Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Tên cháu có nghĩa gì?

Tạp Chí Giáo Dục

Cháu gái tôi năm nay vào lớp 10. Cháu là niềm tự hào của anh chị tôi, bốn năm liền ở THCS là học sinh giỏi, có giải thưởng thi học sinh giỏi môn văn cấp huyện nữa. Biết tin cháu trúng tuyển vào lớp 10 của một ngôi trường có tiếng là khá của tỉnh, tôi vui mừng, thu gom đem về tặng cháu một số sách tham khảo môn văn – trong đó có quyển từ điển Hán Việt.

Cầm quyển từ điển trên tay, cháu bảo, mới thấy từ điển Anh – Việt, từ điển tiếng Việt chứ chưa từng thấy quyển sách này. Nói rồi mừng rỡ ngồi lật ra, tra ngay tức thì. Tôi hỏi tra từ gì mà nôn nóng vậy, cháu hồn nhiên nói: “Cháu tra xem tên của cháu có nghĩa gì?”. Ôi trời, tôi tá hỏa luôn. Học sinh giỏi bốn năm THCS mà tên của mình là Thanh Thảo cũng không biết nghĩa là gì. Tôi la cháu một trận, bảo học hành không vững, học chỉ để đối phó nên học sinh giỏi mà không biết nghĩa của từ “thanh”, “thảo”, và yêu cầu phải rèn vốn từ Hán Việt ngay lập tức. Tôi cảnh báo, không có vốn từ Hán Việt thì lên lớp 10 làm sao tiếp cận những văn bản của văn học Trung đại.

Vì không biết rõ nghĩa của từ Hán mà có không ít người hiểu sai, nói sai, viết sai tiếng Việt.

La cháu một trận thì tôi giật mình vì nhớ một câu chuyện. Mấy năm trước tôi dạy lớp 6, đến tiết “Từ mượn” thì học sinh rất hồ hởi, các em chính thức biết tên mình được mượn từ tiếng Hán (rất ít học sinh được cha mẹ đặt tên bằng từ thuần Việt). Rồi các em thi nhau giơ tay, hỏi cô nghĩa của những cái tên: Nguyệt, Minh, Quân, Nhân, Phong, Phú… Tôi cũng lần lượt giải thích nghĩa của những từ Hán Việt đó và ước sao, chương trình học ở phổ thông nên có thêm nhiều tiết để các em được mở rộng vốn từ Hán Việt.

Tôi là giáo viên dạy văn ở một trường THCS và THPT nên có cơ hội dạy ở hai bậc học. Rõ ràng, trong tiếng Việt có một vốn từ Hán Việt rất lớn. Tuy chưa có con số xác định nhưng các nhà ngôn ngữ học thống kê có khoảng hơn 70% từ vựng tiếng Việt. Thế nhưng trong chương trình văn ở phổ thông, ngay từ lớp 7 các em đã được học thơ Đường, vậy nhưng ở lớp 6 các em được trang bị một tiết “Từ mượn” (tất cả các từ mượn của tiếng nước ngoài, không riêng chữ Hán) và lên lớp 7, các em được học 2 tiết “Từ Hán – Việt” nữa. Ngoài các tiết học từ Hán Việt và các văn bản sáng tác bằng chữ Hán có phiên âm ra, nếu trong các tác phẩm văn học khác, có một số từ Hán Việt lạ thì giáo viên cũng chỉ dừng lại ở việc chú thích các từ khó. Có nghĩa, học sinh không có cơ hội để trau dồi vốn từ này.

Tóm lại là thời lượng dành cho việc học từ Hán Việt còn rất ít trong khi tất cả các tác phẩm văn chương, dù sáng tác bằng chữ Quốc ngữ hay chữ Hán, chữ Nôm thì các em cũng buộc phải có một vốn từ Hán Việt tương đối để không hiểu sai ngữ nghĩa của từ. Đó là chưa nói, vì không biết rõ nghĩa của từ Hán mà có không ít người hiểu sai, nói sai, viết sai tiếng Việt.

Là một giáo viên dạy văn, tôi tâm huyết với việc mở rộng vốn từ Hán Việt cho học sinh nhưng việc này tôi chỉ thực hiện được trong các tiết học tự chọn, lồng vào chương trình ngoại khóa. Còn chương trình chính thức trong sách giáo khoa thì có quá ít thời gian cho từ Hán Việt.

Nguyễn Bích

Bình luận (0)