Hướng nghiệp - Tuyển sinhThông tin hướng nghiệp

Khép lại chuỗi tư vấn xét tuyển NV1 gần 20 tỉnh thành

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Ngày 10-8, Báo Giáo dục TP.HCM tổ chức chương trình tư vấn xét tuyển ĐH-CĐ 2016 “Cùng bạn quyết định tương lai” tại TP.HCM và truyền hình trực tiếp trên kênh VTV9 (Đài Truyền hình Việt Nam). Đây cũng là chương trình khép lại chuỗi tư vấn xuyên suốt gần 20 tỉnh thành khu vực đồng bằng sông Cửu Long, Tây Nguyên, miền Trung… kéo dài từ giữa tháng 7 đến nửa đầu tháng 8. Chương trình được truyền hình trực tiếp trên đài phát thanh – truyền hình của tất cả các tỉnh này.

Học sinh chăm chú theo dõi chương trình tư vấn

Tại thời điểm những ngày đầu xét tuyển ĐH-CĐ (1-8), chương trình nhận được nhiều câu hỏi của thí sinh, phụ huynh xoay quanh cách thức nộp hồ sơ, quy định trong xét tuyển, đăng ký sao cho tăng cơ hội trúng tuyển, nên nộp sớm hay để đến ngày cuối cùng… Càng gần những ngày xét tuyển cuối, chương trình càng gay cấn với hàng loạt câu hỏi về những sai sót trong xét tuyển, dự đoán điểm trúng tuyển sẽ tăng hay giảm, có nên đăng ký vào những trường đã quá đông hồ sơ… Đặc biệt, hình thức xét trực tuyến mới được áp dụng từ năm nay được nhiều thí sinh quan tâm. Trong đó, một số em cũng bày tỏ lo ngại, cách xét tuyển này mới quá, không biết có dễ dàng đăng ký hay gặp bất trắc gì không?

Bên cạnh đó, ở mỗi tỉnh thành chương trình đi qua đều có thí sinh đề cập đến xét tuyển khối ngành công an, quân đội. Gần nhất, tại chương trình diễn ra ở TP.HCM, phụ huynh đặt câu hỏi: “Trong trường hợp con tôi thi đậu vào trường thuộc khối ngành công an nhưng đang tham gia nghĩa vụ quân sự thì có được bảo lưu kết quả cho đến ngày xuất ngũ vào tháng 2 năm tới để đi học không?”. Ông Nguyễn Quốc Cường (Bộ phận tuyển sinh Cơ quan tuyển sinh Bộ GD-ĐT tại TP.HCM) cho rằng những thí sinh đã đăng ký vào khối ngành thuộc khối công an rồi vẫn còn một cơ hội tham gia xét vào các trường thuộc hệ dân sự với tối đa 2 ngành. Đối với trường hợp thí sinh đang tham gia nghĩa vụ quân sự, gia đình cần làm đơn xin bảo lưu kết quả để thí sinh sau khi giải ngũ đăng ký nhập học vào trường đã trúng tuyển. Với những thí sinh đang thực hiện nghĩa vụ quân sự, các trường sẽ tạo điều kiện thuận lợi để đăng ký nhập học.

Nhiều thí sinh sở hữu điểm khá cao nhưng vẫn dò xét tình hình, dự tính đăng ký xét vào ngày cuối cùng cũng tỏ ra khá lo lắng khi tại nhiều trường lượng hồ sơ nộp vào đã vượt tổng chỉ tiêu. Một thí sinh sở hữu mức điểm 23 đặt vấn đề, trong tình hình lượng hồ sơ ngày càng đông vào một số trường như hiện nay, em nên đăng ký vào trường nào phù hợp để có cơ hội trúng tuyển. Ông Nguyễn Anh Vũ (đại diện Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM) cho rằng hiện chưa thể khẳng định điểm chuẩn năm nay tăng hay giảm. Tuy nhiên, với mức khá cao là 23 điểm, thí sinh có cơ hội trúng tuyển vào nhiều trường ĐH. Để tăng cơ hội trúng tuyển, trong 2 trường được đăng ký xét vào, thí sinh nên chọn 1 trường có điểm chuẩn các năm trước ngang ngửa với mức điểm thi của mình và 1 trường có mức điểm chuẩn thấp hơn. Các em cần tránh đăng ký cùng lúc 2 trường có mức điểm chuẩn xem xem mức điểm thi mình có, có khi không đậu nguyện vọng nào.

Bài, ảnh: Thục Trân

Ông Nguyễn Quốc Cường (Bộ phận tuyển sinh Cơ quan đại diện Bộ GD-ĐT tại TP.HCM): Chương trình có độ tương tác cao

Không chỉ mang nhiều thông tin đến thí sinh cả nước về phương thức xét tuyển, chỉ tiêu, điểm sàn xét tuyển… giúp các em có góc nhìn đúng đắn hơn trong việc lựa chọn ngành và trường học phù hợp sở thích, năng lực, điều kiện gia đình và nhu cầu nhân lực xã hội, chương trình còn độ tương tác cao. Hàng loạt câu hỏi sát sườn, chất lượng, thời sự được thí sinh, phụ huynh liên tục gọi về chương trình cho thấy sức lan tỏa lớn. Rất mong chương trình tiếp tục phát huy thế mạnh này trong thời gian tới để luôn là kênh thông tin thiết thực đối với thí sinh, phụ huynh.

ThS. Nguyễn Thị Diệu Anh (Trưởng phòng Tuyển sinh – Truyền thông Trường ĐH Văn Hiến): Cầu nối thông tin giữa nhà trường và thí sinh

Với sự đầu tư chất lượng, chương trình đem lại hiệu quả thông tin ngày càng cao. Qua đó, các thí sinh đã nắm bắt kịp thời và rõ ràng hơn thông tin đào tạo ở nhiều trường ĐH-CĐ. Sau mỗi chương trình, lượng thí sinh chủ động liên hệ tổng đài các trường để được tư vấn thêm về ngành nghề, phương thức xét tuyển, điểm sàn xét tuyển, thủ tục nhận hồ sơ… đều tăng, nhất là khu vực TP.HCM và các tỉnh Bình Thuận, Đồng Nai, Vĩnh Long, Bà Rịa – Vũng Tàu…

Ông Trần Anh Tuấn (Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM): ĐH không phải duy nhất

Thông qua chương trình, có thể thấy người học đã bước đầu quan tâm chú ý nhiều hơn đến bậc đào tạo nghề, bậc CĐ thay vì bị “cuốn” vào “cơn lốc” ĐH như thời gian trước. Trong đó, không ít thí sinh xác định đây sẽ là con đường kiên định theo đuổi, phù hợp với năng lực bản thân. Đây là một trong những nỗ lực đáng ghi nhận của chương trình.

Ngoài ra, cũng từ định hướng đúng đắn, thiết thực của chương trình, khi chọn ngành nghề, thí sinh tiếp tục quan tâm mạnh đến nhu cầu nhân lực, cơ hội việc làm đối với nhiều khối ngành nghề, nhất là cơ hội việc làm tại địa phương.

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)