Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Cứu vãn học văn bằng đổi mới phương pháp

Tạp Chí Giáo Dục

Chúng ta đều biết xuất phát điểm của vấn đề là đi từ lý thuyết, đó là đổi mới giáo dục theo hướng tích cực lấy học sinh làm trung tâm. Còn từ thực tiễn, xuất phát điểm của đổi mới giáo dục là do tình trạng hiện nay học sinh chạy theo điểm số nên nếu không đổi mới thì sẽ sinh ra chuyện học ảo và bệnh thành tích.

Đổi mới kiểm tra đánh giá bộ môn ngữ văn phải bắt đầu từ việc đổi mới cách dạy và học (ảnh minh họa). Ảnh: A.Khôi

Các trường học hiện nay vẫn đi theo cách đánh giá ở dạng đóng khung khả năng của học sinh. Vừa xa rời vừa không phù hợp với yêu cầu đa dạng của đời sống. Riêng về quá trình đổi mới dạy, học văn tôi xin có ý kiến sau.

1. Đổi mới đánh giá phải bắt đầu từ việc đổi mới cách dạy và học. Bởi vì cách dạy và học quyết định sự đánh giá, kiểm tra. Học thế nào thì phải đánh giá như thế đó và ngược lại. Trong thực tế, trường chúng tôi đã có những đổi mới dạy và học văn, được học sinh yêu thích và đồng nghiệp ghi nhận.

Thứ nhất, là học theo phương pháp bàn tay nặn bột. Với phương pháp này, giáo viên nêu vấn đề, giao công việc theo nhóm học sinh. Trên cơ sở đó học sinh có cơ hội chiếm lĩnh tri thức bằng cách soạn, thuyết trình, thảo luận, viết bài cảm nhận. Có sự hỗ trợ, đánh giá của thầy cô, kiến thức bài học được hoàn chỉnh tại lớp. Trên thực tế, phương pháp này đã thực hiện ở tất cả các khối lớp trong nhiều năm học. Học sinh trưởng thành, tự tin, tiếp cận tốt cách học tập ở bậc ĐH.

Thứ hai, học văn theo dự án. Hiện trường chúng tôi đã thực hiện mùa thứ 3 dự án: “Học văn để trưởng thành”. Dự án trên giúp học sinh học văn được “làm quen” vào đời sống thực tiễn, giúp các em có đôi mắt quan sát, cảm nhận thế giới quanh mình tinh tường hơn. Bên cạnh còn làm phong phú bản thân thông qua những sản phẩm có sự tích hợp kiến thức nhiều môn học, đặc biệt là CNTT. Để xây dựng một sản phẩm văn chương, các nhóm phải sáng tạo, biết cách làm việc nhóm, bao quát thời gian, chủ động kế hoạch…

Từ cách dạy và cách học gần gũi với thực tế thì chất lượng bộ môn ngữ văn mới được cải thiện, và tình yêu bộ môn cũng được vun đắp từ từng bài giảng của mỗi thầy cô.

Thứ ba, mỗi tuần một cuốn sách. Đây là hình thức xây dựng lại chương trình, sắp xếp những tiết luyện tập để thực hiện 1 tiết đọc sách/tuần nhằm nâng cao giá trị văn hóa đọc. Qua hoạt động “Nhật ký đọc sách”, các lớp sẽ tổng kết đánh giá quá trình đọc sách bằng “Tiệc vui học văn thuyết trình sách”. Cuối cùng trong vai các độc giả, học sinh sẽ giới thiệu, chia sẻ cuốn sách hay mình đã đọc một cách chủ động và sáng tạo. Thói quen tốt từ việc đọc sách giúp các em mở rộng tầm nhận thức, tự tin thể hiện mình và làm phong phú tâm hồn trí tuệ qua nhiều kênh văn hóa khác nhau.

2. Muốn đổi mới đánh giá, trước hết phải nhìn lại thực trạng dạy và học văn hiện nay. Mỗi học kỳ môn văn có 8 cột điểm, trong đó chỉ có 1 cột điểm miệng, phần còn lại là đánh giá kết quả qua bài viết ngắn hoặc dài theo hình thức chủ yếu là tự luận. Cách đánh giá như vậy chưa toàn diện, vất vả, nhàm chán cho giáo viên trong quá trình chấm bài. Trong lúc đó học sinh lại “chống đỡ” bằng cách học thuộc, quay bài, sao chép giết chết sự sáng tạo. Học văn – đối với học sinh – bỗng nhiên trở thành một cực hình, khó nuốt vì bài học cũ kỹ, xa lạ với đời sống. Đổi mới kiểm tra, đánh giá còn hướng đến năng lực sử dụng tốt tiếng Việt trong tư duy và giao tiếp thông qua các kỹ năng đọc, nghe, nói, viết. Nếu cách thức kiểm tra, đánh giá phong phú hơn thì người học được trải nghiệm hoàn thiện mình trong mọi kỹ năng về ngôn ngữ. Cách thức đổi mới dựa trên 4 tiêu chí của quá trình học ngôn ngữ: Đọc, nghe, nói, viết.

Về yêu cầu đọc, nghe hiểu văn bản, phải đọc to, rõ, trôi chảy và ở mức tốt là diễn cảm, phải chạy chữ. Việc kiểm tra đánh giá kỹ năng nghe và nói của học sinh nên được tiến hành thường xuyên trên lớp, qua nhiều hình thức như kiểm tra miệng, đặt câu hỏi, trả lời câu hỏi, trao đổi – thảo luận nhóm, cho điểm theo nhóm. Bên cạnh đó cần có nhận xét ưu – khuyết điểm từng học sinh giúp các em khắc phục nhược điểm, phát huy ưu điểm để tự tin, đạt hiệu quả cao hơn trong giao tiếp. Muốn vậy giáo viên thường xuyên tạo cơ hội cho học sinh được thuyết trình, chuẩn bị tốt nội dung thuyết trình về một cuốn sách, về một tác giả trong chương trình học, một nhân vật trong tác phẩm, một tình huống, một chủ đề nghị luận xã hội… Tiếp theo đổi mới kiểm tra đánh giá kỹ năng viết của học sinh bằng cách ra đề theo hướng mở và tích hợp. Một văn bản đọc hiểu luôn kết hợp với bài viết ngắn từ chủ đề của văn bản. Người dạy biết khuyến khích học sinh nêu những suy nghĩ, quan điểm riêng của mình, chấp nhận nhiều cách hiểu và giải quyết vấn đề khác nhau miễn là tư tưởng của người viết không đi ngược lại những chuẩn mực đạo đức và pháp luật mà xã hội đã quy định. Học sinh vận dụng những kiến thức đã học vào giải quyết những vấn đề mà thực tiễn đặt ra một cách có sức thuyết phục, hợp lí, tự nhiên, phù hợp với trình độ của các em. Với học sinh lớp 12, kỹ năng viết tiến hành thường xuyên trong các bài kiểm tra 1-2 tiết, kiểm tra học kì, kiểm tra cuối năm để các em làm tốt bài thi THPT quốc gia…

Nguyễn Thị Ngọc Diệp
(Giáo viên Trường Song ngữ Harizon, TP.HCM)

Bình luận (0)