Nhịp cầu sư phạmGương sáng

Bóng tối không còn trở ngại

Tạp Chí Giáo Dục

Đến với lớp học của Mái ấm Thiên Ân (Q.Tân Phú, TP.HCM), nhiều người thật sự xúc động khi thấy hình ảnh thầy giáo Nguyễn Minh Tuấn – chủ nhiệm Câu lạc bộ Thấu hiểu của bạn – Ánh sáng của tôi dạy môn tin học cho các em nhỏ khiếm thị. Đối với các em nhỏ ở đây, thầy Tuấn đã trở thành hình ảnh đẹp về nghị lực vươn lên của một số phận bất hạnh khi đôi mắt không nhìn thấy ánh sáng cuộc đời.

Học sinh khiếm thị học môn tin học với thầy giáo Tuấn (đứng)

“Bức tường màn đêm” chặn lối

Năm 2006 sau khi tốt nghiệp THPT, Tuấn đậu điểm cao vào Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM và trở thành sinh viên của Khoa Nông học. Minh Tuấn bùi ngùi nhớ lại: “Năm 2008 khi đó, tôi đang học năm thứ hai thì mắt cứ mờ dần và cuối cùng không thể theo học cùng các bạn được”. Không thể đo đếm được nỗi bi quan của một thanh niên khi ước mơ hoài bão còn chờ đợi ở phía trước bỗng nhiên tan biến thành mây khói. Cú sốc đó đã lấy đi tất cả hy vọng tươi đẹp của một sinh viên ham học và yêu đời. Cũng may, được người nhà giới thiệu vào Mái ấm Thiên Ân, Minh Tuấn mới thấy cuộc đời mình như đang được tái sinh. Người giới thiệu cho Tuấn vào mái ấm đầy tình yêu thương này không ai khác mà chính là anh trai Nguyễn Quyết Thắng cũng có hoàn cảnh như Tuấn. Để làm lại cuộc đời, Tuấn phải học chữ nổi, học kỹ năng di chuyển cho người mù giống như một trẻ nhỏ tập đi. Dù lớn tuổi nhất “hội” nhưng Tuấn lại rất vụng về khi sờ lên chữ nổi vì đôi tay quá cứng và chai vân tay. Những động tác gõ lên bàn phím máy vi tính cũng không được mềm mại như đàn em trong lớp. Học tiếng Anh cũng là một ám ảnh cho Tuấn vì kỹ năng nghe chưa thuần thục. Không có cách nào hơn em phải dùng “nội lực” kiên trì để vượt qua thử thách.

Không ít người lấy làm thắc mắc, một giáo viên (GV) bình thường dạy cho các em cũng đã khó đằng này cả thầy và trò đều mò mẫm trong bóng tối nhưng mỗi ngày tri thức vẫn cứ tỏa sáng. Trò chuyện với thầy Tuấn, tôi mới biết nhờ có phần mềm hỗ trợ cho người khiếm thị và đặc biệt là kiến thức của 4 năm học tại Trường ĐHSP TP.HCM đã giúp anh trở thành một GV giỏi trong lĩnh vực CNTT như bất cứ một GV bình thường. Nhắc tới tuổi ấu thơ, Tuấn kể trong xúc động và nuối tiếc: “Gia đình bố mẹ quê ở Quảng Bình nhưng làm ăn sinh sống ở huyện Di Linh, Lâm Đồng. Tôi sinh năm 1989 cũng bình thường như những đứa trẻ khác nhưng biến cố cuộc đời bắt đầu xảy ra vào năm 2008”. Theo lời kể của Tuấn, mặc dù kinh tế khó khăn nhưng gia đình vẫn cho 3 anh em không chỉ học hành đến nơi đến chốn mà còn là những học sinh giỏi của trường huyện. Thế nhưng tất cả đã bị “bức tường của màn đêm” chặn lối.

Ước mơ của Tuấn là soạn từ điển dịch tiếng Anh sang tiếng Việt cho người khiếm thị và trau dồi thêm ngoại ngữ để có một suất học bổng đào tạo nguồn nhân lực trẻ của nước ngoài.

