Người dân cần nâng cao nhận thức trong việc thực hiện các giao dịch về bất động sản…
Nhiều địa phương trong cả nước gần đây tăng cường công tác quản lý nhà nước về đất đai. Trong đó có việc xác định giá đất cụ thể khi giao đất, thuê đất cho doanh nghiệp phải sát với thị trường và cả việc kiểm soát, ngăn chặn kịp thời các trường hợp đầu cơ, thổi giá đất để trục lợi. Nguyên nhân được cho là xuất phát từ những tín hiệu ấm dần của thị trường bất động sản (BĐS).
Tung chiêu tạo "sóng"
Trước đó, vào đầu tháng 4, sau khi tỉnh Khánh Hòa công bố các quy hoạch quan trọng, khu vực đường trung tâm xã Cam An Bắc, xã Cam An Nam, huyện Cam Lâm bất ngờ xuất hiện ôtô từ khắp nơi ra vào tấp nập. Một số tuyến đường, ôtô đậu thành hàng dài, các quán cà phê nhộn nhịp người, trong đó nhiều nhất là ôtô mang biển kiểm soát tỉnh Khánh Hòa, ngoài ra còn có các xe đến từ TP HCM, Hà Nội, Đồng Nai, Đắk Lắk…
Trên mạng xã hội cũng xuất hiện nhiều clip, livestream cảnh xe cộ ra vào tấp nập, quang cảnh người mua bán, các điểm giao dịch, văn phòng công chứng đất đai… giống như những lần sốt đất trước.
Vài ngày sau đó, UBND huyện Cam Lâm đã chỉ đạo UBND xã Cam An Bắc tăng cường tuyên truyền để người dân nắm rõ các thông tin liên quan đến quy hoạch, không nên tin vào thông tin không chính thống của các "cò đất"; đồng thời chỉ đạo Công an huyện Cam Lâm tăng cường kiểm tra, xử lý các trường hợp tuyên truyền, đăng thông tin không chính xác về quy hoạch huyện Cam Lâm.
Chỉ hơn 1 tuần, tình trạng các “cò đất” đổ về huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa đã chấm dứt.
Sau đó, Phòng An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an tỉnh Khánh Hòa cũng đã tống đạt quyết định xử phạt vi phạm hành chính 7,5 triệu đồng đối với ông Lê Phi T. (ngụ TP Cam Ranh) vì có hành vi cung cấp thông tin sai sự thật. Theo đó, ông T. sử dụng tài khoản mạng xã hội đăng hình ảnh rất đông người tập trung tại một phòng công chứng và trước cửa UBND huyện Cam Lâm.
Theo ông Ngô Văn Bảo, Chủ tịch UBND huyện Cam Lâm, hiện huyện vẫn tạm dừng việc tiếp nhận giải quyết đối với hồ sơ chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Địa phương đã thực hiện hết chỉ tiêu sử dụng đất của UBND tỉnh Khánh Hòa về việc phê duyệt kế hoạch sử dụng đất năm 2021 của huyện.
Cùng thời điểm này, UBND tỉnh Tây Ninh cũng có chỉ đạo khẩn về chấn chỉnh hoạt động môi giới BĐS và đẩy nhanh công khai quy hoạch để người dân tiếp cận thông tin chính thống, ngăn chặn tình trạng bị lợi dụng thổi giá đất lên cao nhằm thu lợi bất chính. Nguyên nhân là do sau khi một số khu vực có quy hoạch hạ tầng, tuyến cao tốc TP HCM – Mộc Bài rục rịch khởi công đã thu hút "cò" đất đổ về đông.
UBND tỉnh Tây Ninh cũng yêu cầu các đơn vị tăng cường quản lý chặt chẽ các dự án BĐS, nhất là BĐS hình thành trong tương lai. Trên cơ sở này, bảo đảm việc đưa BĐS vào kinh doanh, chuyển nhượng dự án BĐS phải đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật về đất đai, pháp luật về đầu tư và pháp luật về kinh doanh BĐS.
Mới đây nhất, Sở Xây dựng tỉnh Bình Thuận đã có văn bản về việc tăng cường công tác quản lý thị trường BĐS, công khai các dự án đủ điều kiện giao dịch để ngăn chặn rủi ro từ các hình thức huy động vốn ở những dự án chưa đủ điều kiện.
Nguyên nhân là do Sở Xây dựng tỉnh Bình Thuận nhận thấy hoạt động giao dịch BĐS trên địa bàn tỉnh trong thời gian gần đây có diễn biến phức tạp, một số dự án chưa được chấp thuận đầu tư, một số dự án đang trong giai đoạn lập thủ tục đầu tư, một số dự án du lịch nghỉ dưỡng… nhưng chủ đầu tư và các đơn vị môi giới BĐS đã thực hiện các hình thức quảng cáo, giữ chỗ, đặt chỗ, đăng ký vị trí để thu tiền của người mua khi BĐS đưa vào kinh doanh chưa đủ điều kiện để giao dịch mua bán và chuyển nhượng theo quy định của pháp luật. Các hình thức này không được quy định trong Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh BĐS và các quy định pháp luật liên quan.
