Các bạn trẻ hãy tự tin khi thấy mình khác mọi người, mọi người khác mình, vì chính sự khác biệt mới tạo nên giá trị thực. Hãy tự tin tiến bước vì chính sự tự tin và trí tuệ sẽ cho mình sức mạnh mà không chướng ngại vật nào có thể cản…
GS. Phan Văn Trường nói chuyện với các bạn trẻ tại buổi giao lưu
Đây là chia sẻ của GS. Phan Văn Trường (cố vấn của Chính phủ Pháp về thương mại quốc tế) dành cho các bạn trẻ tại buổi giao lưu với chủ đề “Không có đỉnh quá cao – Từ làng quê bước ra thế giới” do NXB Trẻ tổ chức mới đây.
Biến thách thức thành sức mạnh
Tại buổi giao lưu, các bạn trẻ đã được nghe nhiều câu chuyện đi tìm thành công và hạnh phúc của khách mời. Như câu chuyện của chị Nguyễn Giang (giảng viên Trường ĐH Hải Dương, tỉnh Hải Dương). Như bao đứa trẻ khác, từ nhỏ chị Giang có nhiều ước mơ, hoài bão về tương lai tươi sáng. Thế nhưng, năm chị lên 10 tuổi, gia đình gặp biến cố. Áp lực về gia đình và sự kỳ thị của bạn bè đến với một đứa trẻ đa sầu, đa cảm khiến đôi lúc chị muốn buông mình xuống đất khi đứng từ ban công tầng hai. Một ngày nọ, cô giáo mới về lớp chị dạy. Ngay từ buổi đầu tiên, cô đã gọi tên và tươi cười với chị. Những buổi học sau đó cô luôn gọi chị lại nói chuyện và khen những bài văn do chị viết. Từ những việc mà cô đã làm vì mình, chị rất biết ơn cô và kể từ đó chị nuôi ước mơ trở thành cô giáo. Giữa muôn vàn lý do và sự lựa chọn nghề nghiệp, chị đã chọn con đường trái tim dẫn lối. Nhờ đó, thành công và hạnh phúc đã đến với chị. Chị Giang chia sẻ: “Không cần có thành công để hạnh phúc nhưng hạnh phúc sẽ dẫn tới thành công”.
Sinh ra và lớn lên ở tỉnh Quảng Bình, anh Nguyễn Văn Nhị (Chủ tịch Câu lạc bộ Khởi nghiệp nông nghiệp tỉnh Quảng Bình) có một tuổi thơ đầy cơ cực. Năm anh lên lớp 9, gia đình vốn đã khó khăn lại càng khó khăn hơn khi cha anh – vì lao lực đã rời xa trần thế. Từ đó, anh bỏ học để dấn thân vào xã hội kiếm tiền phụ giúp gia đình với muôn vàn chông gai, thử thách. Năm 2010, anh may mắn được tiếp cận khóa đào tạo chuyên sâu về vi sinh vật quốc tế và tìm được một công việc với mức lương 15 triệu đồng/tháng. Với số tiền tích góp và vay mượn, anh đầu tư hết vào trồng tiêu hữu cơ tại quê nhà với những suy tính kỹ lưỡng và hầu như không thể thất bại. Tuy nhiên, năm 2017, một trận bão ập đến đã cuốn mất gần 10ha tiêu hữu cơ với tổng thiệt hại lên đến 800 triệu đồng. Cả gia tài của anh đã bay đi trong chớp mắt. Anh đã có nhiều ngày lang thang như kẻ vô hồn sau thiệt hại ấy. Nhưng rồi anh suy nghĩ lại, chấp nhận thất bại và làm lại từ đầu. Theo đó, anh khởi nghiệp trên chính quê hương mình với đàn gà đồi sinh học… “Giờ đây, tôi đã có cơm ăn như đã từng mơ ước. Không những thế, tôi còn được sống trong tình thương của bao người. Tôi đang giữ chức Chủ tịch Câu lạc bộ Khởi nghiệp nông nghiệp tỉnh Quảng Bình. Tôi đã đạt giải thưởng Lương Định Của và là một trong 10 thanh niên nông thôn xuất sắc nhất được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ năm 2020”, anh Nhị cho biết.
