Người người đổ xô đi mua đồ, sắm tết; hàng hóa cấp tập vận chuyển sáng chiều… Năm nào cũng vậy, cứ tới những ngày giáp Tết Nguyên đán, khắp mọi nẻo đường lại “hầm hập” xe cộ.
Ùn tắc từ sáng tới tối
Hơn 7 giờ sáng 6.1, dòng xe ô tô xếp hàng dài trên đường Pasteur, bắt đầu từ đoạn gần tới Lê Lợi (Q.1, TP.HCM). Bình thường, đoạn đường này chỉ kẹt từ khoảng sau 11 giờ, khi nhiều xe cộ ra vào khu trung tâm thương mại Saigon Center nhưng nay đã ùn ứ ngay từ đầu giờ sáng. Len qua hàng ô tô nhích từng chút, anh Tấn Hải, tài xế xe ôm công nghệ, nói: “Đông như nêm, không biết người ta đi đâu mà từ sáng đã đổ ra đường”. Dọc các tuyến đường nhánh lân cận như Đồng Khởi, Hai Bà Trưng…, xe cộ cũng chen nhau nhích từng chút một. Nhiều người đi xe máy buộc phải leo lên lề để thoát khỏi dòng xe đông đúc.
Đường phố TP.HCM kẹt cứng những ngày giáp tết. NHẬT THỊNH
Trưa cùng ngày, tại vòng xoay Dân Chủ (Q.10), xe máy, ô tô ùn ùn đổ ra từ khắp mọi ngả đường Võ Thị Sáu, Lý Chính Thắng, Cách Mạng Tháng Tám… vây kín vòng xoay. Lực lượng cảnh sát giao thông (CSGT) cũng có mặt để phân luồng nhưng chỉ giúp tình trạng đỡ hỗn loạn vì lượng xe quá đông, đường khó thông thoáng. Cuối tuần, thời tiết mát mẻ nhưng người dân ra đường ai cũng mệt mỏi, ngột ngạt vì ùn tắc. Tiếng nhạc chào mừng năm mới từ các cửa hàng cũng bị át đi bởi inh ỏi tiếng còi xe. Nhiều người dân cho biết đường Thành Thái đoạn từ Tô Hiến Thành đến Bắc Hải, hướng từ Q.10 đi Q.Tân Bình, từ trước đến nay chưa bao giờ kẹt xe nhưng gần đây đã ùn ứ từ sáng sớm. Tuyến đường này mới được lập hàng rào phân cách giữa 2 chiều xe cộ nên lượng xe bị dồn về 1 bên, càng thêm chật chội. Tương tự, trong khoảng hơn 1 tuần qua, chiều nào các đường ra cửa ngõ sân bay như Cộng Hòa, Trường Chinh, Cách Mạng Tháng Tám, Phan Đình Phùng, Nguyễn Kiệm… cũng ghi nhận tình trạng ùn tắc, xe cộ di chuyển rất chậm.
Đường phố hầm hập từ sáng đến tối. Canh mưa tạnh hẳn mới rời khỏi văn phòng cho đỡ kẹt xe, chị Mai Phương (ngụ Q.4, TP.HCM) vẫn mất gần 45 phút cho quãng đường hơn 3 km từ cơ quan ở Q.3 về tới nhà. Chiều tối 9.1, tuyến đường từ Q.3 sang Q.4 theo hướng Cách Mạng Tháng 8 kẹt kinh hoàng. Tại mỗi điểm giao cắt, một lượt đèn xanh chỉ đủ cho 3 chiếc ô tô nhích từng chút qua bởi dòng xe bủa vây quá đông. Tình trạng như vậy kéo dài cho tới tận cầu Ông Lãnh (nối Q.1 và Q.4). Phía sau xe dồn từ hướng Q.1, phía trước cũng ứ từ phía đường Khánh Hội hướng sang Q.7 đẩy về, nhiều người điều khiển xe máy chật vật giữa chân cầu vì ùn tắc.
“Tôi ở Q.4 đã 10 năm nay nhưng chưa bao giờ thấy cầu Ông Lãnh tắc kinh hoàng như vậy. Lần đầu tiên trong đời trải qua cảnh nhích xe giữa dốc cầu. Nhìn các phụ huynh chở sau 1 – 2 bé nhỏ vật vã chen giữa cầu, đúng khổ!”, chị Mai Phương nói.
Chủ động chọn đường đi qua app để tránh kẹt xe
Mọi năm, cứ đến giáp tết là các quận, huyện tại TP.HCM lại thi nhau đào đường, gây xáo trộn đời sống, khiến người dân bức xúc. Từ cuối năm 2022, nhiều công trình trọng điểm đã hoàn thành giúp đường phố năm mới rộng rãi, sạch đẹp hơn. Thế nhưng, “cởi áo” lô cốt cũng không giúp các tuyến đường có thể hoàn toàn thông thoáng những ngày cao điểm tết.
