Kinh tế - Giáo dụcNghề nghiệp việc làm

Nhân sự AI, điện toán đám mây có mức lương cao nhất ngành IT năm 2021

Tạp Chí Giáo Dục

Hơn 3.000 USD (hơn 68 triệu đồng)/tháng là mức lương mà doanh nghiệp trả cho kỹ sư máy học/trí tuệ nhân tạo (AI) và kiến trúc sư điện toán đám mây. Đây là 2 lĩnh vực được trả mức lương cao nhất trong nghề lập trình năm 2021.

Người nắm công nghệ cao sẽ “đắt giá”

Giám đốc điều hành Công ty cổ phần Applancer (TP.HCM) sở hữu trang tìm việc IT topdev.vn, dẫn lại kết quả khảo sát năm 2021 của công ty này cho thấy những lĩnh vực mà nhân sự được trả lương cao nhất trong nghề lập trình được chia thành 2 nhóm lớn: công nghệ cao liên quan đến xu hướng trí tuệ nhân tạo (AI)/máy học và điện toán đám mây.

Nhân sự AI, điện toán đám mây có mức lương cao nhất ngành IT năm 2021  - ảnh 1

Bạn trẻ tham gia một cuộc thi về trí tuệ nhân tạo ngày chưa có dịch Covid-19. NGỌC TÚ

Cụ thể, với một nhân viên lập trình có 3 năm kinh nghiệm và làm việc trong mảng AI/máy học có mức lương cơ bản từ 1.290 – 1.703 USD/tháng, còn đối công nghệ điện toán đám mây là từ 1.515 – 1.752 USD/tháng, theo báo cáo Khảo sát thị trường nhân lực IT mức lương, nhu cầu và xu hướng năm 2021 của Applancer.

Đặc biệt, lập trình viên có 4 năm kinh nghiệm trở lên, đảm nhận ở vị trí kỹ sư mảng AI/máy học thì mức lương lên tới 3.054 USD/tháng, trong khi kiến trúc sư điện toán đám mây sẽ được lãnh mức lương 3.121 USD/tháng.

"Du nhập vào Việt Nam từ năm 2015, lĩnh vực công nghệ cao như AI, internet vạn vật, điện toán đám mây… được coi là chìa khóa mang lại lợi thế cạnh tranh và xu hướng bắt buộc. Đây là hệ quả của quá trình chuyển đổi kỹ thuật số trên toàn thế giới cũng như tác động đáng kể từ dịch Covid-19. Tiếp theo là các công nghệ cơ bản liên quan đến phát triển website, hệ thống và thiết bị di động”, bà Như Trương chia sẻ.

Nhân lực còn chưa đáp ứng

Nhìn nhận về những kỹ năng – công nghệ đang được doanh nghiệp sẵn sàng trả lương cao cho các ứng viên, ông Nguyễn Ngọc Tú, chuyên gia tư vấn chuyển đổi Công ty Dataservices (TP.HCM), cho rằng AI, điện toán đám mây đang là những lĩnh vực “nóng” nhất hiện nay.

“Có thể nói tương lai của thế giới là dựa vào điện toán đám mây, AI và dữ liệu lớn. Các doanh nghiệp công nghệ hàng đầu đều muốn tuyển dụng nhân lực có các chuyên môn này và sẵn sàng trả mức lương cao, vì hiện nay những đơn vị đào tạo còn chưa thực sự đáp ứng được cả về số lượng lẫn chất lượng”, ông Tú cho hay.

Đồng quan điểm trên, tiến sĩ Nguyễn Thanh Bình, Trưởng Bộ môn ứng dụng tin học, Khoa Toán – Tin Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM, cũng đánh giá thị trường nhân lực IT đang vô cùng triển vọng cho những người giỏi các công nghệ xu hướng.

"Các công ty lớn muốn săn người giỏi về AI, blockchain, máy học, điện toán đám mây… Tuy nhiên, các kỹ sư chất lượng cao đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp hiện đang rất thiếu, dù số lượng đang tăng dần. Dự báo những năm tiếp theo nhu cầu tuyển dụng vẫn tiếp tục tăng", tiến sĩ Bình nhận định.

Theo tiến sĩ Bình để có năng lực cạnh tranh cao, sinh viên đang theo học các ngành thuộc lĩnh vực IT nhất định phải chú trọng việc thực hành, thực tập tại doanh nghiệp, trải nghiệm thật nhiều vị trí khác nhau để có được kinh nghiệm ngay sau khi tốt nghiệp. Ngoài ra, sinh viên IT phải thường xuyên cập nhật, nắm bắt và học hỏi các công nghệ mới đang là xu hướng để tăng thêm giá trị của bản thân trước doanh nghiệp.

Bà Như Trương chia sẻ thêm: "Dịch Covid-19 đang đẩy nhanh việc áp dụng các công nghệ đột phá và tạo cơ hội kinh doanh mới trên thị trường. Vì thế, dự báo những kỹ năng công nghệ trong những năm tới tiếp tục có nhu cầu cao là tự động hóa/người máy, xử lý ngôn ngữ tự nhiên, an ninh mạng, phương pháp luận phát triển phần mềm, AI và máy học, điện toán đám mây, phân tích dữ liệu, blockchain. Ngoài ra, 5 kỹ năng mềm hàng đầu mà doanh nghiệp yêu cầu là khả năng thích ứng, tư duy phát triển, hợp tác – làm việc nhóm, giao tiếp và giải quyết vấn đề".

Theo Mỹ Quyên/TNO

 

Bình luận (0)