Hãy sống hết mình với lựa chọn
Sinh ra và lớn lên ở dãy đất miền Trung, vì thế chạy lũ là kỷ niệm khó quên nhất đối với anh Lê Cảnh (giảng viên ĐH). Năm anh lên 10 tuổi, một trận lũ kinh hoàng xảy ra. Trong lúc chạy lũ, anh đã nhặt được một phong bì trong đó có rất nhiều tiền. Ở thời điểm khó khăn, nhặt được một phong bì có nhiều tiền khiến anh rơi vào tình huống… khó khăn, đó là trả lại hay giấu đi. Sau giây phút “đấu trí”, anh đã quyết định chọn trả lại phong bì bởi anh biết rằng đó là số tiền của một đoàn cứu trợ mang theo để cứu dân làng anh – nguồn sống của biết bao người. Sau này, khi nhặt được của rơi, anh không còn do dự mà trả lại luôn cho người mất. Anh Cảnh tâm sự: “Trong cuộc sống, không phải sự lựa chọn nào cũng dễ dàng như vậy. Khi quyết định mở một tiệm sản xuất bún phở khô, tôi cũng đứng trước lựa chọn: Sản xuất một loại thức ăn nhanh để thu lời nhanh chóng hay phát triển một sản phẩm tuy không đem lại nhiều lợi nhuận nhưng tiện lợi và hữu ích cho người dùng. Sự lựa chọn trở nên khó khăn hơn bởi việc kinh doanh phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố bên ngoài. Nhưng sau khi suy nghĩ kỹ lưỡng, tôi đã chấp nhận rủi ro và theo đuổi sự lựa chọn của mình, tạo nên một sản phẩm lành mạnh cho sức khỏe người dùng. Hành trình đó có thể chông gai hơn nhưng tôi tin là mình đã chọn đúng”.
Chị Nguyễn Giang (trái) chia sẻ với các bạn trẻ về quá trình vượt khó của mình
Theo anh Cảnh, chúng ta sẽ lựa chọn đúng khi chọn lựa của chúng ta xuất phát từ sự thấu hiểu, đồng cảm và yêu thương. Khi luôn đặt mình vào vị trí của người khác, khi thấu hiểu được những tổn thương và khó khăn của người khác, luôn cân nhắc mọi hành động của mình bằng một trái tim biết yêu, chúng ta sẽ luôn có những lựa chọn sáng suốt.
Trao đổi với các bạn trẻ, GS. Phan Văn Trường cho rằng cơ hội trong cuộc sống được phân phát công bằng cho tất cả mọi người. Theo đó, cuộc sống luôn mang tới cho chúng ta nhiều cơ hội. Nhưng chẳng ai tự dưng tìm đến mời chúng ta làm giám đốc công ty của họ, chẳng ai mang tặng chúng ta một lạng vàng đặt sẵn trên khay bạc. Mỗi cơ hội thường đến dưới dạng một thách thức giống như một bà tiên thường đội lốt kẻ ăn mày. Những người không tinh mắt sẽ chẳng bao giờ nhận ra dưới dáng vẻ một công việc đầy khó khăn là một cơ hội lớn có thể đang chờ đón mình. Và chúng ta giống như rất nhiều nhân vật trong truyện cổ tích, thường xua đuổi cơ hội như xua đuổi những kẻ ăn mày.
Từ đó GS. Trường nhắn nhủ với các bạn trẻ rằng, chúng ta còn trẻ, phải tiến thân bằng đạo đức, vượt cuộc đua bằng sự nỗ lực mỗi phút, thành công bằng sự khiêm cung, không bao giờ tự mãn. Chìa khóa của cuộc đời thành công là đạo đức, là nỗ lực thường trực và là sự khao khát tự học không ngừng, bất chấp tuổi tác. “May mắn sẽ tới với người sống hòa mình với xã hội và thiên nhiên. Hạnh phúc sẽ tới với người tôn trọng hạnh phúc của người chung quanh. Đặc biệt, chúng ta phải nhớ rằng, dù cuộc sống này có khó khăn đến dường nào thì chúng ta cũng sẽ vượt qua vì không có đỉnh quá cao để ngăn chúng ta lại”, GS. Trường khẳng định.
Bài, ảnh: Hồ Trinh
Bình luận (0)