Khi phổ điểm môn tiếng Anh được Bộ GD-ĐT công bố cũng là lúc dư luận xã hội dấy lên sự thất vọng vì thực tế khoảng 70% thí sinh đạt dưới 4 điểm môn tiếng Anh (điểm trung bình của nhóm thí sinh này đạt được là 3,48), có nghĩa là hơn 300.000 thí sinh đạt điểm dưới 3,8 trong số 472.000 thí sinh dự thi môn này.
Học sinh THPT làm bài tập trong tiết học môn tiếng Anh. Ảnh: Anh Khôi |
Số liệu này không chỉ làm cho những người công tác trong ngành giáo dục lo lắng mà cả phía học sinh và phụ huynh bắt đầu cảm giác “có vấn đề” trong công tác giảng dạy ngoại ngữ hiện nay tại các trường phổ thông. Vậy khi điểm thi tiếng Anh quá thấp: liệu có học được ĐH?
Khó có khả năng hội nhập TPP nếu yếu tiếng Anh
Là người công tác trong ngành giáo dục và tham gia giảng dạy tiếng Anh ở nhiều bậc học, trong đó có giảng dạy ĐH hơn 10 năm, tôi cho rằng mối nghi ngờ trên là hoàn toàn có cơ sở vì “thế hệ sản phẩm” mà chúng ta tạo ra khó có khả năng hội nhập khi các ràng buộc TPP (Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương) bắt đầu hiệu lực từ năm 2018. Phải hiểu rằng TPP không phải là những tuyên bố suông mà là những cam kết có ràng buộc, trong đó không chỉ mở cửa cho lĩnh vực thương mại mà cả những vấn đề phi thương mại như chất lượng lao động, môi trường… Khi đó liệu nguồn nhân lực qua đào tạo từ thế hệ sinh viên nhập học hôm nay có đáp ứng được các yêu cầu của thị trường thương mại tự do của TPP?
Khi tôi đề cập đến vấn đề này trong một hội thảo ứng dụng CNTT trong dạy học ngoại ngữ tại Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM thì PGS.TS Nguyễn Xuân Hoàn (Phó Hiệu trưởng phụ trách trường) có chia sẻ: “Khả năng ngoại ngữ của sinh viên sau khi ra trường hiện nay là mối quan tâm hàng đầu trong công tác đào tạo và hướng nghiệp của nhà trường. Cụ thể nhà trường đã có những quy định chuẩn đầu ra của tiếng Anh và tin học cho tất cả các hệ và công bố cho sinh viên ngay khi các em nhập học. Bên cạnh đó, nhà trường hiện đang áp dụng chương trình Blended Learning kết hợp giữa đào tạo truyền thống và trực tuyến nhằm giúp các em có cơ hội thực hành nói và viết trực tuyến với giảng viên bản ngữ nhiều hơn, hiệu quả hơn”. Thực tế qua tìm hiểu trong chương trình đào tạo của trường thì sinh viên khi học thực hành trực tuyến phải có điểm số từ 4.0 trở lên mới được tính điểm nếu không sẽ quy điểm đó là 0. Do đó, nếu sinh viên không chịu nỗ lực thì nhiều khả năng phải học lại học phần này. Điều này làm cho sinh viên của trường có thái độ nghiêm túc trong thực hành nói và viết tiếng Anh hơn là học qua bài tập trong sách.
Tăng cường tiếng Anh… như ngôn ngữ thứ 2
Để giúp sinh viên có môi trường thực hành tiếng Anh cách hay nhất là các trường ĐH, CĐ phải tạo ra môi trường nói tiếng Anh ngay chính trong giao tiếp hàng ngày của đơn vị mình. Đối với một số khoa, bộ môn đặc thù mà công việc của các em sau này sử dụng nhiều tiếng Anh như ngành ngôn ngữ Anh, du lịch lữ hành, quản trị kinh doanh, thương mại quốc tế, biên phiên dịch, kinh tế đối ngoại, các khoa thực hiện các chương trình đào tạo quốc tế hay liên kết quốc tế… phải có quy định ràng buộc tăng cường giao tiếp tiếng Anh như ngôn ngữ thứ 2 trong quy trình đào tạo thì may ra sinh viên mới có môi trường rèn luyện, học tập tiếng Anh theo một cách đúng nghĩa. Sử dụng tiếng Anh như ngôn ngữ thứ 2 đối với một số khoa, ngành đặc thù nêu trên trước hết giúp sinh viên sau khi nhập học hiểu được tầm quan trọng của việc học tiếng Anh và tính cần thiết của ngôn ngữ này đối với công việc học tập sắp tới của các em. Từ đó, góp phần thay đổi tư duy vốn dĩ ngại nghe – nói của các em ở bậc phổ thông! Một trong những tín hiệu vui là Bộ GD-ĐT đã có chủ trương và lộ trình xây dựng tiếng Anh là ngôn ngữ thứ 2 bắt đầu từ năm 2016-2017.
