Tuần qua, kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XV đã dành 2,5 ngày để chất vấn và trả lời chất vấn. Theo đó, nội dung chất vấn tập trung vào 4 nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực quản lý Nhà nước của các bộ: Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH); Khoa học và Công nghệ; Giao thông – Vận tải; Ủy ban Dân tộc. Trong đó, nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực LĐ-TB&XH được nhiều đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đặc biệt quan tâm…
Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung trả lời chất vấn
Với nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực LĐ-TB&XH, các ĐBQH tập trung chất vấn những nội dung cơ bản: Giải pháp phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển của các ngành, lĩnh vực; Công tác quy hoạch, sắp xếp, tổ chức, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đào tạo của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN), bảo đảm cung cấp đủ lao động có kỹ năng nghề tại các địa bàn, lĩnh vực trọng điểm; Thực trạng việc làm cho người lao động và giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong tạo việc làm cho người lao động trong giai đoạn hiện nay; Giải pháp khắc phục bất cập, hạn chế trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội (BHXH); Công tác quản lý Quỹ BHXH, giải pháp khắc phục tình trạng người lao động rút BHXH một lần có xu hướng gia tăng.
“Đây là những vấn đề lớn, liên quan trực tiếp đến đời sống, miếng ăn, giấc ngủ hàng ngày của hàng triệu người dân, người lao động và lực lượng hưu trí cả nước”, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung khẳng định.
Giáo dục nghề nghiệp có sự tiến bộ rõ rệt
Trả lời câu hỏi của các ĐBQH liên quan đến GDNN, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH cho biết, thời gian qua Chính phủ đã hoàn thiện cơ cấu, hệ thống GDNN. Quốc hội đã thông qua 3 luật liên quan đến lĩnh vực này: Luật Giáo dục Đại học, Luật Giáo dục và Luật Dạy nghề. Quy mô tuyển sinh hiện nay khoảng 2 triệu HS-SV học nghề, so với cách đây 5 năm bình quân mỗi năm chỉ khoảng 500 nghìn HS-SV cho thấy có sự tiến bộ rõ rệt. Dù vậy, GDNN cả về quy mô và chất lượng còn nhiều điều cần quan tâm, đổi mới và cải thiện về chính sách pháp luật, chế độ chính sách ưu đãi cho HS vào trường nghề.
Việc HS sau tốt nghiệp THCS vào thẳng trường nghề – vừa học văn hóa vừa học nghề không hoàn toàn lãng phí. Song hiện vẫn chưa có đánh giá toàn diện, thời gian tới sẽ có đánh giá đích thực về vấn đề này. Việc vừa học nghề vừa học văn hóa giúp rút ngắn thời gian, tạo thuận lợi hơn cho người học ra trường có thể tham gia thị trường lao động. Các nước đang phát triển như Đức, Nhật Bản và Canada cũng áp dụng mô hình này.
Về công tác quy hoạch mạng lưới đào tạo GDNN, ông Dung thông tin, thời gian qua, 63 tỉnh, thành đã cùng với Bộ LĐ-TB&XH tiến hành quy hoạch lại mạng lưới GDNN, sáp nhập các trường trung cấp, các trung tâm GDNN. Một trường cao đẳng ở một địa phương có thể dạy nhiều hệ khác nhau, nhiều chương trình khác nhau theo đúng tinh thần Nghị quyết 19 của Trung ương. Cùng với đó, hệ thống trường nghề của các bộ, ngành, đoàn thể cũng được sắp xếp lại theo tinh thần quy về một đầu mối, theo đúng Chiến lược GDNN đến năm 2030 tầm nhìn năm 2045, để tránh trùng lặp về chức năng, về ngành nghề đào tạo như hiện nay.