Dù làm việc trong bóng tối, nhưng mắt đã từng nhìn thấy nên mỗi khi làm việc gì Tuấn đều tưởng tượng ra như lúc mắt còn sáng. Thay vì phải mất nhiều năm để học lại, chỉ sau 2 năm Tuấn đã thi đỗ vào Trường ĐHSP TP.HCM (Khoa Công nghệ thông tin). 4 năm theo học ở trường là “chất xúc tác” để sinh viên Nguyễn Minh Tuấn thực hiện được rất nhiều dự định dù gặp không ít khó khăn về sức khỏe và đi lại.

Không để số phận quật ngã

Niềm vui học tập đã xua tan những nỗi buồn về thân phận và quan trọng hơn là nhận được rất nhiều yêu thương từ mọi người. Dù đã ra trường từ lâu nhưng Tuấn vẫn nhớ hình ảnh những nhóm bạn tự tập hợp nhau lại để giúp đỡ Tuấn. Mỗi bước đường thành công của Tuấn đều có những tấm lòng đẹp đứng phía sau hỗ trợ. Đặt biệt thành công đi trước của người anh trai là động lực giúp Tuấn vươn lên không hề mệt mỏi. Đến năm cuối, thời gian đi thực tập Công ty Kim từ điển đã giúp anh có thêm bề dày kinh nghiệm và kỹ năng làm việc. Ước mơ của anh là soạn từ điển dịch tiếng Anh sang tiếng Việt cho người khiếm thị và trau dồi thêm ngoại ngữ để có một suất học bổng đào tạo nguồn nhân lực trẻ của nước ngoài. Thời gian đối với Tuấn cũng rất đáng quý vì anh còn tham gia tập võ Aikido để rèn luyện sức khỏe, chơi đàn guitar và đặc biệt là nhạc cụ Harmonica. Âm nhạc đã giúp cho tâm hồn người thầy lúc nào cũng hướng tới những gì tốt đẹp nhất của cuộc sống để quên hết mọi đau buồn. Được trở về trường cũ phục vụ là ước ao cũng là vinh dự của người thầy giáo trẻ. Trang giáo án trở thành hạnh phúc của một thầy giáo mù với tiếng nói rộn ràng của bầy em nhỏ. Không chỉ đứng lớp, thầy giáo Tuấn còn thực hiện tiếp dự định viết phần mềm cho người khiếm thị, soạn từ điển, viết phần mềm tra bảng nguyên tố hóa học cho học sinh.

Bài, ảnh: Nguyễn Hoàng Anh

 

Bình luận (0)

Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Bóng tối không còn trở ngại!

Tạp Chí Giáo Dục

Nhạc sĩ Hà Chương trong căn nhà trọ ở quận Gò Vấp, TP.HCM 

Tình yêu về hát là album nhạc mới nhất của nhạc sĩ trẻ khiếm thị Hà Chương được giới chuyên môn đánh giá cao về sự tiến bộ vượt bậc trong sáng tác. Trước đó năm 21 tuổi, chàng trai đầy tài năng và ý chí đã cho ra mắt album đầu tay Món quà của sóngKhúc hát tuổi 20 khi tròn 23 tuổi.