Tiếng Anh là môn học độc lập, chứng chỉ, hay môn học tích hợp?
Ở bậc ĐH, nếu coi tiếng Anh như là một môn học độc lập là chúng ta đang đánh giá tiếng Anh trên giấy như bậc phổ thông hiện nay đang vướng phải. |
Mặc dù Bộ GD-ĐT đã ban hành Thông tư 01/2014/TT-BGDĐT quy định khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dành cho Việt Nam nhưng xem ra thông tư chưa thực sự định hướng cho các trường ĐH, CĐ trong việc cải thiện khả năng ngoại ngữ của sinh viên nói chung. Thậm chí, chính quy định này làm phát sinh thêm các chứng nhận, chứng chỉ “ăn theo” khung năng lực 6 bậc và làm cho hệ thống đào tạo ngoại ngữ đang ngày càng trở nên rối rắm khi các đơn vị được phép đào tạo và cấp văn bằng mỗi nơi triển khai mỗi kiểu, không thống nhất, còn chất lượng thì… tù mù không có đơn vị nào được kiểm định! Nên chăng Bộ GD-ĐT cần đánh giá nghiêm túc những công việc đã thực hiện Đề án ngoại ngữ quốc gia 2020 theo tinh thần của Nghị quyết số 29-NQ/TW của Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT để định hướng tốt cho các em về ngoại ngữ ngay từ khi còn học phổ thông! Cần có chiến lược để tích hợp CNTT trong giảng dạy ngoại ngữ, đưa việc đánh giá 4 kỹ năng vào tất cả các bậc học. Việc xác nhận và thẩm định chuẩn đầu ra phải giao cho bộ phận khảo thí của bộ nghiên cứu áp dụng đồng bộ để tránh hiện tượng “đánh trống bỏ dùi” dễ phát sinh tiêu cực và sính mác chứng chỉ hơn là năng lực ngoại ngữ thực sự!
Ở bậc ĐH, nếu coi tiếng Anh như là một môn học độc lập là chúng ta đang đánh giá tiếng Anh trên giấy như bậc phổ thông hiện nay đang vướng phải. Hơn hết phải cho sinh viên nhận thấy môn tiếng Anh là kỹ năng ngôn ngữ, kỹ năng mềm, đồng thời là kỹ năng nghiên cứu. Tích hợp tiếng Anh trong các môn học khác hay sử dụng giáo trình nước ngoài thay cho giáo trình tiếng Việt là một giải pháp tốt mà hiện nay các trường đang tiến tới. Có như vậy việc nghiên cứu và sử dụng tiếng Anh của sinh viên gắn với kiến thức chuyên môn và nghề nghiệp sau khi ra trường có giá trị thực tiễn hơn là điểm số của môn tiếng Anh trong bảng điểm.
Như vậy phụ thuộc vào cách tiếp cận và hỗ trợ của các trường ĐH, CĐ nơi thí sinh đăng ký nộp hồ sơ thì dù các em đạt điểm thấp trong kỳ thi THPT quốc gia vừa qua vẫn có thể tận hưởng được môi trường học tập mà tiếng Anh được chú trọng và phát triển theo một cách đúng hướng, hơn là việc tiếp tục “dạy lại” những kiến thức tiếng Anh mà các em đã không học được hoặc không chịu học ở bậc phổ thông thêm 3-4 năm nữa. Nếu không thay đổi cách dạy và học tiếng Anh ở các trường ĐH, CĐ hiện nay thì dù sinh viên có tốt nghiệp cũng không đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của tiếng Anh trong môi trường lao động hội nhập sâu, rộng giữa các quốc gia trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
ThS. Trần Tín Nghị
Bình luận (0)