Ngày 12/8, Công ty Điện lực Shikoku thông báo đã khởi động lại lò phản ứng hạt nhân số 3 tại Nhà máy điện Ikata ở tỉnh Ehime, miền Tây Nhật Bản. Đây là lò phản ứng hạt nhân thứ 5 hoạt động trở lại kể từ khi Nhật Ban thắt chặt các quy định về an toàn sau sự cố tại tổ hợp nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1 năm 2011.
Lò phản ứng hạt nhân của Ikata dự kiến đạt trạng thái ổn định và bắt đầu truyền tải điện từ ngày 15/8 trước khi nối lại hoạt động thương mại vào đầu tháng 9 tới. Lò phản ứng này là cũng là đơn vị duy nhất được phép khởi động trở lại, vận hành bằng nhiên liệu ôxit hỗn hợp plutoni và urani (MOX), sau khi một tòa án chỉ thị Công ty Điện lực Kansai hồi tháng 3 tạm dừng hoạt động hai lò phản ứng ở nhà máy Takahama do lo ngại vấn đề an toàn kể từ khi nối lại hoạt động đầu năm nay.
Nhiên liệu MOX, được tạo thành từ plutoni và urani chiết từ nhiên liệu đã qua sử dụng, là thành phần chủ chốt trong chương trình tái chế nhiên liệu hạt nhân mà Chính phủ Nhật Bản, cũng như ngành năng lượng hạt nhân theo đuổi.
Hồi tháng 5 vừa qua, một nhóm người dân địa phương đã kiện lên tòa án, yêu cầu chấm dứt việc tái khởi động lò phản ứng hạt nhân trên do lo ngại hàng loạt trận động đất xảy ra ở đảo Kyushu gần đó vào hồi tháng 4 có thể kéo theo các trận động đất dọc khu vực gần lò phản ứng hạt nhân của Ikata.
Nhà máy này cách tỉnh Kumamoto, tâm chấn của các trận động đất, khoảng 170km. Hồi tháng Sáu, Công ty Điện lực Shikoku tìm cách nối lại hoạt động lò phản ứng này vào ngày 26/7 vừa qua, song đã phải hoãn kế hoạch do gặp phải vấn đề với hệ thống làm mát của lò phản ứng.
Trận động đất và sóng thần ngày 11/3/2011 đã gây ra sự cố rò rỉ hạt nhân tại nhà máy điện Fukushima, kéo theo việc tất cả các lò phản ứng thương mại ở Nhật Bản ngừng hoạt động từ tháng 9/2013. Xác định năng lượng hạt nhân là nguồn điện năng chủ chốt trong chính sách năng lượng dài hạn bất chấp sự cố nêu trên, Chính phủ Nhật Bản đang nỗ lực thúc đẩy tái khởi động 48 lò phản ứng đã tạm dừng hoạt động để kiểm tra an toàn. Tokyo dự kiến sẽ nâng tỷ trọng năng lượng hạt nhân trong gói điện năng tổng thể lên ít nhất 20% trong năm 2030./.
Bình luận (0)