Do đó, Sở Xây dựng tỉnh Bình Thuận đề nghị người dân cần phải nâng cao nhận thức trong việc thực hiện các giao dịch về BĐS; kiểm soát chặt chẽ thông tin không đúng quy định đối với các dự án chưa đủ điều kiện để giao dịch.
Khó có sốt đất thật
Ông Trần Đình Quý, Chủ tịch Hội Môi giới BĐS tỉnh Khánh Hòa, cho biết "sốt đất Cam Lâm" mấy ngày trước xuất phát từ việc một số người đưa lên mạng xã hội tài liệu trôi nổi về bản quy hoạch huyện Cam Lâm nói chung và các xã, dẫn tới "tạo sóng sốt đất". Một số đối tượng đưa ra bản đồ khu vực xã Cam An Bắc và xã Cam An Nam không nằm trong quy hoạch nhằm đánh vào tâm lý người mua, thu hút nhà đầu tư, tạo ra tình trạng bất ổn trên thị trường BĐS.
"Việc kinh doanh, môi giới BĐS đều hoạt động dựa trên nhu cầu thực có của khách hàng. Nếu khách hàng không có nhu cầu thì việc "tạo sóng" chỉ nhanh chóng chấm dứt. Việc "dựa hơi" quy hoạch để kinh doanh BĐS theo kiểu "đánh bạc" tiềm ẩn nguy cơ rất lớn, làm méo mó thị trường BĐS" – ông Quý đánh giá.
Tuy nhiên, bỏ qua yếu tố tạo sốt ảo của cò lái, các chuyên gia BĐS nhìn nhận sau một loạt chính sách, chỉ đạo của Chính phủ nhằm tháo gỡ khó khăn cho thị trường từ cuối năm ngoái đến nay; đặc biệt, gần đây nhiều ngân hàng đã giảm lãi suất huy động và cho vay nên một bộ phận nhà đầu tư bắt đầu kỳ vọng thị trường sẽ sớm đảo chiều từ trầm lắng sang sôi động.
Thực tế thời gian gần đây, hoạt động nhà đầu tư nhà đất đã rục rịch trở lại tại một số khu vực TP HCM và các tỉnh lân cận. Ông Tạ Trung Kiên, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư Phát triển Wowhome, cho biết tín hiệu tích cực của thị trường BĐS đã xuất hiện trong vài ba tuần trở lại khi lượng khách đi xem, tiếp cận dự án tăng gấp đôi so với vài tháng trước. Nếu trước chỉ có 50 khách đi tham quan dự án/tháng và chỉ tham khảo chứ không xuống tiền thì nay số lượng đã lên đến hàng trăm và một vài người trong số đó đã chịu xuống tiền đặt cọc để mua nhà đất.
"Để có kết quả này, ngoài các chính sách quyết tâm của Chính phủ trong tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ thị trường, giải tỏa tâm lý khách hàng thì nỗ lực của các chủ đầu tư cũng rất quan trọng. Các công ty đã đẩy mạnh hoạt động khuyến mãi, tăng chiết khấu, hỗ trợ kéo dài thời gian thanh toán để thu hút khách" – ông Kiên lý giải.
Một yếu tố khiến thị trường BĐS tích cực dần lên theo Hội Môi giới BĐS Việt Nam (VARS) là giá BĐS ở những khu vực từng xảy ra sốt đất đã được điều chỉnh về giá trị phù hợp, tương xứng với giá trị đầu tư vào nội tại sản phẩm và hạ tầng khu vực. Những nhà đầu tư sử dụng đòn bẩy tài chính, đặc biệt có sử dụng chương trình ưu đãi lãi suất, ân hạn nợ gốc giai đoạn 2018 – 2022 của các chủ đầu tư buộc phải cắt lỗ 10% – 30%, thậm chí lên đến 30% – 50% giá trị đầu tư. Điều này có sức hút rất lớn với những nhà đầu tư cầm tiền.
Dù vậy, ông Nguyễn Quốc Anh, Phó Tổng Giám đốc Batdongsan.com.vn, nhận định năm 2023 sẽ không xảy ra cơn sốt đất, bởi thị trường BĐS đang ở trạng thái trầm lắng, thanh khoản thấp, đặc biệt là loại hình đất nền.
Chỉ mới là tín hiệu!
Ông Tạ Trung Kiên cho rằng sự tích cực của thị trường BĐS hiện mới dừng ở mức tín hiệu, thẩm thấu từ các chính sách của Chính phủ, còn để thị trường tăng trưởng dài hơi hay ổn định trở lại thì vẫn chưa nói được. "Thị trường cần thêm khoảng 6-9 tháng để các chính sách lãi suất ở ngân hàng và dòng vốn từ nhà băng thực sự chảy chứ hiện tại vẫn chưa khơi thông. Đa số nhà đầu tư vẫn còn e dè, chỉ một số người mua đất vùng ven có sổ, vị trí đẹp, giá mềm với trong khoảng 1-2 tỉ đồng" – ông Kiên phân tích.
|
SƠN NHUNG (theo NLĐ)
Bình luận (0)