Trong cái se se lạnh của những ngày đầu năm 2021, tôi có dịp đến thăm Trường THCS An Khánh, thuộc phường An Khánh, quận Ninh Kiều, TP.Cần Thơ. Bước qua cổng trường, tôi thật ấn tượng bởi những hàng cây và chậu kiểng tươi đẹp. Khuôn viên trường toát lên sự ấm áp, thân thiện, với một môi trường xanh, sạch, đẹp…
Tập thể Trường THCS An Khánh
Trong phòng Hiệu trưởng Trương Thế Bảo, đang trao đổi với kỹ sư Đặng Thanh Tâm, về sửa chữa vài hạng mục nhỏ của trường, kinh phí do anh Tâm bỏ ra và vận động người quen. Trước đây anh Tâm là Trưởng ban đại diện hội cha mẹ học sinh (CMHS) của trường. Bây giờ anh là ủy viên Ban thường trực hội CMHS Trường THPT Châu Văn Liêm do con của anh – cháu Đặng Ngọc Phương Như, trúng tuyển vào lớp 10, năm học 2020-2021, của ngôi trường danh tiếng này với điểm số cao. Anh mang ơn Trường THCS An Khánh và thường trở về thăm, tiếp tục hỗ trợ nhà trường. Là người gắn bó với THCS An Khánh từ khi mới đi vào hoạt động (năm học 2017-2018), anh Tâm chia sẻ: Rất quý mến tập thể sư phạm nơi đây, vì: “Ban Giám hiệu rất có tâm, có tầm, nhiều kinh nghiệm chuyên môn, hết lòng chăm lo cho cán bộ, giáo viên (GV); Các thầy cô giáo sống rất tình cảm, nhã nhặn với phụ huynh, tận tụy với học trò. Hồi trường mới thành lập, đa số HS từ các nơi chuyển về, có nhiều em quậy phá. Hội CMHS cùng trường giáo dục số em này, cấp học bổng, hỗ trợ phương tiện học tập những em khó khăn, khen thưởng HS giỏi. Quan trọng là thầy Hiệu trưởng và các thầy cô giáo quan tâm giáo dục, động viên, chăm lo những em này, do vậy số HS cá biệt ngày càng giảm, trường ngày càng đi vào kỷ cương, nền nếp. Đến nay thì không còn HS cá biệt, trường có HS giỏi cấp quận và cấp thành phố, nhiều HS lớp 9 trúng tuyển vào lớp 10 Trường chuyên Lý Tự Trọng và THPT Châu Văn Liêm. Tỷ lệ HS lớp 9 trúng tuyển vào lớp 10 các trường THPT công lập rất cao. Trước đây những gia đình có điều kiện ở phường An Khánh thường tìm cách “chạy” cho con vào học các trường trọng điểm ở nội ô, nhưng bây giờ thì hầu hết cho con học ở đây”.
Học sinh giới thiệu một số sản phẩm do các em sáng tạo từ ứng dụng giáo dục STEAM
Những thành quả trên rất đáng trân trọng đối với ngôi trường mới bước sang tuổi thứ 4, thuộc khu vực ngoại ô này. Được tách ra từ phường An Bình, phường An Khánh là nơi tập trung các khu tái định cư của các dự án, đa số cư dân mưu sinh bằng buôn bán hoặc nghề phổ thông, một bộ phận nhỏ là cán bộ, nhân viên Nhà nước, số HS có hoàn cảnh khó khăn khá nhiều, các em này dễ có nguy cơ bỏ học. Khi mới thành lập, THCS An Khánh có 21 lớp với gần 900 HS. Năm học sau tăng 31 lớp, 1.400 HS. Kết thúc năm học đầu tiên, kỳ thi tuyển sinh lớp 10 công lập, môn ngữ văn có tỷ lệ HS đạt điểm từ trung bình trở lên là 28%, môn toán: 19%. Kỳ thi tuyển sinh lớp 10 năm học 2020-2021: Môn ngữ văn đạt tỷ lệ 68%, môn toán 61,90%. Năm học này trường có 49 lớp, quy mô hơn 2.070 HS. Thầy Trương Thế Bảo bộc bạch: “Lẽ ra quy mô của trường nhiều hơn nhưng do tuân thủ quy định của trường chuẩn quốc gia nên Phòng GD-ĐT quận chuyển các em thuộc khu vực 2 sang học trường THCS khác. Nhiều phụ huynh đến gặp tôi năn nỉ cho con học ở đây. Mình cũng xót lắm, nhưng không thể làm khác được”.
