Hiện nay, các mạng xã hội, nhất là facebook thu hút mọi lứa tuổi học sinh (HS). Ngoài thời gian học, gần như sự giao tiếp của các em là dành cho facebook.
Việc quản lý, giáo dục học sinh ngoài giờ lên lớp qua facebook có một số tiện lợi như gần gũi, hiểu các em hơn (ảnh minh họa). Ảnh: N.Anh |
Nhiều người cho rằng HS đang “ăn, ngủ cùng… facebook”. Thậm chí có người còn cho rằng chính facebook là nguyên nhân của những vụ việc xấu, tiêu cực của HS đã xảy ra trong thời gian gần đây.
1. Thực tế, chúng ta không thể cấm HS tham gia facebook và facebook cũng không xấu nếu chúng ta sử dụng đúng, hướng nó vào những điều tích cực. Bởi thế, để có thể quản lý sâu sát HS ngoài không gian nhà trường cũng như kịp thời giáo dục định hướng các em vào mục đích tốt đẹp, giáo viên (GV) – nhất là GV chủ nhiệm – cần thiết phải “chơi” facebook. Thời gian qua, nhiều GV THCS, THPT đã thử thực hiện quản lý, giáo dục HS qua facebook và đã đạt một số kết quả khả quan.
Trước đây, để quản lý, giáo dục HS ngoài giờ học, GV chủ nhiệm thường trao đổi, trò chuyện riêng với các em khi có thời gian; hay liên hệ thường xuyên với phụ huynh, hoặc thăm dò, tìm hiểu từ các bạn cùng lớp, cùng trường. Thế nhưng, hiện nay những giải pháp này dường như không còn hữu hiệu lắm vì GV chủ nhiệm cũng dạy bộ môn nên thời gian rảnh rỗi rất ít và khi trò chuyện trực tiếp, HS cũng hiếm khi bộc lộ những suy nghĩ, quan điểm của chính mình vì ngần ngại. Phụ huynh cũng bận rộn nên thường GV chủ nhiệm chỉ liên hệ khi các em có vấn đề về chuyên cần, học tập hay hạnh kiểm. Do đó thời gian tìm hiểu qua phụ huynh cũng rất ít ỏi. Thậm chí nhiều phụ huynh không quan tâm đến con em nên những hiểu biết về con em mình đôi khi còn ít hơn GV chủ nhiệm. Cạnh đó, HS hiện nay cũng thường bao che cho bạn nên khi GV chủ nhiệm tìm hiểu về bạn khác, các em cũng thường né tránh trả lời chính xác những điều thầy cô cần biết.
Chính vì vậy việc quản lý, giáo dục HS ngoài giờ lên lớp bằng facebook đã đem đến một số tiện lợi như GV chủ nhiệm có thể quản lý chặt chẽ được các em ngoài giờ lên lớp hơn; giáo dục, định hướng cho HS về mọi mặt; nhanh chóng, kịp thời ngăn chặn những hành vi sai lệch của các em khi vừa nhen nhóm; gần gũi, hiểu hơn về HS từ hoàn cảnh gia đình, sở thích, thói quen, quan điểm…
2. Để thực hiện được cách giáo dục, quản lý HS qua facebook thì ngay từ khi nhận lớp, GV chủ nhiệm cần thực hiện các việc sau: cho HS biết facebook của mình và ghi nhận facebook của lớp trưởng, lớp phó, tổ trưởng, tổ phó và nêu mong muốn được kết bạn với tất cả HS của lớp. Sau đó, GV chủ nhiệm cho cả lớp biết mọi thông tin, thông báo cần thiết về học tập, sinh hoạt của trường lớp sẽ được thông tin trên facebook cho nhanh chóng. Đồng thời, thầy cô cũng cho biết sẽ sẵn sàng trao đổi, trả lời mọi thắc mắc, tâm tư của các em về mọi việc qua hộp tin nhắn của facebook để đảm bảo sự riêng tư của cuộc trao đổi. (Thầy cô cần thực hiện theo đúng những điều đã phổ biến và phải dành thời gian mỗi ngày để xem facebook của từng em). Thỉnh thoảng, GV chủ nhiệm cũng tham gia bình luận với các em như những người bạn. Làm những điều này để các em thấy thầy cô hết sức gần gũi như một người bạn và tâm lý như người anh, người chị không quá xa cách. Khi đã quen với sự hiện diện của GV trên facebook, các em sẽ hết sức thoải mái bộc lộ những suy nghĩ, tình cảm, tâm tư, nguyện vọng… của bản thân. Ngược lại, khi nhận ra có những biểu hiện lệch lạc, sai trái từ HS nào, GV chủ nhiệm cần khéo léo trao đổi với các em qua hộp thư của facebook để giải tỏa những vướng mắc, bức xúc của các em. Nếu vẫn chưa có kết quả tốt, lúc này, GV chủ nhiệm có thể gặp riêng HS ấy để trao đổi, giáo dục thêm. Những trường hợp khó khăn quá hoặc thuộc về chuyện gia đình của HS thì GV mới liên hệ với phụ huynh để phối hợp giáo dục các em. Cũng từ trang facebook của mình, GV chủ nhiệm tạo ra những phong trào từ các thông tin trên facebook như giúp người nghèo khó, hoạn nạn, thiên tai; giúp HS nghèo…, hay góp phần tạo những sân chơi lành mạnh như giới thiệu cho HS những quyển sách, bộ phim, bài hát hay, có giá trị. Từ đó, GV cùng HS bình luận trên facebook và qua đó thầy cô giáo dục, định hướng chân, thiện, mỹ cho các em.
3. Qua thời gian thực hiện việc quản lý, giáo dục HS qua facebook, các GV chủ nhiệm đều cho rằng đã mang lại nhiều kết quả tích cực như ngăn chặn kịp thời những vụ đánh nhau vì bất đồng trong học tập, sinh hoạt; biết HS có hoàn cảnh gia đình khó khăn và phát động cả lớp giúp đỡ; kịp thời ngăn chặn những HS có nguy cơ bỏ học… Đặc biệt, GV chủ nhiệm không mất nhiều thời gian để gặp gỡ HS mà vẫn biết được những sinh hoạt của các em ngoài giờ học; khoảng cách giữa thầy – trò dường như không còn mà ngày càng gần gũi, gắn bó nhau hơn.
Lê Phương Trí
Bình luận (0)