Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

TP.HCM: Chờ ngày “phủ sóng” 1.000 nhà vệ sinh công cộng

Tạp Chí Giáo Dục

Mấy ngày qua, báo chí loan tin TP.HCM sẽ có thêm cả ngàn nhà vệ sinh công cộng (NVSCC) nhằm kịp thời phục vụ nhu cầu của người dân và du khách. Thông tin này đã đem đến niềm vui cho người dân, đặc biệt là những người do đặc thù công việc phải di chuyển nhiều trên đường phố mỗi ngày.

NVSCC cũ cần được nâng cấp, khắc phục tình trạng nhếch nhác để đảm bảo mỹ quan đường phố và phục vụ người dân ngày càng tốt hơn

Đáp ứng nhu cầu thiết yếu

Khi biết thông tin trên, mấy ngày nay, anh Trần Thanh Minh Tú, tài xế hãng Vina Sun, (điều khiển xe BKS 51A 75730) thấy trong lòng rất phấn khởi: “Tôi dự tính những ngày đi làm sắp tới sẽ để ý xem trên các tuyến đường nào chưa có nhà vệ sinh thì sẽ cung cấp thông tin giúp nhà đầu tư có thể khảo sát nhằm bố trí NVSCC sao cho hợp lý cho người dân được nhờ”.

Anh Tú cho biết, những người làm nghề tài xế xe taxi như anh phải di chuyển rất nhiều nơi, cả ngày lẫn đêm, nên nhiều khi rất bất tiện trong việc giải quyết “nhu cầu thiết yếu”. Nhất là khi lưu thông trên những địa bàn ít NVSCC như quận 3, Tân Bình hoặc các quận xa trung tâm như Bình Tân, Bình Chánh, Thủ Đức thì rất cực. Có những lúc “đã có nhu cầu” nhưng vẫn phải “ráng” chạy về quận 1 hoặc những nơi nào có NVSCC để “giải quyết”. Đặc biệt đối với tài xế nữ thì vấn đề này còn vất vả nhiều hơn so với nam giới.

Nếu NVSCC cần thiết cho những người có thể trạng bình thường, thì đối với những người có vấn đề về sức khỏe lại càng cần thiết hơn nữa. Bà Nguyễn Thị Bé, ngụ đường Nguyễn Du (quận 1) cho biết, chồng bà bị suy thận, hay mắc tiểu tiện nên từ khi có NVSCC ở Công viên Tao Đàn, bà mới an tâm cùng chồng đi tập thể dục và hít thở không khí trong lành vào mỗi buổi sáng. Nhờ vậy mà thể trạng của chồng bà ngày càng khỏe khoắn, da dẻ tươi tắn hơn.

TP.HCM hiện có 208 NVSCC có thu phí (do nhiều đơn vị quản lý), trong đó có 155 nhà vệ sinh tập trung ở các tuyến đường, bến xe, chợ và khu du lịch. Tuy nhiên, trong số đó chỉ có 11 NVSCC (chủ yếu tập trung ở quận 1) do Sở GTVT TP phối hợp với Ngân hàng Sacombank xây dựng là đạt yêu cầu. Do đó, trong khi chờ xây dựng hệ thống NVSCC mới, nhiều ý kiến cho rằng TP nên có những biện pháp chấn chỉnh, nâng cấp, khắc phục tình trạng nhếch nhác ở hệ thống NVSCC đã có, nhằm góp phần giữ gìn mỹ quan đường phố và phục vụ nhu cầu của người dân ngày càng tốt hơn.

Không chỉ tài xế, du khách, người có vấn đề về sức khỏe mà tài xế xe ôm, người bán hàng rong hay những người “lỡ đường” đều mong có hệ thống NVSCC để “khi cần thì… kịp”. Ông Trần Văn Bình, 55 tuổi (ngụ quận 6) cho biết, ông làm nghề xe ôm thường hay chờ đón khách cổng bệnh viện, chợ hay các trạm xe buýt. Nhiều khi “nhịn không được nên cũng làm liều trên đường phố hay sau lưng trạm dừng, dù biết đây là hành vi xấu nhưng có nhịn được mãi đâu, xin vào công ty hay trường học thì chẳng có ai cho”. Theo ông Bình, ở một vài trạm dừng xe buýt không chỉ hôi hám với mùi nước tiểu, mà có khi còn bị ô nhiễm nặng do tình trạng “đại tiện” bừa bãi. Nguyên nhân của việc bất đắc dĩ này theo ông Bình cũng là do không có NVSCC.

Thí điểm NVSCC mới từ đầu tháng 9

Được biết hiện TP.HCM có 208 NVSCC có thu phí, do đó để đáp ứng nhu cầu của người dân, chính quyền TP và các đơn vị thực hiện dự án là Công ty cổ phần thương mại và truyền thông Vinasing, Công ty Mister Loo đã thống nhất sẽ xây dựng 1.000 NVSCC mới. Đổi lại, đơn vị đầu tư sẽ được khai thác quảng cáo trong thời gian 15 năm. Dự kiến hệ thống NVSCC sẽ được bố trí ở các vị trí có đông người qua lại như trạm xe buýt, ga xe lửa, Bưu điện TP, Nhà thờ Đức Bà, phố đi bộ Nguyễn Huệ, quán bar…

Theo đó, NVSCC sẽ được thiết kế theo dạng lắp ghép, với diện tích là 25m2 và 40m2, phục vụ 15.000 lượt mỗi ngày, kinh phí khoảng 25.000-40.000 USD/cái. Đặc biệt việc lắp đặt NVSCC này không phải đào đường. Nhờ công nghệ xử lý chất thải tiên tiến với các bể tự hoại (có dòng hồi lưu bằng công nghệ sinh học để xử lý, lọc nước), nên nguồn nước có thể tái sử dụng để tưới cây hoặc tiếp tục được sử dụng làm nguồn xả nước cho nhà vệ sinh. Được biết, phương án thu hồi vốn đã được đơn vị đầu tư đề xuất bằng việc thu phí dịch vụ 5.000-10.000 đồng/khách. Bù lại, khách hàng sẽ được phục vụ máy lạnh, khăn lau tay… khi sử dụng dịch vụ trên. 

Cũng theo dự kiến của các đơn vị đầu tư, hệ thống NVSCC sẽ được thi công trong khoảng thời gian từ 10-12 tháng. Trước mắt, Phó Chủ tịch UBND TP Trần Vĩnh Tuyến yêu cầu đơn vị đầu tư thi công thí điểm trước 1 NVSCC và hoàn thành trước ngày 2-9, để TP xem xét, đánh giá trước khi đi vào thực hiện đều khắp mô hình NVSCC hiện đại này.

Bài, ảnh: Bích Vân

Bình luận (0)