Tuyên truyền pháp luậtVăn minh đô thị

TP.HCM ‘phủ sóng’ 1.000 nhà vệ sinh công cộng

Tạp Chí Giáo Dục

Với nguồn vốn xã hội hóa, TP.HCM sẽ ‘phủ sóng’ 1.000 nhà vệ sinh cộng cộng ở khắp 24 quận, huyện trên địa bàn.
Là một thành phố có hơn 10 triệu dân và có hàng chục triệu lượt du khách đến tham quan mỗi năm, nhưng nhiều năm qua, một số nhu cầu của người dân và du khách, trong đó có nhà vệ sinh công cộng vẫn chưa đáp ứng được.
Trên thực tế, hiện nay số lượng nhà vệ sinh công cộng ở TP.HCM khá nhỏ giọt. Các nhà vệ sinh công cộng chủ yếu tập trung trên một số tuyến đường ở Q.1; hầu hết các quận, huyện còn lại đều “trắng” nhà vệ sinh công cộng.
Nhà vệ sinh công cộng nằm thưa thớt ở khu vực trung tâm TP.HCM vẫn chưa đủ so với nhu cầu của người dân và khách vãng lai /// Ảnh: Đức Tiến
Nhà vệ sinh công cộng nằm thưa thớt ở khu vực trung tâm TP.HCM vẫn chưa đủ so với nhu cầu của người dân và khách vãng lai. Ảnh: Đức Tiến

Ông Hà Tôn Tuấn Hiệp, Phó giám đốc Công ty dịch vụ công ích Q.1, cho biết hiện công ty quản lý gần 30 nhà vệ sinh công cộng trên địa bàn Q.1. Hầu hết nhà vệ sinh công cộng ở trung tâm TP bị xuống cấp. Q.1 đã tổ chức thi tuyển thiết kế và đang kêu gọi đầu tư hệ thống nhà vệ sinh “5 sao”, có máy lạnh, lối đi riêng cho người khuyết tật, trang thiết bị hiện đại…, nhưng phục vụ hoàn toàn miễn phí. Tuy nhiên, thời điểm chính xác để triển khai thì vẫn chưa “chốt” được.
Cũng vì một phần do “khan hiếm” nhà vệ sinh công cộng nên phát sinh một hệ lụy là nhiều người thiếu ý thức cứ tiểu bậy trên đường, nơi công cộng.
Theo ông Đoàn Ngọc Hải, Phó chủ tịch UBND Q.1, sau 3 tháng UBND Q.1 ra quân xử phạt tiểu bậy nơi công cộng ở trung tâm TP.HCM, có gần 300 trường hợp bị lập biên bản.
Cùng với chủ trương xử phạt tiểu bậy nơi công cộng, Q.1 mở đợt vận động cơ sở kinh doanh, dịch vụ cho khách vãng lai sử dụng nhà vệ sinh miễn phí khi có nhu cầu. Tuy nhiên, đợt vận động này hiện chỉ mới “thấm” đến khu phố Tây (P.Phạm Ngũ Lão), còn đa phần cơ sở kinh doanh ở khu vực khác vẫn còn rất e dè trong treo bảng “sử dụng nhà vệ sinh miễn phí” phía trước.
Ngày 11.8, UBND TP.HCM họp với các sở ngành để giải quyết vấn đề này. Tại cuộc họp, Công ty cổ phần thương mại và truyền thông Vinasing đề xuất phương án xã hội hóa đầu tư nhà vệ sinh công cộng trên toàn địa bàn TP.
Theo đó, với tổng kinh phí dự kiến khoảng 110 tỉ đồng, Vinasing sẽ đầu tư 1.000 nhà vệ sinh công cộng, 10 xe bồn tiếp nước, 500 thùng rác công cộng.
Đổi lại, TP tạo điều kiện cho nhà đầu tư được quảng cáo trên các cầu vượt bộ hành và cầu vượt cơ giới trong thời gian 15 năm để thu hồi vốn.
Nhiều cơ sở dịch vụ ở phố Tây (P.Phạm Ngũ Lão) treo bảng “sử dụng nhà vệ sinh miễn phí” (Ảnh: Tân Phú)

Nhiều cơ sở dịch vụ ở phố Tây (P.Phạm Ngũ Lão) treo bảng “sử dụng nhà vệ sinh miễn phí” Ảnh: Tân Phú

Bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ, Phó giám đốc Sở TN-MT cho biết theo chỉ đạo của TP, sở phối hợp các sở ngành liên quan đã họp bàn, thống nhất việc đầu tư xây dựng nhà vệ sinh công cộng là phù hợp và cần thiết. Tuy nhiên, cần phải có sự khảo sát tổng thể để xác định quy mô đầu tư hợp lý, đồng thời phải có cơ chế phối hợp từ việc đầu tư đền vận hành, quảng cáo; phải phù hợp với nhu cầu của người già, trẻ em, người khuyết tật…
Chốt lại vấn đề, Phó chủ tịch UBND TP Trần Vĩnh Tuyến khẳng định về chủ trương làm thì không còn bàn cãi gì nữa. TP đã thống nhất để thực hiện nhằm góp phần xây dựng TP văn minh, thanh lịch trong con mắt người dân và du khách.
Theo ông Tuyến, hầu hết ai cũng cho rằng nhà vệ sinh công cộng là cần thiết, nhưng khi triển khai thì gặp 2 cái khó, đó là vị trí xây dựng và kinh phí đầu tư.
Để thực hiện hiệu quả vấn đề này, ông Tuyến yêu cầu nhà đầu tư làm thí điểm trước 1 công trình đảm bảo phù hợp về vị trí, mẫu mã, đảm bảo mỹ quan, chất lượng; trước 2.9 hoàn thành để TP kiểm tra, đánh giá.

Tân Phú (SGGP)

 

Bình luận (0)