tuy nhiên, khi trao đổi với một số người quen là chủ vựa trái cây ở chợ Bình Triệu, chợ An Nhơn, chợ Thanh Đa, chúng tôi đều nhận được thông tin trái ngược. Đó là tất cả các loại trái cây đều nhập từ chợ nông sản đầu mối Thủ Đức. Nói như vậy không có nghĩa là 100% đều của “made in China” vì theo bà L. một chủ vựa trái cây ở chợ Căn Cứ, Q.Gò Vấp, do các loại trái cây trong nước không đủ bán nhất là khi cuối vụ nên các thương lái đành phải “bát-xê” sang trái cây Trung Quốc để có đủ mặt hàng. Một lý do đơn giản khác nhưng quan trọng hơn là giá thành rẻ lợi nhuận cao. Vì thế mới có chuyện trái cây Trung Quốc đội lốt nhãn mác Việt Nam và các nước khác như Úc, New Zealand, Mỹ, Pháp. Một nhân viên quản lý chợ nông sản đầu mối Thủ Đức khẳng định, hầu hết là trái cây nhập từ các tỉnh về hàng ngoại chỉ chiếm gần 20% trong đó phân nửa là hàng của Trung Quốc.

Rõ ràng, đây là lý do làm cho người tiêu dùng bị tổn thất về kinh tế do mua nhầm hàng giả với giá tiền cao hơn giá trị thực. Nhưng điều quan trọng hơn là tình trạng này đã làm nên cơn bão phá giá một cách vô tội vạ mà nông dân luôn là người phải gánh chịu nặng nề. Do được “tắm” hóa chất bảo quản và dùng nhiều chất kích thích nên trái cây Trung Quốc rất đẹp mã “mười trái như một” da bóng loáng, tươi lâu. Hàng nội địa thường chỉ có theo vụ “mùa nào thức nấy” còn hàng nhập khẩu quanh năm suốt tháng đều có mặt. Đây cũng là cách nhận biết tinh tường và kinh nghiệm phân biệt chất lượng thật giả của trái cây.

Bài, ảnh: Nguyễn Hoàng Anh

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)