Các nhà thiên văn ở Đức phát hiện một hành tinh phù hợp với sự sống có thể chứa nước lỏng trên bề mặt, quay quanh ngôi sao mẹ ở cách Mặt Trời 4,5 năm ánh sáng.
Từ khi phóng vào không gian năm 2009, tàu thăm dò Kepler của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) đã phát hiện hơn 4.000 hành tinh ngoài hệ Mặt Trời. Trong số đó, 216 hành tinh giống Trái Đất nằm trong Goldilocks Zone, khu vực có nhiệt độ phù hợp xung quanh một ngôi sao, cho phép nước lỏng tồn tại. Tuy nhiên, những hành tinh này ở cách Trái Đất hàng nghìn năm ánh sáng và hoàn toàn nằm ngoài tầm với của con người, theo News.com.au.
Hành tinh phù hợp với sự sống quay quanh ngôi sao lùn Proxima Centauri ở rất gần Trái Đất.
Sử dụng kính viễn vọng phản xạ ở Đài quan sát phía nam châu Âu (ESO) tại Đức, các nhà thiên văn phát hiện một hành tinh phù hợp với sự sống quay quanhProxima Centauri, một ngôi sao lùn nhỏ màu đỏchỉ cách Mặt Trời khoảng 4,5 năm ánh sáng. Đây là hành tinh có thể tồn tại sự sống gần Trái Đất nhất, có nghĩa con người có thể đi tới hành tinh này.
"Hành tinh chưa được đặt tên rất giống Trái Đất và quay quanh Proxima Centauri ở khoảng cách đủ gần để nước lỏng chảy trên bề mặt, một yếu tố quan trọng để hình thành sự sống. Các nhà khoa học chưa bao giờ phát hiện một Trái Đất thứ hai ở gần đến vậy", tờ Der Spiegel của Đức dẫn lời nguồn tin từ ESO.
Trước đó, các nhà thiên văn học ở đài quan sát ESO khẳng định tìm thấy hành tinh ngoài hệ Mặt Trời gần Trái Đất nhất vào năm 2012, dù phân tích sau đó cho thấy kết quả này không đáng tin cậy. Nguồn tin ở ESO nhấn mạnh phát hiện mới nhất có tính xác thực và là thành quả từ quá trình nghiên cứu chuyên sâu. ESO được kỳ vọng sẽ chính thức công bố phát hiện mới vào cuối tháng 8.
PV (theo khoahoc.tv)
Bình luận (0)