Năm 2022, mặc dù kinh tế còn khó khăn do chịu tác động của dịch Covid-19, nhưng tại Việt Nam, số doanh nghiệp khởi nghiệp tăng mạnh. Trong số đó, có nhiều doanh nghiệp bứt phá với doanh thu “triệu đô”.
Doanh nghiệp khởi nghiệp giới thiệu sản phẩm công nghệ với đoàn đại biểu Ngân hàng Thế giới (World Bank) trong buổi gặp gỡ startup Việt
Theo các chuyên gia, tiềm năng khởi nghiệp lĩnh vực công nghệ trong nước rất lớn. Đây là thách thức và cũng là cơ hội để startup khẳng định vị trí trong bảng xếp hạng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại Việt Nam, khu vực và thế giới.
Nhiều dự án công nghệ Việt có doanh thu “triệu đô”
Trong chuyến thăm và làm việc với Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ – SIHUB (Sở KH-CN TP.HCM) mới đây, bà Mari Pangestu (Tổng Giám đốc điều hành Chính sách phát triển và Quan hệ đối tác của Ngân hàng Thế giới – World Bank) đánh giá cao hoạt động đổi mới sáng tạo của TP.HCM nói riêng và Việt Nam nói chung. Gặp gỡ trực tiếp các startup, bà Mari Pangestu cho rằng những dự án khởi nghiệp với sự đỡ đầu của SIHUB có tiềm năng phát triển bền vững, đặc biệt là các dự án công nghệ. Đây là những dự án khởi nghiệp và các dự án thương mại hóa quyền sở hữu trí tuệ đến từ trường đại học trong việc phát triển các kết quả nghiên cứu, thương mại hóa thành công cũng như đã đăng ký sáng chế. Theo đó, thời gian qua Việt Nam có nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp thành công từ khai thác tài sản trí tuệ. World Bank đánh giá cao hoạt động của Vũ Môn – công ty đầu tiên trên cả nước trong việc phát triển nghiên cứu về các phụ phẩm phụ liệu, tinh sợi, vi sợi từ cây chuối tạo ra da nhân tạo và vải. Điểm gây chú ý trong cộng đồng khởi nghiệp khu vực và thế giới là công ty này đã ứng dụng công nghệ cao thay thế hoàn toàn da động vật nhưng vẫn đảm bảo các tiêu chí về độ bền, tinh tế. Hiện nay, sản phẩm đã xuất khẩu thành công sang thị trường châu Âu và sản xuất quy mô công nghiệp trong nước. Ở lĩnh vực y tế và sức khỏe, Công ty Spin-off Stem Cell Research Institute được biết đến với những công trình nghiên cứu về công nghệ tế bào gốc, y học tái tạo và ung thư ở cấp độ sinh học phân tử, tế bào, mô và cơ thể, da nhân tạo trong phục hồi cho bệnh nhân bỏng. Được biết, công nghệ này đến từ trường đại học do Viện Tế bào gốc nghiên cứu, cung cấp dịch vụ sản xuất ở quy mô thử nghiệm.
Thành công của doanh nghiệp khởi nghiệp nhờ nhiều yếu tố, trong đó không thể thiếu vai trò của đơn vị “đỡ đầu”. Một trong những dự án thành công với sự “đỡ đầu” của SIHUB qua chương trình tăng tốc khởi nghiệp do SIHUB phối hợp cùng Quỹ đầu tư mạo hiểm Expara là dự án Vulcan. Đây là dự án dành cho người khuyết tật với cánh tay Vulcan Augmetics tích hợp trí tuệ nhân tạo (AI) và truyền dữ liệu đến bộ điều khiển khi sử dụng. Cánh tay được thiết kế linh hoạt gồm các khớp nối với những mô-đun tháo lắp theo đặc điểm từng cá nhân, kết hợp quy trình sản xuất truyền thống với in 3D và ép phun; khung làm bằng kim loại được gắn các thiết bị cảm biến giúp người khuyết tật có thể cầm nắm, lái xe và cổ tay có thể xoay 360 độ.
Các doanh nghiệp khởi nghiệp được World Bank quan tâm liên quan đến công nghệ sinh học, giải pháp thông minh ứng dụng công nghệ AI và IoT tự động hóa trong nông nghiệp… Đây là những dự án có doanh thu hàng triệu USD, không chỉ phục vụ trong nước mà còn ở nước ngoài. Từ những kết quả đạt được, World Bank mong muốn các doanh nghiệp khởi nghiệp tiếp tục chuẩn bị nền tảng công nghệ cao và đăng ký sáng chế để phát triển trong giai đoạn tiếp theo.
