Một số bộ sách giáo khoa (SGK) được Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam (NXBGDVN) tổ chức thực hiện theo chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) năm 2018 đã cụ thể hóa mục tiêu GD trọng tâm “chuyển từ chú trọng truyền thụ kiến thức sang giúp học sinh (HS) hình thành, phát triển toàn diện phẩm chất và năng lực”.
Các đại biểu tham quan các bộ SGK mới ngày 24-10
Ngày 24-10, NXBGDVN tổ chức Hội thảo NXBGDVN với nhiệm vụ đổi mới chương trình và SGK GDPT. Tham gia hội thảo là các đại biểu đến từ 28 tỉnh miền Trung, miền Nam.
Mỗi bộ sách mang bản sắc riêng
Theo NXBGDVN, Hội đồng thẩm định quốc gia đã tiến hành thẩm định 5 bộ SGK lớp 1, trong đó 4 bộ do NXBGDVN biên soạn, gồm: Kết nối tri thức với cuộc sống; Chân trời sáng tạo; Cùng học để phát triển năng lực; Vì sự bình đẳng và dân chủ trong giáo dục. Mỗi bộ sách gắn với một triết lý riêng, mang bản sắc riêng với nội dung kiến thức, cấu trúc, kênh hình, kênh chữ… đáp ứng mục tiêu phát triển năng lực, phẩm chất HS.
Tại TP.HCM, được sự cho phép của Bộ GD-ĐT, Sở GD-ĐT đã cử đội ngũ chuyên viên, GV cùng tham gia với NXBGDVN biên soạn bộ sách Chân trời sáng tạo. Bộ sách là sản phẩm của một TP thông minh, sáng tạo, hiện đại và nghĩa tình; thể hiện được tính năng động, tích cực, tư duy mở, hội nhập; và bám sát định hướng phát triển năng lực, phẩm chất người học.
Bộ sách đã được tổ chức dạy thử nghiệm tại một số trường học, với nhiều trình độ GV và HS khác nhau nhưng đều mang lại những tín hiệu phản hồi rất tích cực. TS. Lê Hồng Sơn – Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM – đánh giá việc biên soạn bộ sách hướng đến giúp HS tiếp cận tri thức một cách nhẹ nhàng. Hình thức và nội dung được biên tập sinh động, hấp dẫn, khoa học và đảm bảo tính tích hợp, phân hóa và liên thông. Hệ thống bài giảng gần gũi, nhiều nội dung có tính trải nghiệm, gắn với thực tiễn, phù hợp tâm sinh lý người học. Do có sự tham gia của nhiều GV đang trực tiếp đứng lớp, bộ sách đảm bảo vừa sức với HS, vừa là công cụ hỗ trợ tích cực cho nhà giáo trong quá trình tổ chức các phương pháp dạy học tích cực. Là một sản phẩm của nền GD miền Nam, bộ sách cũng mang những phong vị người dân Nam bộ, hào sảng, cởi mở, gần gũi, chân tình và rất hiện đại.
“Tôi tin rằng, bộ sách thực sự là một sản phẩm tổng hòa được những kết quả bước đầu của quá trình đổi mới, hội nhập của nền GD TP”, TS. Lê Hồng Sơn nhấn mạnh.
Đánh giá SGK mới không tách rời mục tiêu giúp HS làm chủ kiến thức, kiến thức trong SGK phải “kết nối” với cuộc sống, PGS.TS Bùi Mạnh Hùng – Điều phối viên Ban Phát triển chương trình GDPT (Bộ GD-ĐT) chia sẻ: “Bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống phù hợp với người học. Nội dung phản ánh những vấn đề của cuộc sống gắn với văn hóa và thực tiễn Việt Nam, giúp người học vận dụng kiến thức giải quyết các vấn đề của cuộc sống. Bộ sách đã nhất quán với phương châm “học đi đôi với hành”, thể hiện được tinh thần đổi mới GD theo các Nghị quyết 29 của Đảng và Nghị quyết 88 của Quốc hội về “thực học, thực nghiệp”.
Tại hội thảo, TS. Nguyễn Văn Cường – Đại học Potsdam, CHLB Đức; chuyên gia cố vấn xây dựng SGK của NXBGDVN, cho biết phát triển SGK định hướng phát triển năng lực HS là một xu hướng quốc tế. Những bộ SGK mới lần này, ở đó kiến thức phải được ứng dụng vào giải quyết các tình huống. Đối với GV và HS, cách dạy và học đòi hỏi cũng phải khác đi, nghĩa là phương pháp thực học không còn chủ đạo là GV truyền thụ tri thức cho HS mà GV phải tự tổ chức các tình huống hoạt động để HS lĩnh hội kiến thức thông qua hoạt động; vận dụng kiến thức vào giải quyết bài tập, nhiệm vụ gắn với giá trị cuộc sống. “Đây là đổi mới căn bản phương pháp dạy, học trong việc sử dụng bộ SGK mới”, ông Cường nhìn nhận.
