Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Vui buồn lao động xứ triệu voi

Tạp Chí Giáo Dục

Tìm công việc bằng xuất khẩu lao động là nhu cầu có thật của một số đối tượng lao động chân chính. Tuy nhiên, cũng như các quốc gia khác, khi từ bỏ quê hương để sang Vương quốc Lào tìm tương lai mới, người đi xuất khẩu lao động được nhiều thứ nhưng mất cũng không ít.

Công nhân Công ty Cao su Dầu Tiếng đang lao động tại Vương quốc Lào (ảnh do nhân vật cung cấp)

Xuất ngoại kiếm tiền

Sau một năm đi xuất khẩu lao động tại Vương quốc Lào, anh Trần Văn Hoàng quê ở Đức Thọ, Hà Tĩnh “dằn túi” được hơn 100 triệu. So với công nhân lao động kỹ thuật, số tiền đó chưa nhiều nhưng cũng đủ trang trải cho người vợ và đứa con trai 2 tuổi đang ở trọ tại TP.HCM. Đó cũng là số tiền của 2 anh em Hồ Viết Lợi, quê ở tỉnh Quảng Trị sau gần một năm xuất khẩu lao động thủ công sang đất nước triệu voi. Cùng xuất ngoại với anh Hoàng và anh Lợi còn có hàng trăm thanh niên khác tại địa phương thuộc các tỉnh miền Trung như Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị. Ông Lục, ở huyện Quảng Trạch, Quảng Bình cho biết: “Làng nào cũng chỉ còn lại người già vì thanh niên ở đây đều bỏ quê đi vào Nam kiếm sống và gần đây là sang Lào xuất khẩu lao động”. Ngay trong nhà người đàn ông gần 60 tuổi này đã có 4 đứa cháu gọi ông bằng chú, cậu, dượng đi làm ăn bằng hình thức du lịch Lào ngắn hạn. Theo ông Lục, hầu hết thanh niên sang Lào làm thợ xây dựng, cầu đường nếu là chị em phụ nữ thì buôn bán. “Nói xây dựng cho oai chứ thực ra là đi làm thợ hồ, phu làm đường ở các công trình xây nhà, sửa cầu cống” – ông Lục phân bua.

Theo thống kê của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH), số lượng lao động Việt Nam trong những năm lại đây đang tăng mạnh. Đại diện Hiệp hội Các nhà đầu tư Việt Nam sang Lào cho biết, hiện có khoảng 13.500 lao động Việt Nam làm việc tại Lào gồm các tập đoàn lớn như Hoàng Anh Gia Lai, Tập đoàn Công nghiệp cao su, Tập đoàn Sông Đà… Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH) Nguyễn Ngọc Quỳnh cho biết, lao động Việt Nam tại Lào chủ yếu theo các dự án hợp tác đầu tư, nhận thầu công trình. Ngoài ra, còn có số lao động đi làm tự do mang tính thời vụ của tỉnh có chung đường biên giới với Lào như Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị.

Anh Hưng – con trai bà Hải sau 5 năm đi Lào về đã có được chút vốn nên ở nhà tu chí làm ăn và dành thời gian nuôi con và phụng dưỡng cha mẹ già. Theo lời kể của anh Hưng, hầu hết người Việt sang đó làm ăn đều không có hộ khẩu. Vì thời gian lưu trú không dài và làm thủ tục chẳng hề đơn giản nên người lao động dùng hộ chiếu gia hạn theo tháng. Hết hạn lại quay về nước.

Số lượng người đi lao động bên Lào đông hơn cả là công nhân của các công ty cao su thuộc các tỉnh miền Đông. Những vùng trồng cao su đều được các công ty khai thác nên rất cần lực lượng người làm việc từ khâu trồng đến thu hoạch và chế biến mủ. Sản phẩm cây cao su lại được lên xe đi xuất khẩu sang thị trường các nước Việt Nam, Trung Quốc, Nhật.

Nỗi buồn nơi xứ người

T. – công nhân của Công ty cao su Dầu Tiếng tiết lộ, tuy giá cả ở Lào có mắc hơn một chút so với Việt Nam nhưng do đồng lương cao nên sống cũng dễ thở hơn. Thời giá hiện tại 1 kíp Lào có thể đổi được 2.750 VNĐ. Nếu lương lao động kỹ thuật 4.000 kíp quy đổi ra VNĐ được hơn 10 triệu. Người lao động miền Trung chịu khó làm ăn và biết tiết kiệm nên hàng tháng cũng kiếm được cả chục triệu. Ngoài tiêu xài họ còn tìm cách dành dụm gửi về quê nuôi cả gia đình. Tuy nhiên do phải thuê mướn nhà nên hàng tháng hầu hết phải mất một khoản chi phí cao.

Cùng  hoàn cảnh xa nhà, một mình đi lập nghiệp nên hầu hết người đi xuất khẩu lao động đều đoàn kết và nặng tình đồng hương. Họ sẵn sàng giúp nhau trong công việc, sinh hoạt nhất là khi gặp khó khăn hoạn nạn.

Tuy nhiên, cái giá phải trả cho những mảnh đời xuất khẩu lao động đôi khi còn lớn hơn cả số tiền mà họ vắt sức lao động để kiếm được. Cũng vì bỏ lại đàn con cho người mẹ già mà anh V. quê ở Kỳ Anh, Hà Tĩnh khổ sở vì chuyện học hành dang dở của 2 đứa con. Cũng vì khuyên chồng đi làm ăn xa mà chị L. quê ở Quảng Trị phải nhìn 2 đứa nhỏ mồ côi cha. Chồng chị không may mất vì một tai nạn lao động, bản thân chị hiện tại phải phụng dưỡng cả cha mẹ chồng già yếu. Không ít người sang bên kia không chịu làm ăn chân chính đã phải vào tù ra tội vì các phi vụ làm ăn bất chính như buôn bán gỗ lậu, động vật quý hiếm và cả buôn hàng cấm, hàng nóng để rồi phải chịu sự trừng phạt của công lý. Nhiều người “có tiền sanh tật” hết cờ bạc, rượu chè, trai gái làm cho hạnh phúc gia đình vốn bền vững, nhưng sau thời gian đi qua bên kia biên giới mà mất hết tất cả.

Nguyễn Hoàng Anh

Bình luận (0)