Hội nhậpGiáo dục phát triển

Chuyển đổi số là xu thế phát triển trong giáo dục đại học

Tạp Chí Giáo Dục

Sáng 1062023, Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng (HIU) tổ chức Hội thảo khoa học “Chuyển đổi số: Xu thế phát triển trong giáo dục đại học” với sự tham dự của các chuyên gia đầu ngành và đại diện cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực chuyển đổi số, đại diện các trường đại học, viện nghiên cứu tại Việt Nam cùng hàng nghìn sinh viên, học viên đến từ các trường đại học khu vực phía Nam. Hội thảo là cơ hội để các chuyên gia chia sẻ kinh nghiệm thực tế chuyển đổi số và ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong giáo dục, từ đó đưa ra các đề xuất về chính sách thúc đẩy hoạt động chuyển đổi số tại Việt Nam.


Đại diện các đại biểu tham gia hội thảo chuyển đổi số được tổ chức tại HIU

Chuyển đổi số đang là xu thế tất yếu và mang tính toàn cầu. Có thể hình dung một cách đơn giản chuyển đổi số là chuyển hoạt động từ thế giới thực sang thế giới ảo, trên môi trường mạng. Những lợi ích mà chuyển đổi số mang lại cho nhân loại là không phải bàn cãi. Nó giúp chúng ta tiếp cận thông tin nhiều, nhanh và chính xác hơn, rút ngắn về khoảng cách, thu hẹp về không gian, tiết kiệm về thời gian và các nguồn lực, đặc biệt là tài nguyên. Nội dung chuyển đổi số rất đa dạng như chính phủ số (dịch vụ công trực tuyến, dữ liệu mở), kinh tế số (tài chính số, thương mại điện tử), xã hội số (giáo dục, y tế, văn hóa) và chuyển đổi số trong các ngành trọng điểm (nông nghiệp, du lịch, điện lực, giao thông, y tế, giáo dục).


PGS.TS Lê Khắc Cường – Phó
Hiệu trưởng HIU phát biểu tại hội thảo

Tại hội thảo, PGS.TS Lê Khắc Cường – Phó Hiệu trưởng phụ trách đào tạo HIU cho biết: “Chuyển đổi số trong giáo dục đại học đang được triển khai mạnh mẽ tại nhiều trường nhằm hướng đến mô hình đại học thông minh, với những ứng dụng công nghệ, giải pháp kỹ thuật số sử dụng trong các hoạt động quản lý, giảng dạy và học tập, giúp giáo dục Việt Nam hội nhập với hệ thống giáo dục đại học tiên tiến của thế giới. Hội thảo sẽ là cơ hội để các nhà khoa học, các chuyên gia, các nhà quản lý giáo dục chia sẻ kinh nghiệm thực tế chuyển đổi số và ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong giáo dục và có những đề xuất thúc đẩy hoạt động chuyển đổi số tại Việt Nam”.


Nhiều bài tham luận giá trị với nội dung về chuyển đổi số như ứng dụng trí tuệ nhân tạo và chat GPT trong giáo dục

Hơn 70 bài tham luận của các nhà khoa học, giảng viên đến từ 26 trường đại học, học viện trên cả nước đã gửi đến hội thảo trình bày một số ứng dụng của kỹ thuật số trong giáo dục đại học phổ biến ở Việt Nam. Những bài tham luận nổi bật sẽ được trình bày, đặc biệt với sự chia sẻ của PGS.TS Đỗ Văn Nhơn – Trưởng Khoa Công nghệ – Kỹ thuật, Trưởng ngành Công nghệ thông tin HIU với nội dung: “Các hệ thống trí tuệ nhân tạo ứng dụng trong giáo dục”. Theo PGS.TS Đỗ Văn Nhơn nhiều hệ thống trí tuệ nhân tạo ứng dụng cụ thể đã được xây dựng như hệ thống hỗ trợ tìm kiếm, truy vấn, hỏi đáp trong đào tạo và tìm kiếm tài liệu, hệ thống giải bài toán thông minh, hệ quản lý kho tài nguyên học tập và hỗ trợ tìm kiếm. Người học sẽ được hỗ trợ trực tiếp về chuyên môn bởi các ứng dụng trí tuệ nhân tạo, hỗ trợ học tập kiến thức và rèn luyện kỹ năng giải quyết vấn đề chuyên môn.

Khoa Công nghệ – Kỹ thuật HIU đào tạo các ngành Công nghệ thông tin, Kiến trúc, Xây dựng, Công nghệ sinh học, Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng, Thiết kế đồ họa, Điện tử – tự động hóa. Khoa có định hướng trở thành trung tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực công nghệ, kỹ thuật, mỹ thuật ứng dụng… có khả năng thích ứng và tiếp cận trình độ khoa học kỹ thuật trong khu vực và trên thế giới.

Ngành Công nghệ Thông tin của Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng liên tục cập nhật và nâng cao kiến thức cho sinh viên, cụ thể trong chương trình đào tạo với các môn học: Trí tuệ nhân tạo, Trí tuệ nhân tạo nâng cao, Các hệ cơ sở tri thức, Các hệ tìm kiếm thông minh. Nhiều môn học yêu cầu sinh viên nắm vững kiến thức, kỹ năng và thực hiện đồ án dưới sự hướng dẫn của giảng viên, giúp sinh viên tiếp cận với những ứng dụng hiện đại và trình độ cao. Chương trình đào tạo chuẩn với đội ngũ giảng dạy là những giáo sư – phó giáo sư, tiến sĩ nhiều năm kinh nghiệm trong ngành cùng mối quan hệ chặt chẽ với các doanh nghiệp, đem đến cơ hội thực tập và làm việc cho sinh viên nhà trường.

PGS.TS Đỗ Văn Nhơn cho biết thêm, khoảng 10 năm trở lại đây, ngành giáo dục đã có những chuyển biến tích cực trong việc ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động giảng dạy, học tập, phát huy khả năng tư duy sáng tạo, chủ động và giúp người học có thể tiếp cận tri thức mọi lúc, mọi nơi.

Tuy nhiên, tiến trình áp dụng các công nghệ mới trong giáo dục đại học tại Việt Nam còn gặp nhiều thách thức như thiếu tài nguyên số, thiếu đội ngũ nhân lực được đào tạo chính quy khi chuyển đổi sang hệ thống giáo dục đại học số, và cần tăng cường an ninh thông tin nhằm đảm bảo về tính chính xác thông tin và quyền sở hữu trí tuệ.

Mặc dù phải đối mặt với một số thách thức, các nhà khoa học đều khẳng định chuyển đổi số là xu thế phát triển tất yếu không thể đảo ngược của giáo dục đại học.


PGS.TS Đỗ Văn Nhơn – Trưởng khoa Công nghệ Kỹ thuật, Trưởng ngành Công nghệ Thông tin HIU trong buổi thảo luận

Tham gia hội thảo, các nhà quản lý giáo dục và đội ngũ giảng viên thêm hiểu và có cái nhìn tổng thể về chuyển đổi số, từ đó có thể ứng dụng công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo vào giảng dạy và nghiên cứu. Các sinh viên, học viên sẽ được lắng nghe những thông tin chuyên sâu, những minh chứng và kết luận của các nhà khoa học, giảng viên cao cấp, tiếp cận trực tiếp với lĩnh vực nghiên cứu đang là xu hướng tất yếu của xã hội.

Trương Huyền

Bình luận (0)