Chủ trương của lãnh đạo TP.HCM về việc cấm dạy thêm, học thêm trong các trường học đến nay, dù chưa vào năm học mới đã thực sự có hiệu ứng.
Đến nay, chủ trương cấm dạy thêm, học thêm đã có nhiều hiệu ứng tích cực (ảnh minh họa). Ảnh: N.Trinh |
1. Trong các năm trước, mấy tháng hè thực ra vẫn là tháng học tập miệt mài của nhiều học sinh, không chỉ học các môn năng khiếu mà còn học chương trình gần như chính quy ngay tại nhà trường. Việc học hè thường được cho là “để giữ trẻ giúp phụ huynh” và thường ít chú ý đến tính lợi ích của nhà trường và giáo viên, thực chất vẫn là một nguồn thu của giáo viên và nhà trường. Nhưng năm nay, nhiều trường đã thông báo sớm không nhận dạy thêm, thậm chí có trường đã nhận tiền của phụ huynh rồi sau đó đã tìm cách trả lại, và nhìn chung không ảnh hưởng nhiều đến việc “gửi con” của các bậc cha mẹ. Như vậy, không dạy thêm trong dịp hè, nhiều phụ huynh vẫn chủ động sắp xếp được cho con em mình, như cho về quê, tổ chức cho tự quản tại nhà… và gần như đó là một biểu hiện tích cực để trẻ có thêm thời gian nghỉ ngơi, thư giãn và học cách tự chăm sóc mình khi cha mẹ đi làm.
CẦN ĐƯỢC GIÁM SÁT VÀ QUẢN LÝ CHẶT CHẼ Về lâu dài, chủ trương cấm dạy thêm, học thêm ở các trường cần được giám sát và quản lý chặt chẽ, tránh những biến tướng phức tạp. Trong việc này, không chỉ bản thân các giáo viên xem dạy thêm để kiếm thêm thu nhập mà chính phụ huynh cũng vì tâm lý e ngại giáo viên hoặc thiếu điều kiện chăm sóc việc học của con em cũng thường “gửi” con học thêm. Do đó, nhà trường phải chú trọng làm công tác tư tưởng cho giáo viên nghiêm túc quán triệt chủ trương của lãnh đạo thành phố về việc cấm dạy thêm, học thêm. Đồng thời, trong các cuộc họp phụ huynh, nhà trường cũng thông tin đầy đủ cho phụ huynh về chủ trương này, đồng thời động viên phụ huynh chủ động quan tâm đến việc học của con em và không nhất thiết cho trẻ đi học thêm. |
2. Về mặt tâm lý, nhiều phụ huynh hay lo lắng nếu con mình không đi học hè thì sẽ ít nhiều quên bài vở, ảnh hưởng đến việc bắt đầu năm học mới. Tuy nhiên, khi nhà trường không nhận học sinh trong dịp hè thì không còn cảnh có em được học trước, có em phải học sau nên nhiều phụ huynh thấy yên tâm hơn. Với điều kiện đó, gần như sự bắt đầu của các học sinh trong năm học mới cơ bản là như nhau, bản thân các em phải tự thích nghi với môi trường học tập sau hơn hai tháng nghỉ hè và cũng buộc giáo viên phải chú ý rèn cho học sinh vào nền nếp ngay trong những ngày đầu năm học nhiều hơn, nhất là với học sinh tiểu học và THCS. Bên cạnh đó, nhiều phụ huynh cũng chủ động tự rèn, chăm sóc việc học của con em nhiều hơn, thay vì “khoán” cho nhà trường khi giao trẻ cho giáo viên.
Ngoài ra, không học thêm ở trường, một số phụ huynh có điều kiện có thể cho con em học các lớp năng khiếu (nhạc, vẽ, ngoại ngữ…) hoặc tham gia các lớp kỹ năng sống (học kỳ quân đội…). Việc học này thường ở cường độ thấp, không quá nhiều áp lực về thời gian và đòi hỏi sự tập trung nên có thể coi là các em vừa chơi vừa học.
3. Dù sao thì việc không tổ chức dạy thêm trong dịp hè khiến nhiều giáo viên “mất việc”, giảm thu nhập. Do đó, một số giáo viên tìm cách tổ chức các lớp dạy thêm ở ngoài trường, tại nhà riêng hoặc thuê những nhà gần trường. Xét cho cùng, việc dạy thêm này cũng không ảnh hưởng nhiều đến thời gian nghỉ hè của trẻ, bởi trẻ đi học ở đây thường không nhiều và cường độ học tập, yêu cầu về quy củ cũng có hạn. Việc học ở đây ít nhiều có sự tích cực, để một số học sinh không quên bài cũ và bắt đầu làm quen với chương trình năm học mới. Tuy nhiên, nếu các lớp này tiếp tục duy trì trong năm học mới, nhất là có những học sinh mà giáo viên dạy trên lớp, thì có thể phát sinh những vấn đề không tích cực, cần có sự kiểm tra, giám sát của chính các trường. Bởi việc dạy thêm khi đó, dù không nằm trong quy định cấm, nhưng vẫn có thể gây ra những biểu hiện tiêu cực, thiếu công bằng của việc dạy thêm mà dư luận đã phản ánh, nhất là gắn với tâm lý “biết chuyện” của phụ huynh khi cho con em đi học thêm với giáo viên dạy trên lớp để trẻ được ưu ái hơn hay ít nhất cũng không bị “phân biệt đối xử”.
4. Dĩ nhiên, biện pháp căn cơ là phải kết hợp đồng thời việc nâng cao thu nhập và điều kiện làm việc của giáo viên với việc nâng cao chất lượng giảng dạy. Khi mà giáo viên thấy nghề đi dạy thực sự là làm việc trong một môi trường tốt và có thu nhập đủ sống thì chắc chẳng mấy ai vất vả đi dạy thêm làm gì. Cũng như vậy, khi phụ huynh thấy điều kiện dạy và học ở trường thực sự bảo đảm, con em mình thực sự tiến bộ, không còn hiện tượng “phân biệt đối xử” với trẻ học thêm và không học thêm, thì cũng chẳng ai phải cho con học thêm làm gì. Đối với những học sinh có sức học không theo kịp bạn thì nên có chương trình phụ đạo riêng và hoàn toàn không thu phí, sau đó định hướng theo những công việc phù hợp với sức khỏe và thể trạng của các em. Có như vậy thì dạy thêm, học thêm tự nhiên sẽ được điều chỉnh tích cực!
ThS. Nguyễn Minh Hải
Bình luận (0)