Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Ứng dụng công nghệ thực hiện Thông tư 30: Giáo viên giảm nhẹ công việc

Tạp Chí Giáo Dục

Ứng dụng công nghệ vào thực hiện Thông tư 30 nhằm giảm nhẹ sức lao động cho giáo viên (GV) đã được nhiều trường tiểu học trên địa bàn TP.HCM thực hiện. Hình thức này cũng được Bộ GD-ĐT khuyến khích các trường trên cả nước ứng dụng, thể hiện trong nội dung sửa đổi thông tư dự kiến hoàn thành trong tháng 8.

Theo đánh giá của nhiều GV, việc ứng dụng công nghệ khi nhận xét, đánh giá HS khiến cho công việc của họ được giảm nhẹ rất nhiều. Trong ảnh: Trong khi HS ngủ trưa, GV phải thức chấm bài. Ảnh: N.Trinh

Tuy nhiên, nhiều GV đã lưu ý, việc ứng dụng phải linh hoạt, tránh chép – dán thì năng lực học sinh (HS) mới được đánh giá toàn diện.

Tránh chép – dán

Năm học 2015-2016, Trường Tiểu học Phạm Hồng Thái (Q.5) triển khai ứng dụng tin nhắn, sổ liên lạc điện tử khi thực hiện Thông tư 30. Qua cổng thông tin, các lời nhận xét được soạn sẵn cho từng môn, từng năng lực phẩm chất HS tương ứng với các mã số khác nhau. Và HS cũng được lập danh sách, kèm theo số điện thoại, thông tin liên lạc của phụ huynh. Khi nhận xét, GV chỉ cần gõ mã số từng môn, lựa chọn lời nhận xét mẫu rồi chỉnh sửa, viết lại cho phù hợp với năng lực từng HS của từng thời điểm. Thông qua lệnh gửi đến sổ liên lạc điện tử, đồng loạt phụ huynh sẽ nhận được tức thì. Đặc biệt, những phụ huynh không biết cách sử dụng loại sổ này vẫn có thể nhận thông tin qua tin nhắn điện thoại.

Thầy Phạm Phương Hậu (GV khối 5 Trường Tiểu học Phạm Hồng Thái) chia sẻ, cách làm mới giúp GV không phải dùng tay ghi từng nhận xét vào sổ theo dõi chất lượng giáo dục và sổ liên lạc. Như vậy, sổ theo dõi chất lượng được giảm hẳn. Còn sổ liên lạc, thông tin đã gửi sẽ được tổng hợp in ra rồi phát đến từng phụ huynh vào cuối kỳ, cuối năm. Tính ra, khối lượng công việc giảm đến hơn 30%, GV bớt vất vả, không phải ôm việc về nhà, thay vào đó có thời gian tập trung vào chuyên môn, từ đó năng lực HS được đánh giá toàn diện hơn.

Theo thầy Hậu, mọi lời nhận xét được thao tác trên máy tính khiến cho công việc làm nhanh là ưu điểm. Tuy nhiên lời nhận xét được soạn sẵn, dựa theo quy định Thông tư 30 sẽ có câu không phù hợp với HS. “Vì thế khi đánh giá, GV không nên sao chép rồi dán, chỉ nên dựa vào câu mẫu rồi viết lại cho đúng năng lực, phẩm chất từng HS với từng thời điểm khác nhau. Từ đó việc đánh giá mới thể hiện được tinh thần của thông tư là động viên, khích lệ, thể hiện rõ phẩm chất, năng lực HS đang ở đâu”, thầy Hậu cho biết.

“Trong quá trình ứng dụng công nghệ thực hiện Thông tư 30, ban giám hiệu các trường phải hướng dẫn, theo dõi cách làm của từng GV để quá trình đánh giá được chính xác, toàn diện, tránh máy móc, chép – dán”, một lãnh đạo Phòng Giáo dục tiểu học (Sở GD-ĐT TP.HCM) cho biết.

