Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Cộng đồng trách nhiệm trong giáo dục học sinh

Tạp Chí Giáo Dục

Giáo dục học sinh trong nhà trường là trách nhiệm của mỗi người, từ hiệu trưởng cho đến bảo vệ, nhân viên lao công. Khi thấy, chứng kiến học sinh vi phạm nội quy, quy định của nhà trường, của ngành, mọi người đều có quyền nhắc nhở, ghi nhận. Làm được như vậy, cả một hệ thống giáo dục sẽ từng bước rèn luyện, đưa học sinh tuân thủ tốt mọi quy định. Thực trạng hiện nay có rất nhiều điều cần trao đổi, bàn bạc và có phương hướng, biện pháp khắc phục về cộng đồng trách nhiệm này. Thực tế cho thấy, chỉ có những giáo viên lớn tuổi mới thường xuyên nhắc nhở, uốn nắn học sinh khi thấy các em vi phạm. Thí dụ, khi thấy một vài học sinh nam trong giờ học bỏ áo ra ngoài, giáo viên sẽ nhắc nhở các em thực hiện nội quy. Hoặc thấy các em có biểu hiện dùng bạo lực đối với bạn, giáo viên liền “hóa giải” bằng kinh nghiệm xử lý tình huống sư phạm của mình. Mặc dù học sinh đó không phải là thành viên của lớp mình, nhưng là học sinh của trường nên giáo viên không ngần ngại xử lý một cách hợp lý, hợp tình. Đó là điều rất hoan nghênh vì giáo viên chủ nhiệm không thể bám sát lớp mình trong từng tiết học. Ban giám hiệu cũng vậy, không thể kiểm soát được tất cả mọi diễn biến của từng tiết học trong nhà trường. Tuy nhiên, hiện có không ít giáo viên không mặn mà với việc cộng đồng trách nhiệm giáo dục học sinh, vì những lý do sau đây:

Một, họ sợ đụng chạm, sợ trách nhiệm vì luôn nghĩ rằng không nên gặp “ách giữa đàng tự quàng vào cổ” thêm rắc rối. Chi bằng nhắm mắt cho qua, coi như mình không biết, không thấy. Hai, họ quan niệm, cho rằng việc nhắc nhở, uốn nắn, giáo dục học sinh là nhiệm vụ của ban giám hiệu nhà trường, của Đoàn Thanh niên, của giáo viên chủ nhiệm. Họ chỉ làm nhiệm vụ giảng dạy (dạy chữ), không liên quan đến việc dạy người. Hết giờ, họ chỉ biết ký sổ đầu bài rồi ra về, ai làm gì mặc kệ! Ba, họ dạy thêm nên không muốn làm “mất lòng” học sinh; vì một khi học sinh ghét giáo viên “ưa dạy đời”, luôn bắt lỗi thì các em không đăng ký học thêm, từ đó “nồi cơm” bị ảnh hưởng… Bốn, họ đã có biểu hiện “nhạt nghề”, muốn thủ phận; không muốn làm mất lòng giáo viên, mất lòng học sinh, phụ huynh. Từ đó họ thờ ơ, vô cảm trước những vi phạm của học sinh! Giáo viên nào nhắc nhở, uốn nắn thì học sinh không ưa; còn giáo viên nào dễ dãi thì học sinh lại khoái! Thật ngược đời!

Căn bệnh vô cảm đang lan tràn trong giáo viên, trong trường học. Cộng đồng trách nhiệm, cùng có nghĩa vụ, trách nhiệm trong việc giáo dục học sinh của người thầy không còn như ngày xưa. Đó là điều dễ hiểu khi bạo lực học đường ngày càng trầm trọng; nếu có tinh thần cộng đồng trách nhiệm, chúng ta sẽ phát hiện, ngăn chặn ngay từ đầu thì đâu có những hậu quả đau lòng xảy ra.

Theo tôi, cần chú trọng hơn về cộng đồng trách nhiệm này; không thể cùng chung một tập thể mà “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược”, như thế làm sao thực hiện tốt công tác giáo dục đạo đức cho học sinh?

Lê Đc Đng

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)