Phung phí đồ ăn một cách vô tội vạ là một trong những vấn đề lớn của Italy.
Theo nhật báo La Repubblica, trung bình mỗi năm, người Italy vứt vào sọt rác một lượng thức ăn thừa lên đến 13 tỷ euro, tương đương với gần 1% GDP mỗi năm của đất nước hình chiếc ủng.
Một trong những lý do chính dẫn đến tình trạng này là việc mua quá nhiều đồ ăn trong một lần đi mua sắm, hoặc gọi quá nhiều đồ ăn trong một lần đi ăn tiệm, dẫn đến ăn không hết và phải đổ đi các thức ăn thừa.
Một cuộc thăm dò mới đây của nhật báo này cho thấy, hơn 50% số người được phỏng vấn không đánh giá được hết tác hại của việc lãng phí lương thực đối với gia đình họ cũng như đối với xã hội, một phần là do thói quen, phần nữa là do không thực sự hiểu hết về thời hạn bảo quản và hết hạn của đồ ăn. 51% vẫn khẳng định rằng họ có thói quen mua nhiều đồ ăn hơn bình thường.
Tuy nhiên, do khủng hoảng kinh tế, việc chi tiêu cho đồ ăn của người Italy cũng đã thay đổi.
Thăm dò cho thấy, cứ 5 người 4 người khẳng định họ không vứt đồ ăn sắp hết hạn vào thùng rác mà ăn ngay khi còn có thể, 90% tuyên bố họ rất quan tâm đến các chi tiết về dinh dưỡng được ghi trên bao bì thực phẩm và 30% nói, nếu không ăn hết trong các lần đi ăn tiệm, họ gói đồ ăn mang về.
Tuần trước, Thượng viện Italy cũng đã bỏ phiếu thông qua dự luật chống lãng phí lương thực. Đạo luật này lần đầu tiên quy định một cách rõ ràng hành vi lãng phí lương thực, đồng thời quy định rõ thời gian bảo quản và hết hạn tối thiểu của các sản phẩm lương thực, đơn giản hóa các thủ tục liên quan đến việc quyên góp đồ ăn cho người nghèo và người già.
Italy hy vọng rằng, đạo luật này sẽ giúp giảm tình trạng lãng phí tràn lan đang xảy ra ở nước này./.
Bình luận (0)