Dù rất cẩn thận nhưng không ít phụ huynh cũng “giật mình” vì chưa thể để tâm 100% tới con cái trong một vài tình huống trên không gian mạng. Trước thực tế này, một số chuyên gia đã có những hiến kế đảm bảo an toàn cho cộng đồng khi giải trí trên TikTok, giúp trẻ tránh được nội dung độc hại trên mạng xã hội tại chiến dịch “Vaccine Số – Sống số lành mạnh” mới đây.
Bà Trần Vân Anh – Viện Nghiên cứu Quản lý Phát triển bền vững và ông Nguyễn Lâm Thanh (Đại diện TikTok Việt Nam chia sẻ về thông tin trên nền tảng TikTok
Chiến dịch do Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam cùng Viện Nghiên cứu Quản lý Phát triển bền vững tổ chức.
Nhiều trẻ bị ảnh hưởng bởi nội dung tiêu cực
Những nội dung tiêu cực đang “trôi nổi” trên internet ngày một nhiều hơn như những video bạo lực, thông tin 18+, các trào lưu độc hại dẫn đến tổn thương tâm lý hay hành vi tự hại… Bởi vậy, việc các phụ huynh lo sợ, cấm cản thanh thiếu niên và trẻ em sử dụng internet là có thể thông cảm phần nào. Nhưng chưa phải cách tối ưu.
Theo ông Nguyễn Lâm Thanh (Đại diện TikTok Việt Nam), tin giả, tin sai lệch ngày nay có thể bắt gặp qua nhiều hình thức thể hiện từ câu chữ, hình ảnh, video; chủ yếu liên quan đến nội dung gây hiểu lầm, giải trí không lành mạnh, tiếp thị ẩn, nói xấu… Không đơn thuần mang tới những kiến thức, quan niệm lệch lạc cho con trẻ mà thông tin độc hại còn có thể gây tổn hại trực tiếp hoặc tiềm tàng nguy cơ gây tổn hại tới thể chất, tình cảm, tâm lý, danh dự, nhân phẩm, sự riêng tư, hay sự phát triển của trẻ em.
Những trò lừa bịp tự sát và tự làm hại bản thân này có điểm chung là cố gắng thuyết phục người chơi tin vào một điều gì đó đáng sợ không có thật. Trong những trường hợp trước đây, trẻ em bị kích động bằng một đoạn tin nhắn đe dọa giả mạo, dụ dỗ các em thực hiện các thử thách với cấp độ khó tăng dần, cuối cùng là tự kết liễu bản thân. Nếu không muốn chịu những hậu quả đáng sợ như lời hăm dọa, các em phải tiếp tục lan truyền những tin nhắn này và mời thêm bạn bè tham gia trò chơi.
Những lời khuyên cho người xem TikTok
Mặc dù hành động này tưởng chừng vô hại nhưng nghiên cứu “Tìm hiểu các biện pháp ứng phó hiệu quả trong giáo dục phòng ngừa đối với những thử thách trực tuyến nguy hiểm” do TikTok công bố mới đây chỉ ra rằng, 31% trẻ vị thành niên từng tiếp cận những trò lừa bịp nguy hiểm này đã bị ảnh hưởng tiêu cực. Trong đó 63% số trẻ cảm thấy bị tổn hại tinh thần.
Theo nghiên cứu từ TikTok, có 31% trẻ vị thành niên từng tiếp cận những trò lừa bịp nguy hiểm này đã bị ảnh hưởng tiêu cực
Theo bà Trần Vân Anh – Viện Nghiên cứu Quản lý Phát triển bền vững, khoảng cách thế hệ – giữa bố mẹ và con cái – không phải là mới nhưng đang trở nên đáng chú ý trong thời đại số. Đôi khi, việc phụ huynh cố gắng hiểu con mình bằng cách giám sát và theo dõi cũng đủ đẩy hai thế hệ xa nhau thêm một chút. “Những lúc gặp tình trạng như vậy, với tư cách là người lớn, nhận thức rõ đúng sai, chúng ta vẫn nên đưa ra được những lời khuyên con cần. Đó vừa là cái khó, nhưng cũng là cái khéo của cha mẹ. Thay vì cấm cản vì không biết, hy vọng phụ huynh lắng nghe và khuyên nhủ con nhiều hơn để tránh tình trạng con học theo tin sai lệch, những nguồn thông tin ảnh hưởng đến bảo mật, tâm lý… Chúng ta chẳng thể biết khi nào những thứ tiêu cực ập đến”, bà Vân Anh khuyên.
Dùng mạng xã hội cùng con
Lên mạng là xu hướng tất yếu của thanh thiếu niên trong thời đại số, nên đôi khi việc cấm đoán có thể trở nên phản tác dụng. “Thấu hiểu” và “đồng hành” mới là những từ khóa mà các ông bố bà mẹ thời 4.0 cần lưu tâm để trở thành người bạn của con trên mạng.
Trẻ em và thanh thiếu niên là đối tượng đang phát triển, dễ tiếp cận internet nhưng đồng thời cũng dễ bị tổn thương, xâm hại trên môi trường này với vô số rủi ro. Vậy nên các em rất cần sự hỗ trợ, chủ động giúp đỡ từ ba mẹ, người lớn trong gia đình – giúp các em trang bị thêm kiến thức và kỹ năng để có thể bảo vệ bản thân cũng giữ an toàn cho những người xung quanh. |
Dù thường xuyên đồng hành cùng con khi sử dụng internet nhưng anh Minh Hải – Nhà sáng tạo nội dung TikTok (thu hút 7,8 triệu lượt theo dõi) cũng có lúc “bối rối” trước các câu hỏi của con gái. Anh Minh Hải nói: “Tôi với con gái không gặp quá nhiều trở ngại khi trò chuyện. Tôi thường xuyên dành thời gian để lắng nghe con, cũng như cố gắng cập nhật thông tin, trào lưu để nắm được tình hình chung. Vậy mà có những lúc tôi vẫn giật mình vì con chia sẻ những điều mình chưa biết. Tham gia TikTok chính là cách để tôi thấu hiểu và đồng hành cùng con trên thế giới số”.
Bà Vân Anh cho rằng, không nên “lên gân”, mà với con trẻ, sự ân cần nhưng vẫn nghiêm túc của cha mẹ sẽ là thái độ tốt nhất để trở thành người bạn đồng hành cùng con. Để làm được điều đó, phụ huynh nên chủ động trò chuyện với con về việc phân biệt tin tốt – tin độc hại, dặn các con không nên chia sẻ dữ liệu cá nhân cho bất kỳ ai, để mắt và xây dựng quy ước với con về các nội dung có thể truy cập…
Theo ông Nguyễn Lâm Thanh, nhằm ngăn chặn những nguồn tin sai lệch, độc hại, TikTok liên tục cải tiến công nghệ kiểm duyệt nội dung và huấn luyện đội ngũ kiểm duyệt để sàng lọc nội dung trên nền tảng. “TikTok cũng trao quyền cho người dùng để báo cáo các hành vi họ cho là vi phạm, cài đặt tài khoản riêng tư, thiết lập bộ lọc bình luận, quản lý thời gian truy cập.
Kiều Khánh
Bình luận (0)