Đại diện Sở GTVT TP.HCM thừa nhận lượng phương tiện lưu thông những ngày qua tăng cao, gây ùn ứ cục bộ tại nhiều thời điểm trong ngày. Nguyên nhân, chỉ còn ít ngày nữa là tới Tết Nguyên đán, người ở lại TP ăn tết thì phải đi mua sắm đồ đạc, người về quê cũng phải đi mua quà, sắm đồ. Vì thế, các tuyến đường dẫn vào trung tâm thương mại hay siêu thị, các đại lý hàng hóa lớn thường xuyên xuất hiện ùn ứ. Cùng với đó, các cơ quan, công ty, doanh nghiệp đồng loạt tổ chức tiệc tất niên, họp mặt cuối năm nên mọi người ra đường nhiều hơn vào giờ trưa và chập tối. Phía cửa ngõ, việc vận chuyển hàng hóa, kinh doanh buôn bán phục vụ tết cũng tăng lên. Nói chung, nhu cầu di chuyển ngoài đường tăng mạnh.
Để giảm thiểu tình trạng ùn tắc, Sở GTVT TP.HCM đã chủ động phối hợp với lực lượng CSGT, dân phòng tăng cường trực chốt tại các điểm giao cắt, các tuyến đường thường xuyên ùn ứ để giúp phân làn, phân luồng cho người dân. Đặc biệt, Trung tâm quản lý điều hành giao thông đô thị TP.HCM thuộc Sở đã phát triển ứng dụng thông tin giao thông TP với nhiều tính năng mới, giúp người dân đi lại thuận tiện hơn.
Phòng CSGT đường bộ – đường sắt (PC08, Công an TP.HCM) khuyến cáo những ngày cận tết người dân cần hạn chế lưu thông qua các khu vực có tình trạng mật độ phương tiện đông như khu vực sân bay Tân Sơn Nhất (các tuyến đường nối vào sân bay như: Cộng Hòa, Trường Sơn, Hoàng Văn Thụ, Phạm Văn Đồng, Phan Thúc Duyện, Nam Kỳ Khởi Nghĩa…), khu vực ga Sài Gòn (các tuyến đường Cách Mạng Tháng Tám, Võ Thị Sáu, Ba Tháng Hai, Nguyễn Phúc Nguyên, Nguyễn Thông…), khu vực Bến xe Miền Tây (các tuyến đường Kinh Dương Vương, Quốc lộ 1…), khu vực Bến xe Miền Đông (các tuyến đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, Quốc lộ 13, Đinh Bộ Lĩnh, Bạch Đằng…), khu vực vào bến phà Cát Lái (các tuyến đường Đồng Văn Cống, Mai Chí Thọ, Nguyễn Thị Định…). Khi tham gia giao thông, người dân cần chủ động lộ trình, thời gian và thường xuyên cập nhật tình hình trật tự giao thông thông qua đài FM, các ứng dụng trên điện thoại di động cũng như thông tin trên báo chí, truyền hình để kịp thời điều chỉnh lộ trình di chuyển, hạn chế lưu thông vào khu vực đang ùn ứ gây mất thời gian và ảnh hưởng đến việc phân luồng, xử lý ùn tắc của cơ quan chức năng. |
Theo đó, người dân có thể vào Cổng thông tin giao thông của TP.HCM trên địa chỉ web: giaothong.hochiminhcity.gov.vn, quét mã QR hoặc tải ứng dụng trên điện thoại thông minh qua các nền tảng android/iOS – TTGT TP.HCM. Tại app hoặc cổng thông tin, người dân có thể cập nhật tình trạng ùn tắc giao thông được hiển thị liên tục bằng trạng thái màu sắc xanh, đỏ, vàng. Các màu sắc trên thể hiện các tốc độ lưu thông khác nhau. Từ bản đồ, người dân có thể kiểm tra tình hình giao thông của khu vực mình muốn tới. Đặc biệt, các thông tin về những vị trí đông xe, ùn tắc cũng được nhân viên vận hành cập nhật liên tục trên web để người tham gia giao thông nhận biết. Ngoài ra, có thể xem trực tiếp trên các camera để lựa chọn lộ trình cho người lưu thông.
Trong thời gian phục vụ đi lại Tết Quý Mão 2023, những thông tin về đường dây nóng của các đơn vị như hàng không, đường sắt, đường bộ, đường thủy được thể hiện tập trung thông qua app này. Đặc biệt, người dân có thể phản ánh tình trạng “xe dù, bến cóc” hoặc các thông tin liên quan đến giao thông, hạ tầng. Các phản ánh sẽ được tiếp nhận, cập nhật trên web, trên app và gửi đến lãnh đạo các đơn vị cung cấp dịch vụ… để giải quyết kịp thời.
Theo Hà Mai/TNO
Bình luận (0)