Kỳ thi học sinh giỏi quốc gia năm học 2021-2022, tỉnh T. có 74/99 học sinh dự thi đạt giải, trong đó có 1 giải nhất, 25 giải nhì, 28 giải ba và 20 giải khuyến khích. Thành tích và tự hào cũng đã nói nhiều rồi. Và năm nào cũng nói giống năm nào, nghĩa là tự hào về quê hương hiếu học, học giỏi, nhiều thành tích…
Theo tác giả, cần nhìn nhận lại toàn diện các cuộc thi học sinh giỏi để tổ chức sao cho phù hợp, khoa học và nhân văn (ảnh minh họa)
Nhưng, giáo dục nếu chỉ dừng lại ở thành tích thì chưa đúng với mục tiêu, là chuẩn bị nhân lực cho cuộc sống và sự phát triển, tương lai của quê hương, đất nước. Tôi để ý đến một con số, là có đến 25 học sinh đi thi không đạt giải. Các em sẽ rất buồn và hụt hẫng. Đây là những hạt giống xuất sắc, được kỳ vọng và được rèn luyện rất kỹ càng. Các em đã dồn tất cả cho môn thi quốc gia, lịch học cực kỳ căng thẳng; các em đã nỗ lực đến mức tối đa, nhưng vẫn không có giải. Giờ thì sao: Ai cũng nhắc, cũng khen thưởng, tôn vinh, tự hào về các em đạt giải; còn các em không đạt giải thì không ai nhắc đến cả. Nỗi buồn, và chắc là sẽ có cái gì đó hụt hẫng, tiếc nuối. Mong rằng, nên có sự cân bằng về thông tin, đừng tôn vinh quá mức các em đạt giải (dễ dẫn đến ngộ nhận là tài năng xuất chúng, đỉnh cao), và nên có sự động viên, chia sẻ với các em không đạt giải một cách chân thành, tinh tế. Giáo dục phải là môi trường thân thiện và nhân văn nhất, để mọi học sinh đều hạnh phúc khi đến trường.
Từ đây, cần nhìn nhận lại toàn diện các cuộc thi học sinh giỏi, nên tổ chức sao cho phù hợp, khoa học và nhân văn. Không nên tạo ra áp lực quá căng thẳng, đưa các em vào guồng xoáy thành tích, với kỳ vọng quá lớn. Làm sao để giáo dục, nuôi dưỡng cho học sinh tình yêu khoa học, đó mới là điều cần và khó. Còn tổ chức ôn luyện bằng các thủ thuật, dạy học sinh theo kiểu nhồi nhét, tìm cách vượt qua các bài tập vô cùng hóc búa để đạt giải thưởng, lấy thành tích thì đó không phải là mục tiêu của nền giáo dục nhân văn, khoa học. Thành tích trong giáo dục là sự ghi nhận về nỗ lực thành công trong một cuộc thi, chứ không phải là mục đích của giáo dục. Mục đích giáo dục là làm cho cuộc sống tốt đẹp hơn.
Theo Luật Giáo dục, mục tiêu của giáo dục phổ thông là giáo dục toàn diện. “Giáo dục phổ thông nhằm phát triển toàn diện cho người học về đạo đức, trí tuệ, thể chất, thẩm mỹ, kỹ năng cơ bản, phát triển năng lực cá nhân, tính năng động và sáng tạo; hình thành nhân cách con người Việt Nam xã hội chủ nghĩa và trách nhiệm công dân; chuẩn bị cho người học tiếp tục học chương trình giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp hoặc tham gia lao động, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc” (Khoản 1 – Điều 29 Luật Giáo dục 2019). Nhưng, Bộ GD-ĐT lại thành lập các trường chuyên, tổ chức dạy học môn chuyên, tổ chức các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, quốc tế. Các trường phổ thông lại âm thầm tổ chức các lớp chọn. Nhiều huyện cũng “lặng lẽ, nhẹ nhàng” tổ chức các trường cấp 2 tinh tuyển, dù trung ương đã ra quy định bãi bỏ.