Âm nhạc đem lại ánh sáng cuộc đời

Trong chương trình văn nghệ kỷ niệm 18 năm thành lập Trung tâm Nghệ thuật tình thương do NSND Tường Vy thành lập vừa được tổ chức tại TP.Đà Nẵng mới đây, không ít khán giả lại thật sự xúc động khi được nghe tiếng hát và tiếng đàn bầu của nghệ sĩ khiếm thị Hà Chương biểu diễn trên sân khấu. Trải qua nhiều năm tháng vất vả người nhạc sĩ mù đã không ngừng nỗ lực vươn lên mới  có được những thành quả lớn lao như ngày hôm nay. “… Em không thấy biển xanh mà chỉ nghe tiếng sóng” – lời bài hát như vẽ lên từng cuộc đời và mỗi số phận con người sống trong bóng tối, trong đó có cậu bé Hà Văn Chương. Chương nghe ba mẹ nói, lúc mới sinh ra mắt đã yếu nhìn gần mới thấy, cho đến khi 2 tuổi thì mù hoàn toàn, sau này gia đình mới biết là bị teo gai thị dưới đáy mắt. Có một điều lạ là dù không nhìn thấy ánh sáng từ đôi mắt nhưng cậu bé sinh năm 1982 lại cảm nhận rất rõ thứ ánh sáng vô hình của âm thanh từ đôi tai thính nhạc của mình. Để khỏa lấp sự thiệt thòi của cậu em út, người chị gái hàng ngày thường lấy đàn guitar gảy cho Chương nghe. Vì thế lên 5 tuổi Chương đã thuộc và biết hát khá chuẩn các bài dân ca, nhất là các điệu hò khoan xứ Quảng. Thời kỳ này chưa có trường chuyên biệt nên một năm sau Chương phải ra Đà Nẵng học Trường Tiểu học Nguyễn Đình Chiểu và sau đó là lớp hòa nhập tại Trường Thực hành Sư phạm. Vốn là một học sinh có năng khiếu âm nhạc nên tất cả các phong trào bề nổi văn thể mỹ luôn cuốn hút Chương. Lớn lên trong tiếng đàn guitar hiện đại của người chị nhưng Hà Chương lại mê đàn bầu và quyết đi theo con đường biểu diễn các loại nhạc cụ dân tộc. Bù lại đôi mắt thiệt thòi, Chương lại có đôi tai thẩm âm tuyệt vời nên các loại nhạc cụ dân tộc dần dà đã trở thành người bạn thân thuộc.

Nhạc sĩ khiếm thị Hà Chương chia sẻ: “Khó của đàn bầu là chỉ có một dây nên không có phím định âm như đàn guitar, vì vậy việc học cũng chẳng dễ dàng gì. Thế nhưng đàn bầu lại có sức quyến rũ riêng vì âm sắc vô cùng độc đáo lên trầm xuống bổng và chỉ ở Việt Nam mới có mà thôi”.  

Chương chia sẻ: “Khó của đàn bầu là chỉ có một dây nên không có phím định âm như đàn guitar, vì vậy việc học cũng chẳng dễ dàng gì. Thế nhưng đàn bầu lại có sức quyến rũ riêng vì âm sắc vô cùng độc đáo lên trầm xuống bổng và chỉ ở Việt Nam mới có mà thôi”. 

Vẽ âm thanh trong bóng tối

Mới học xong lớp 10, Hà Chương làm hồ sơ thi vào Nhạc viện Hà Nội để theo đuổi niềm đam mê từ bé của mình. Theo Chương, đây là 2 năm vất vả nhất vì đi hát được 100.000 đồng thì tiền đi xe ôm cũng gần hết, đó là chưa kể tiền thuê nhà, các khoản tiêu xài khác. Nếu như ai nản chí thì cũng khó theo đuổi được đến cùng. Người giúp Chương vượt qua giai đoạn khó khăn này là NSND Tường Vy, bắt đầu từ đó lịch biểu diễn của Hà Chương cũng dày hơn. Một quyết định khác vô cùng táo bạo đó là sau 2 năm học trung cấp, Chương thi vượt rào vào hệ ĐH: “Nhà trường đồng ý cho thi, nếu đậu thì tuyển thẳng còn rớt thì chỉ quay về nhà vì mất cả trung cấp. Lúc đầu em cũng lo nhưng trước đó mình đã chuẩn bị sẵn cả rồi nên đã thi đậu”. Sau 6 năm “dùi mài kinh sử, Chương lại có trong tay tấm bằng tốt nghiệp thủ khoa của Nhạc viện Hà Nội và vinh dự được ghi danh vào sổ vàng của Văn Miếu Quốc Tử Giám.  

Trò chuyện với tôi trong căn nhà trọ ở Gò Vấp, TP.HCM, chàng trai vốn là một trong những gương mặt đoạt giải Mãi mãi tuổi 20 năm 2008 do TP.Hà Nội tổ chức chia sẻ: “Con đường thành công không dành cho ai lười biếng, thiếu tự tin và ý chí vươn lên. Ngoài lòng dũng cảm và bản lĩnh phi thường đối với người khuyết tật, ý chí phải lớn hơn nhiều”. Hạnh phúc đã đến với anh khi có thêm tiếng cười của đứa con gái 1 tuổi với người vợ là một cô giáo dạy tiếng Anh hiền dịu, biết hy sinh.

Bài, ảnh: Nguyễn Hoàng Anh