Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Bùng phát sốt xuất huyết

Tạp Chí Giáo Dục

Đúng như dự báo của ngành y tế, bệnh sốt xuất huyết (SXH) quay trở lại để bùng phát thành dịch tại nhiều nơi trong cả nước.

Bệnh nhân điều trị SXH tại BV Nhân dân Gia Định

Theo báo cáo nhanh của Bộ Y tế, trong 2 tuần gần đây tại vùng núi Tây Nguyên và Tây Nam bộ bệnh SXH đã quay trở lại và lan rộng ở các địa phương này.

Số ca nhiễm bệnh tăng

Theo đó, có hơn 5.500 ca SXH trong tháng 7 và gần 45.000 người mắc SXH từ đầu năm đến nay tại nhiều tỉnh thành. Như vậy so với cùng kỳ năm ngoái tăng 2,5 lần. Đáng chú ý hơn trong tháng 7 có 2 trường hợp tử vong. Đây là điều thật sự lo lắng và đáng báo động khi thời tiết chuyển mùa, mưa nắng thất thường, vệ sinh dịch tễ chưa được quan tâm. Trong những năm gần đây SXH đã trở thành mối quan ngại lớn đối với sức khỏe cộng đồng. Ai cũng biết rằng, SXH là bệnh do virus lây nhiễm mà thủ phạm chính là muỗi truyền từ người này sang người khác. Chị Mai nhà ở quận 8 đang nuôi đứa em trai tên Tr. bị SXH tại BV Nhân dân Gia Định cho biết, cách đây mấy ngày anh Tr. đi làm về bị sốt cao ban đầu cứ tưởng là cảm mạo bình thường. Tuy nhiên, chỉ sau một ngày người mệt mỏi rũ rượi, nhức đầu như búa bổ. Mặc dù có uống đều thuốc cảm mạo nhưng cũng không ăn thua gì. Sang ngày thứ 3, bệnh nhân có cảm giác ngứa ngáy và xuất hiện những chấm nhỏ dưới da như bị muỗi chích. Nghe lời người nhà khuyên nhủ, anh Tr. mới được đưa vào BV để chữa trị.

Người dân chưa có ý thức cao trong việc phòng chống dịch SXH

Hiện nay, đang vào giữa mùa mưa nên thời tiết có nhiều thuận lợi cho muỗi phát triển ở các tỉnh Tây Nguyên. Đó là nhận định của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam sau khi đi kiểm tra công tác phòng chống dịch SXH tại một số địa phương trên địa bàn thành phố Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) vào ngày 7-8 cùng với đoàn công tác Bộ Y tế do Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến làm Trưởng đoàn. Tuy nhiên, một số vùng người dân vẫn chưa có ý thức cao trong việc phòng chống dịch SXH. Qua kiểm tra, một số buôn làng có tình trạng vứt vỏ xe bừa bãi ở những vùng đất trống chứa nước mưa lâu ngày vốn là nơi sinh sống lý tưởng của lăng quăng, bọ gậy và muỗi. Theo nhận định của đoàn kiểm tra, nơi nào còn chủ quan lơ là trong việc phòng chống dịch thì nơi đó vẫn có cơ hội cho ổ dịch SXH lan rộng. Vì thế công tác phòng chống dịch cần được tuyên truyền sâu rộng và kịp thời để hạn chế mức thấp nhất sự bùng phát dịch SXH...  

Đại diện Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Đồng Tháp cho biết, đây là thời điểm dịch SXH bùng phát tại các thành phố, thị xã, huyện trong toàn tỉnh. Mỗi tuần có đến 30, 40 ca nhập viện, có tuần lên đến 60, 70 ca. Hầu hết số lượng đều tăng gấp đôi hoặc hơn so với cùng kỳ năm ngoái. Nếu tại tỉnh An Giang tính từ đầu năm đến nay chỉ có trên 1.900 ca thì tại tỉnh Đồng Tháp số người mắc bệnh SXH đã lên tới khoảng 2.300 ca.

Theo báo cáo của trung tâm y tế dự phòng một số tỉnh miền Tây Nam bộ, trong số hàng ngàn ca SXH năm nay có đến cả trăm ca sốc dẫn đến tử vong. Ông Dương Ân Hận – đại diện Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Đồng Tháp khẳng định, dù năm nay mùa mưa đến trễ nhưng đây là dịp để cho lăng quăng và muỗi phát triển mạnh khi có độ ẩm cao.

Chữa không bằng phòng bệnh

Do biết đón đầu nên ngành y tế địa phương đã kịp thời tập trung xử lý môi trường và các ổ bệnh, ổ dịch nhưng vì lây truyền nhanh nên vẫn chưa khống chế được như ý muốn. Không thể đứng ngoài cuộc, Bộ Y tế đã kịp thời cử các đoàn kiểm tra để giám sát và chỉ đạo công tác phòng và chống các ổ dịch tại cơ sở. Theo TS. Trần Đắc Phu – Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) bên cạnh cao điểm mùa mưa, năm nay nhiệt độ trung bình của môi trường tăng đột biến do hiện tượng Elnino đã tạo điều kiện tốt cho muỗi phát triển. Những vùng hạn hán phải trữ nước vào bể, chum, lu, khạp đã “tiếp sức” cho môi trường sống và đẻ trứng vô cùng lý tưởng của loài muỗi. Ở vùng Tây Nguyên bùng phát nhanh là do nơi đây vốn không phải vùng lưu hành SXH nên miễn dịch quần thể đối với bệnh yếu hơn. Đồng bào dân tộc ít người nói chung chưa chủ động trong việc phòng chống ổ dịch nên SXH có cơ hội tự tung tự tác.

BS Đỗ Châu Việt – Trưởng khoa Nhiễm BV Nhi đồng 2 TP.HCM khuyên, không coi thường khi có triệu chứng sốt toàn thân kéo dài và đột ngột. Nếu có triệu chứng mệt mỏi, biếng ăn uống, mất nước, đau hốc mắt thì cần phải được sự tư vấn của BS và chữa trị kịp thời tại các BV. Sau vài ngày nếu có triệu chứng xuất huyết dưới da với những chấm đỏ li ti thì không loại trừ bệnh SXH. Thực tế nhiều bệnh nhân vào BV trễ do chủ quan và không xác định được SXH. Đây là điều nguy hại lớn đối với tính mạng con người vì có trường hợp đã tử vong nhanh chóng. Tuy nhiên việc chẩn đoán sớm căn bệnh này không phải dễ kể cả người nhà và thầy thuốc, vì thế nếu trong “hàng rào” ổ dịch thì lại càng không được coi thường, phó mặc. “Phòng bệnh hơn chữa bệnh, ngoài việc phun hóa chất để chặn đứng dịch bệnh, người dân cần có ý thức hơn trong việc giữ sạch môi trường, nên làm việc và ngủ ở những nơi có rào lưới và mùng cả ban ngày lẫn đêm. Đặc biệt khơi thông cống rãnh và các con kênh, dòng sông vốn đang bị ô nhiễm nặng ở những nơi tập trung đông người” – TS. Phu khuyên.

Bài, ảnh: Quang Phan

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)