Việc tổ chức thi học sinh giỏi quốc gia, quốc tế vô hình trung đã gây nên hiện tượng học lệch nghiêm trọng, vi phạm mục tiêu của Luật Giáo dục là giáo dục toàn diện. Cụ thể: Trong nhiều tháng, các thành viên đội tuyển hầu như bỏ bẵng tất cả các môn học khác, chỉ tập trung ôn luyện đội tuyển, với lịch học hết sức căng thẳng. Thi xong, đạt giải, được vinh danh thì rất mừng; nhưng nếu không đạt giải thì sự hụt hẫng rất lớn. Một thực tế là để tạo điều kiện cho các thành viên đội tuyển, được biết nhiều thầy cô bộ môn khác đã cho điểm cao, dù các em không đầu tư học. Điểm thì có nhưng kiến thức không có, do đã tập trung mọi tinh lực cho môn thi. Thực chất, đây là việc làm vi phạm nghiêm trọng các quy định của ngành giáo dục, dù bản chất là để tạo điều kiện cho học sinh. Không quá nặng nề về vấn đề nguyên tắc, quy định; nhưng điều đáng lo là các em bị lệch, hổng kiến thức, kỹ năng so với các bạn cùng lứa.
Việc ưu tiên tuyển sinh, tuyển dụng học sinh từng đạt giải quốc gia là không công bằng, đó là khuyến khích học lệch, tìm mọi cách để được ưu đãi. Theo tôi, cứ khen thưởng xứng đáng cho học sinh đạt giải quốc gia, còn ở các kỳ thi khác, mọi ứng viên phải trải qua sát hạch một cách công bằng, lấy điểm trúng tuyển từ trên xuống. |
Cứ cho là buộc phải hy sinh “toàn diện” để đạt đỉnh cao, theo nguyên tắc không thể vừa xay lúa, vừa bồng em. Nhưng điều đáng nói là có phải đỉnh cao thực sự hay không? Có phải tổ chức thi quốc gia để chọn được các nhân tài, nuôi dưỡng tài năng khoa học, hướng học sinh đến đỉnh cao, tinh hoa của tri thức, có đam mê phấn đấu trở thành trí thức cống hiến cho xã hội? Thực tế dư luận vẫn nghe thông tin về việc luyện thi kiểu nhồi nhét, học thuộc các bài bản, mẹo mực, dạng đề, tìm học các chuyên gia hiểu rõ các dạng đề… nhằm tìm cách vượt qua các bài tập hóc búa để đạt giải, chứ không phải rèn giũa tài năng khoa học thực sự. Nếu thực tế như thế, kỳ thi quốc gia đã bị biến dạng theo cách không mong muốn từ ý tưởng ban đầu, là tạo ra sân chơi trí tuệ đỉnh cao và khách quan, thắp sáng ngọn lửa tình yêu trí tuệ, học thuật cho thế hệ trẻ.
Tôi có cảm nhận là độ khó của đề thi quốc gia ngày càng tăng, đến mức quá khó, ví dụ đa số giáo viên phổ thông không làm được. Số lượng học sinh tham gia ngày càng nhiều, tỷ lệ đạt giải rất cao, khen thưởng và ưu đãi quá lớn, đặc biệt là ưu đãi trong tuyển sinh đại học, tuyển dụng công chức, viên chức… Phải chăng sự hấp dẫn trong lợi ích vật chất, ưu đãi từ giải thưởng đã tạo nên độ “nóng” cho sân chơi học sinh giỏi quốc gia, chứ không phải là sức hút của trí tuệ, học thuật liêm chính?
Việc ưu tiên tuyển sinh, tuyển dụng học sinh từng đạt giải quốc gia là không công bằng, đó là khuyến khích học lệch, tìm mọi cách để được ưu đãi. Theo tôi, cứ khen thưởng xứng đáng cho học sinh đạt giải quốc gia, còn ở các kỳ thi khác, mọi ứng viên phải trải qua sát hạch một cách công bằng, lấy điểm trúng tuyển từ trên xuống. Bởi vì một nguyên tắc đơn giản là sự công bằng, và về logic, học sinh đã giỏi (đạt giải quốc gia) thì phải thể hiện trong một kỳ thi khác công bằng với mọi thí sinh khác, với các yêu cầu cần thiết từ cơ sở đào tạo. Ưu đãi quá mức, nhiều lần, ưu đãi suốt đời (tuyển dụng và danh xưng nhân tài) cho một giải thưởng, e rằng không công bằng và không hợp lý.
Mọi vấn đề đều có tính hai mặt. Bộ GD-ĐT đã không lường hết được sự toan tính thực dụng từ gia đình, nhà trường và cán bộ lâu nay từ các chính sách ưu đãi của ngành giáo dục. Bất cứ chính sách ưu đãi nào có thể vận dụng, “lách” và “chạy”, “đầu tư”, thì người ta sẽ tìm mọi cách để sở hữu cho bằng được.
Trần Quang Đại (Nghệ An)
Bình luận (0)