Kỹ sư Đặng Thanh Tâm, cô giáo Nguyễn Thị Lan Phương (hàng bên phải), cô giáo Phan Thị Xuân Hương và em Trần Trung Tín (hàng đối diện)
Theo thầy Hiệu trưởng, để có những thành quả trên, trường được sự quan tâm giúp đỡ của Sở GD-ĐT TP.Cần Thơ, những quan tâm đầu tư và chỉ đạo trực tiếp từ UBND quận và Phòng GD-ĐT quận Ninh Kiều; sự hỗ trợ kịp thời, sâu sát của Đảng ủy, UBND, ban ngành và hệ thống chính trị An Khánh. Trong hoạt động, trường xác định được các vấn đề ưu tiên để tạo bước đột phá về chất lượng toàn diện, như: Đội ngũ GV tích cực đổi mới phương pháp dạy và đánh giá HS theo hướng phát triển năng lực, phẩm chất nhằm phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của mỗi HS. Tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ việc dạy và học. Ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy – học và công tác quản lý. Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, GV. Trong tổng số 104 cán bộ, GV, nhân viên, 100% GV đạt trình độ chuẩn và trên chuẩn, trong đó có 6 thạc sĩ. Các thầy cô đoàn kết cùng Ban Giám hiệu thực hiện đổi mới hoạt động giáo dục, hoạt động tập thể, gắn học với hành, lý thuyết với thực tiễn, tăng cường các hoạt động trải nghiệm giúp HS trang bị những kỹ năng sống cơ bản. Điểm nổi bật nơi thầy cô là trong giảng dạy, luôn ý thức lồng ghép giáo dục đạo đức cho các em, và tạo niềm yêu thích của các em với môn học.
Cô Phan Thị Xuân Hương, Tổ trưởng Tổ sử – địa – Anh văn – âm nhạc – mỹ thuật, chia sẻ: Để thu hút HS, GV dạy sử phải có phương pháp giúp HS tiếp cận kiến thức một cách nhẹ nhàng, không gò bó với những số liệu. Dạy bài mới, GV kể một câu chuyện lịch sử để tạo sự thích thú cho HS. Tổ chức cho HS tham gia trải nghiệm những di tích lịch sử, văn hóa ở trong và ngoài thành phố, đặc biệt là ở TP.HCM. Tổ chức cho HS kể chuyện lịch sử dưới cờ, hái hoa dân chủ hoặc thi ghép hình. Khen thưởng và trưng bày những sản phẩm mỹ thuật có chất lượng của HS…
Tiết dạy theo mô hình giáo dục STEAM
Với môn ngữ văn, thầy Nguyễn Hoài Nam, Tổ trưởng Tổ ngữ văn – giáo dục công dân, cho biết: Tổ thường xuyên dự giờ thăm lớp, chia sẻ kinh nghiệm giảng dạy. Các thầy cô không cứng nhắc trong đánh giá HS, thường tổ chức sân khấu hóa trong giảng dạy, tổ chức thi HS giỏi về giới thiệu, tuyên truyền sách để khuyến khích HS đọc sách nhiều hơn…
Đối với môn toán, lý, cô Nguyễn Thị Lan Phương, Tổ phó toán – lý – tin – kỹ thuật công nghiệp, chia sẻ: Các thầy cô dạy theo năng lực HS, quan tâm những em tiếp thu chậm, nhắc các em kiến thức cũ. Cho bài tập phù hợp và khen thưởng khi các em tiến bộ. Đối với HS khá, giỏi cho bài tập nâng cao để làm ở nhà, không giải được thì trao đổi qua điện thoại với GV. Cô Lan Phương rất “mát tay” trong bồi dưỡng HS giỏi, năm nào cô cũng có HS đạt giải. Kỳ thi HS giỏi cấp thành phố vừa tổ chức, trường có 5 HS đạt giải thì 3 em đạt giỏi Giải toán bằng tiếng Anh, gồm 1 giải nhì, 2 giải ba. Em Trần Trung Tín, lớp trưởng lớp 9A7 đạt giải ba Giải toán bằng tiếng Anh và giải khuyến khích Giải toán bằng máy tính cầm tay… Trường được nhiều Bằng khen của Chủ tịch UBND thành phố. Năm học 2018-2019, Bằng khen của Bộ GD-ĐT. Năm học 2020-2021, trường được Sở GD-ĐT chọn thí điểm triển khai chương trình giáo dục STEM. Dù mới làm quen nhưng STEM đã thổi luồng gió mới trong dạy và học, các em làm khá nhiều sản phẩm như tranh gạo, tranh bằng vỏ ốc, sáng tạo phần mềm điện tử ứng dụng… Thầy Hiệu trưởng đã dành một khu đất làm vườn sinh vật để HS trải nghiệm quá trình trồng các loại rau trái và hoa, đồng thời cùng các tổ bộ môn tích cực chuẩn bị những điều kiện để thực hiện một cách thật hiệu quả, chương trình thay sách giáo khoa lớp 6 vào năm học tới.
Đan Phượng
Bình luận (0)