Khai thác tài sản trí tuệ từ trường đại học
Thứ trưởng Bộ KH-CN Trần Văn Tùng cho biết, chuyển đổi số đã và đang đi sâu vào tất cả các ngành nghề, lĩnh vực, vì vậy nếu không đổi mới sẽ thụt lùi. Việt Nam đang hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp với mạng lưới rộng bao gồm nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước, các chuyên gia, nhà đầu tư, các trường, viện… Với xu hướng của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, việc tìm kiếm các giải pháp thúc đẩy và phát triển ý tưởng thành lập doanh nghiệp công nghệ là cần thiết. Đặc biệt là ở các lĩnh vực tiềm năng như y tế, giáo dục, môi trường… đang cần giải pháp công nghệ phù hợp với bối cảnh của Việt Nam.
Các doanh nghiệp khởi nghiệp được World Bank quan tâm liên quan đến công nghệ sinh học, giải pháp thông minh ứng dụng công nghệ AI và IoT tự động hóa trong nông nghiệp… Đây là những dự án có doanh thu hàng triệu USD, không chỉ phục vụ trong nước mà còn ở nước ngoài. |
Ông Huỳnh Kim Tước (Giám đốc điều hành SIHUB) khẳng định chuyển giao công nghệ trong trường đại học là không thể thiếu trong hoạt động đổi mới sáng tạo cũng như xây dựng mô hình đổi mới sáng tạo giữa 3 nhà: nhà trường, nhà nghiên cứu và nhà đầu tư. Tuy nhiên, hiện nay việc khai thác tài sản này còn hạn chế, điều này gây lãng phí lớn. “Bên cạnh các chính sách về khởi nghiệp, về sở hữu tài sản trí tuệ, với mạng lưới trường đại học, viện nghiên cứu và hệ sinh thái vườn ươm hiện nay, TP.HCM nói riêng và Việt Nam nói chung sẽ phát triển mạnh về khởi nghiệp từ chuyển giao công nghệ, tài sản trí tuệ trong trường đại học”, ông Tước tin tưởng.
Hợp tác, trao đổi startup cũng là cầu nối để doanh nghiệp khởi nghiệp có cơ hội mở rộng thị trường. Đầu tháng 12-2022, SIHUB và cơ quan Busan Techno Park cùng đại diện nhiều doanh nghiệp đã ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác nhằm thúc đẩy chuyển giao công nghệ tiên tiến giữa TP.HCM và TP.Busan (Hàn Quốc). Tại sự kiện này, ông Yoo Seung-Yeop (Tổng Giám đốc Văn phòng Hỗ trợ công nghiệp khu vực của Busan Techno Park) cam kết hai bên sẽ cùng nhau nỗ lực để thúc đẩy, kết nối các startup Việt với các doanh nghiệp phát triển tại Hàn Quốc. Đặc biệt là các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ thông minh như công nghệ chuỗi khối (Blockchain), công nghệ tài chính (Fintech) và trí tuệ nhân tạo (AI). Bên cạnh đó, bản ghi nhớ sẽ tạo tiền đề cho các hoạt động về thiết lập mối quan hệ hợp tác chuyển giao công nghệ, đổi mới sáng tạo, sàn giao dịch công nghệ số, nghiên cứu và phát triển, thương mại hóa sản phẩm thông qua mạng lưới liên minh kinh doanh chiến lược giữa hai bên.
Ngoài Hàn Quốc, Malaysia cũng là đối tác phát triển khởi nghiệp của Việt Nam. Mới đây, Công ty SIDEC (trực thuộc Ủy ban Thường vụ Thương mại và Đầu tư của Selangor – Malaysia) cùng 10 startup của nước này đã có buổi tìm hiểu về hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của TP.HCM và Việt Nam. Từ bối cảnh khởi nghiệp Việt Nam, các startup Malaysia đánh giá cao tiềm năng và muốn mở rộng thị trường tại Việt Nam. Trước đó, 5 startup Việt cũng đã có cơ hội tham gia triển lãm tại sự kiện thành phố thông minh do SIDEC tổ chức tại Malaysia.
Ông Huỳnh Kim Tước chia sẻ, từ nền tảng kết nối trước đó, SIHUB sẽ tiếp tục tạo điều kiện để startup Việt cọ sát với các quốc gia trong khu vực. Đồng thời mở rộng chương trình tăng tốc khởi nghiệp có sự tham gia của các quỹ đầu tư và hoạt động chuyển giao công nghệ trong trường đại học.
Bài, ảnh: T.Anh
Bình luận (0)