Thầy Lê Phương Trí (GV Trường Tiểu học Đống Đa, Q.4) cũng công nhận, nhận xét gửi qua tin nhắn giảm hẳn được sổ theo dõi chất lượng hàng ngày cho GV. Thầy Trí cũng đồng quan điểm với thầy Hậu khi cho rằng, trong cổng thông tin có khoảng 50 câu nhận xét mẫu, đòi hỏi GV phải linh hoạt sử dụng để năng lực HS được đánh giá toàn diện. Tránh kiểu làm cho có, cho xong dẫn đến sao chép, rồi dán.

Còn nhiều mong muốn sửa đổi nữa

Có thể thấy khi ứng dụng công nghệ vào thực hiện Thông tư 30 thì sức lao động được giảm đáng kể khiến GV tỏ ra hài lòng. Thông tư đã chuyển từ đánh giá nặng về kiến thức sang đánh giá toàn diện HS về năng lực lẫn phẩm chất; chuyển từ đánh giá kết quả, chú trọng về điểm số sang đánh giá cả quá trình học tập của HS bằng nhận xét. Tuy nhiên, với quyết định chỉnh sửa Thông tư 30 (mà Bộ GD-ĐT đang làm), hầu hết GV đều thể hiện nhiều mong muốn bộ sửa đổi nhiều hơn nữa.

“Khó khăn lớn nhất mà các GV đang đối diện là sĩ số HS đông, phải làm nhiều loại sổ sách, lời nhận xét ghi còn nhiều, khó tránh được sự trùng lặp; chưa kể nội dung ghi giữa các sổ cũng có sự trùng nhau. Nhiều GV đánh giá vẫn chung chung, chưa thực sự thể hiện được rõ năng lực HS. Như vậy Bộ GD-ĐT nên quy định rõ giảm cái gì? Khi giảm thì cách thực hiện như thế nào? Cần hướng dẫn cụ thể cách đánh giá để HS biết năng lực mình đang ở đâu; Cần có những tiêu chí cụ thể về các chuẩn kiến thức, kỹ năng…”, thầy Trí kiến nghị.

Cô Nguyễn Thị Thu Vân (GV dạy lớp 1 Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm, Q.1) góp ý: “Thời gian đầu HS lớp 1 chưa biết đọc nên đánh giá bằng nhận xét chỉ để cho phụ huynh đọc. Nên chăng thay lời nhận xét bằng các ký hiệu. Ví dụ HS đạt thì thể hiện bằng mặt cười màu đỏ; khá thì mặt cười màu vàng… Nhìn vào đây, HS dễ dàng nhận biết được năng lực bản thân”.

CHỈNH SỬA THÔNG TƯ THEO HƯỚNG DỄ HIỂU, DỄ THỰC HIỆN

Sau 2 năm triển khai thực hiện Thông tư 30 đã có nhiều phản ứng trái chiều từ xã hội, GV và phụ huynh. Bộ GD-ĐT đã thừa nhận trong quá trình thực hiện, GV còn gặp khó khăn về sĩ số, cách đánh giá; nhiều người chưa hiểu rõ bản chất, vai trò mục đích thông tư… Trước vấn đề này, Bộ GD-ĐT quyết định sẽ chỉnh sửa thông tư theo hướng dễ hiểu, dễ thực hiện nhằm giảm áp lực cho GV. Đặc biệt khuyến khích GV sử dụng hồ sơ điện tử để giảm nhẹ sức lao động. Dự kiến nội dung chỉnh sửa sẽ hoàn tất trong tháng 8.

Mặc dù tinh thần của Thông tư 30 thể hiện rõ không đánh giá toàn diện năng lực bằng điểm số, tuy nhiên, theo thầy Hậu, nên duy trì điểm số song song với lời nhận xét giúp việc đánh giá HS được toàn diện hơn.

Thầy Hậu cho biết: “Điểm số không hề vô hồn mà vẫn nói lên cụ thể năng lực HS. Điểm 2 yếu sẽ khác với điểm 4 yếu. Điểm 5 trung bình sẽ khác điểm 6 trung bình. Điểm 6 cho thấy, HS có khả năng giải được toán đố, ngược lại điểm 5 thì chưa chắc. Nếu duy trì điểm số song song với lời nhận xét sẽ giúp việc đánh giá HS được toàn diện hơn. Ngược lại, chỉ đánh giá là yếu, trung bình thì năng lực chưa được thể hiện rõ”.

Ngọc Trinh

Bình luận (0)