Cần tổ chức hoạt động kiểm tra, đánh giá tương thích mục tiêu đề ra
Năm học 2019-2020 là thời điểm “bản lề” quan trọng trong lộ trình đổi mới chương trình và SGK. Nhiều đại biểu cho rằng, những thách thức của đổi mới SGK sắp tới là phải tổ chức hoạt động kiểm tra, đánh giá một cách tương thích với mục tiêu đề ra, cũng như hình thức trình bày của sách phải hướng đến tạo hứng thú cho người học.
PGS.TS Bùi Mạnh Hùng cho biết: “Kiểm tra, đánh giá phải nhất quán với mục tiêu đề ra, nếu không thay đổi thì ý tưởng đổi mới mô hình chương trình, SGK sẽ không hiệu quả. Mặt khác, hứng thú học tập xuất phát từ nội dung giảng dạy nhưng cũng chịu ảnh hưởng đáng kể bởi hình thức trang sách, do đó vấn đề này cũng phải được chú ý”.
Ở góc độ khác, một số đại biểu quan tâm đến xây dựng giá cả SGK mới; thiết kế thiết bị dạy học phải phù hợp, đồng thời tổ chức tập huấn đội ngũ GV trong việc sử dụng sách. “Mỗi bộ sách có một cách tiếp cận khác nhau, để triển khai hiệu quả, NXBGDVN nên hướng dẫn, tập huấn đội ngũ GV”, TS. Phạm Văn Cường – Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Phú Yên đề xuất.
Trước ý kiến các đại biểu nêu ra, ông Nguyễn Đức Thái – Chủ tịch Hội đồng thành viên NXBGDVN ghi nhận sẽ tiếp tục hoàn thiện kênh hình, kênh chữ, cũng như xây dựng giá cả hợp lý, qua đó cung ứng đầy đủ sách cho HS các địa phương và sẽ có đầy đủ các thiết bị, học liệu kèm theo.
TP.HCM sẵn sàng tham mưu UBND TP lựa chọn bộ sách phù hợp Theo ông Nguyễn Văn Hiếu – Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, 4 bộ SGK do NXBGDVN biên soạn đều đáp ứng được yêu cầu phát triển năng lực, phẩm chất HS và được Bộ GD-ĐT thẩm định. Do đặc điểm vùng miền nên bộ sách Chân trời sáng tạo phù hợp khu vực về hình ảnh, nội dung và quan trọng là hỗ trợ GV trong quá trình đổi mới phương pháp dạy học, đây là định hướng xuyên suốt các bộ sách từ tiểu học đến THPT. Hiện Bộ GD-ĐT chưa ban hành thông tư lựa chọn bộ sách nào nhưng Sở GD-ĐT TP.HCM đã sẵn sàng tham mưu UBND TP.HCM về việc lựa chọn bộ SGK cho xây dựng chương trình SGK sắp tới, trên tinh thần bộ sách mang đầy đủ yêu cầu chuyên môn Thông tư 32 ban hành chương trình GDPT của Bộ GD-ĐT. Trước khi thực hiện chương trình GDPT năm 2018, thực hiện chỉ đạo của Bộ GD-ĐT, tất cả các cấp học từ tiểu học đến THPT tại TP.HCM đã có những đổi mới trên tinh thần chương trình GDPT hiện hành và thực hiện những đổi mới về phương pháp dạy học, kiểm tra, đánh giá nhằm hướng đến phát triển năng lực, phẩm chất người học. Với sự chuẩn bị này, đội ngũ không còn bỡ ngỡ khi tiếp cận chương trình, SGK mới trong thời gian tới. Sở GD-ĐT TP.HCM cũng vừa làm việc với Trường ĐH Sư phạm TP.HCM lên kế hoạch tập huấn tất cả GV. Trước mắt tập huấn cho đội ngũ cốt cán, sau đó đội ngũ này cùng giảng viên chủ chốt Trường ĐH Sư phạm tập huấn đại trà cho tất cả GV dạy lớp 1 vào năm học 2020-2021. Dự kiến khoảng 5.000 GV tập huấn đợt 1 trong thời gian tới. |
Liên quan đến tập huấn đội ngũ, ông Thái thông tin vừa qua các GV cốt cán chương trình tổng thể đã được tập huấn bởi Vụ GD, các dự án, các trường sư phạm. Với đội ngũ GV sử dụng các bộ SGK mới, NXBGDVN sẽ xây dựng 2 phương án tập huấn, có thể trực tiếp phối hợp từng sở GD-ĐT, cụm, khu vực và người trực tiếp viết sách sẽ thực hiện tập huấn. Hoặc tập huấn qua mạng, thông qua các bài giảng mẫu, có sự tương tác giữa GV và HS với đội ngũ tập huấn của NXBGDVN. Mỗi cán bộ quản lý, GV, HS sẽ có những tài khoản vào cổng điện tử của NXB.
“Thời gian tới NXB sẽ phối hợp các sở GD-ĐT tổ chức hội thảo, mở các lớp tập huấn GV với yêu cầu chương trình, phương pháp dạy học SGK mới một cách sát hợp, hiệu quả nhất”, ông Thái cho biết.
Được biết, bên cạnh SGK giấy, NXBGDVN còn triển khai SGK điện tử, các tư liệu, giải pháp công nghệ hỗ trợ giảng dạy dành cho GV.
Nguyễn Trinh
Bình luận (0)