Quang cảnh phiên chất vấn – trả lời chất vấn
Tuy nhiên, mạng lưới GDNN vẫn còn nhiều vấn đề tồn tại. Hiện nay cùng trên một địa bàn có nhiều trường nghề khác nhau, có nhiều ngành nghề khác nhau, trùng nhau, dẫn đến số học viên không đáp ứng được yêu cầu, khó tìm việc sau khi đào tạo xong. Chính vì vậy, thời gian tới, đào tạo cần gắn với nhu cầu thị trường, cần làm quyết liệt hơn việc dự báo cung cầu; chỉ tiến hành đào tạo khi xác định được nhu cầu. Bên cạnh đó, các trường cần liên kết, hợp tác chặt chẽ, đặt hàng các doanh nghiệp để học viên đào tạo ra có việc làm, có nghề nghiệp ổn định.
“Muốn đổi mới GDNN cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, làm thay đổi nhận thức trong xã hội”, ông Dung nhấn mạnh.
Chế tài mạnh hành vi trốn, chậm đóng BHXH
Đối với tình trạng chậm, trốn đóng BHXH của các doanh nghiệp; tình trạng người lao động ồ ạt rút BHXH một lần mà các ĐBQH chất vấn, ông Dung trả lời, thời gian qua, tình hình rút BHXH một lần có gia tăng, đặc biệt tăng nhiều sau đại dịch Covid-19. Vì vậy cần tìm ra nguyên nhân và giải pháp cụ thể cho tình trạng này.
Về việc thành lập Quỹ hỗ trợ người lao động, ông Dung cho rằng, đây là một trong các giải pháp bên cạnh nhiều giải pháp khác trong tháo gỡ vướng mắc cho thị trường lao động. Phương án lập quỹ cần được rà soát, nghiên cứu, đánh giá tác động kỹ lưỡng. Bộ LĐ-TB&XH sẽ ghi nhận và nghiên cứu kỹ phương án này.
Về vấn đề chậm đóng, trốn đóng BHXH, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH cho biết, đến hết năm 2022, khối lượng chậm đóng, trốn đóng tăng 2,69% so với mức của năm 2021 – có 26.670 doanh nghiệp, đơn vị chậm đóng, trốn đóng. Bộ LĐ-TB&XH đã điều chỉnh, thực hiện các giải pháp để đảm bảo quyền lợi cho các đối tượng. Đến nay, các đối tượng tham gia bảo hiểm bị ảnh hưởng về chế độ, chính sách đã được giải quyết một cách căn bản.
Phân tích nguyên nhân của tình trạng này, ông Dung cho rằng, thời gian qua, các doanh nghiệp gặp khó khăn do thiếu đơn hàng, cơ quan quản lý bảo hiểm chưa quản lý hết đối tượng; ứng dụng công nghệ thông tin, kết nối cơ sở dữ liệu chưa tốt. Bộ LĐ-TB&XH đã triển khai các biện pháp cụ thể, thực hiện nguyên tắc người lao động thu đến đâu thì thực hiện chính sách tới đó. Về lâu dài, cần sửa Luật BHXH, các nội dung này cũng được trình bày trong dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) trình Quốc hội tại kỳ họp tháng 10; trong đó sẽ quy định rõ khái niệm, phạm vi hành vi chậm đóng, trốn đóng BHXH, áp dụng một số chế tài mạnh mẽ, kiên quyết, hiệu quả hơn đối với hành vi này như thông lệ quốc tế.
Về công tác an sinh xã hội, Bộ trưởng thông tin, công tác này đã có nhiều cố gắng trong thời gian vừa qua. Trong 3 năm qua đã tiến hành hỗ trợ 68 triệu lượt người. Chưa bao giờ các địa phương, các ngành làm tốt công tác an sinh như thời gian qua. Các chính sách đến với người dân một cách nhanh nhất, hiệu quả nhất, ít tiêu cực nhất. Thời gian tới cần dự báo được tình hình sản xuất kinh doanh, diễn biến đời sống, bộ phận lao động chuyển sang tuổi hưu. Bộ LĐ-TB&XH cũng đã có nghiên cứu để đưa ra những chính sách an sinh xã hội trong thời gian tới, trình các cấp có thẩm quyền xem xét, thông qua.
Thùy Linh
Bình luận (0)