Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Ở rể có mất đi “bản lĩnh đàn ông”?

Tạp Chí Giáo Dục

Do định kiến trong quan niệm truyền thống, cộng thêm tính tự ái cao, nên đàn ông thường chỉ ở làm rể trong tình huống bất khả kháng. Theo quan niệm của đa số đàn ông, ở rể làm họ mất đi “bản lĩnh đàn ông”, không thể hiện được tính quyết đoán, tự lập…

Ảnh chỉ mang tính minh họa. Ảnh: I.T

1.Anh Khai (Q.2, TP.HCM) kể: “Vợ tôi làm căng không chịu cưới nếu ở riêng, nên tôi mới phải về ở rể, chứ ở rể nảy sinh nhiều vấn đề lắm!”. “Vấn đề” khi ở rể mà anh Khai nói là gì? Vợ anh Khai tâm sự: “Dù bố mẹ tôi rất quý trọng anh, nhưng anh luôn cảm thấy mất tự do khi cần đưa ra quyết định nào đó. Sự khác biệt về thế hệ nên có những quan điểm bất đồng mà phận làm con (lại còn ở rể), anh đâu dám ý kiến. Có lần đi nhậu “chén chú, chén anh” với mấy ông đồng nghiệp ở cơ quan về, anh không kiềm chế được, đã kiếm cớ trút hết bao nhiêu ấm ức, bực dọc lên vợ con, rằng anh sẽ quyết tâm mua nhà, đưa vợ con ra ở riêng để bằng anh, bằng em”.

Anh Thanh (buôn bán nhỏ ở Q.Tân Bình, TP.HCM) nói: “Đàn ông phải là trụ cột của gia đình, phải thể hiện năng lực của mình qua việc lo cho vợ con nơi ăn, chốn ở. Chỉ những người yếu đuối, nhu nhược mới chấp nhận ở rể. Trừ trường hợp rơi vào tình huống không thể từ chối, nhưng ở như thế người đàn ông sẽ chịu đựng rất nhiều áp lực.

Mỗi người mỗi hoàn cảnh khác nhau. Dù ở nhà cha mẹ hay vợ không thì người đàn ông cần phải làm chủ bản thân mình, làm sao để tổ chức cuộc sống có ý nghĩa nhất. Chính những người đàn ông vượt qua được những lời gièm pha như vậy mới là bản lĩnh. Đừng để điều đó làm ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của mọi thành viên trong gia đình.

Chị Hồng – con gái duy nhất trong một gia đình ở Q.Bình Thạnh cho hay: “Ngày mới yêu, thấy nhà tôi neo người, ba mẹ tôi lại sống rất thoải mái, chồng tôi đồng ý ở rể, nhưng chỉ sau một vài tháng, anh tìm mọi cách để chúng tôi ra ở riêng, bởi anh không chịu nổi lời đàm tiếu của bạn bè, lối xóm. Nhiều lần chồng tôi về nhà với thái độ hậm hực, anh bày tỏ: “Em thông cảm cho anh, dù đã tự an ủi bản thân, nhưng nhiều khi anh cảm thấy buồn nản hết chỗ nói. Vợ chồng mình ở riêng, vẫn có thể chăm sóc bố mẹ, mà anh lại đỡ bị mọi người cho là thiếu bản lĩnh, nhu nhược bám váy vợ!”. Tôi động viên chồng rất nhiều nhưng anh ấy vẫn rất buồn.

Anh Toàn, chồng chị Hồng tâm sự: “Ai cũng muốn tự do, tự tại trong khoảng trời riêng của mình. Ở rể, dù phải sống trong khuôn phép của một gia đình có nhiều thế hệ nhưng trước đây tôi vẫn  chấp nhận, vì thấy đó cũng là lối sống hòa đồng, ấm áp, giúp ích cho các con tôi sau này. Tuy nhiên, quan niệm của người đời còn phiến diện, cho rằng tôi ở rể là phụ thuộc, dựa dẫm hoàn toàn gia đình vợ, là tiếng nói của mình không có giá trị. Thực ra, chúng tôi vẫn độc lập về kinh tế và nhiều thứ khác. Có nhiều lần, bạn bè “thách đố” tôi có đủ bản lĩnh tổ chức mời bạn bè về nhà nhậu nhẹt. Tôi thẳng thắn mời mọi người ra quán không phải vì không dám tổ chức ở nhà mà là tôi tôn trọng ba mẹ vợ tôi. Ông bà đã lớn tuổi cần không gian yên tĩnh. Vậy mà, chúng bạn lại bảo tôi “thất thế”, không đủ “uy” thế mới buồn, đâm ra nản chí”.

2.Đã đến lúc cần có sự thay đổi trong suy nghĩ và thái độ: dâu hay rể đều là con của hai gia đình, dù là ở rể, làm dâu ở chung hay ở riêng. Với những người đàn ông, cần có suy nghĩ tích cực, tránh bảo thủ cố chấp, tự ti, mặc cảm để rồi tự gây tổn thương trong lòng, ảnh hưởng đến cuộc sống chung. Mỗi người mỗi hoàn cảnh khác nhau. Dù ở nhà cha mẹ hay vợ không thì người đàn ông cần phải làm chủ bản thân mình, làm sao để tổ chức cuộc sống có ý nghĩa nhất. Chính những người đàn ông vượt qua được những lời gièm pha như vậy mới là bản lĩnh. Đừng để điều đó làm ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của mọi thành viên trong gia đình.

Lê Phạm Phương Lan
(Giảng viên tâm lý học –
Trường ĐH Nguyễn Huệ)

Bình luận (0)