Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

8 nguyên nhân phổ biến gây ho kéo dài

Tạp Chí Giáo Dục

Bạn đã bị ho nhiều tuần. Tình trạng này có thể do cảm lạnh nhưng cũng có thể do bệnh nào đó nghiêm trọng hơn. Dưới đây là những nguyên nhân phổ biến gây ho kéo dài:

Hen và dị ứng

Hen là bệnh phổi mạn tính trong đó đường thở trong phổi dễ bị viêm và sưng. Cùng với tức ngực, khó thở, ho là một triệu chứng đặc trưng của hen, thường có xu hướng tăng nặng vào đêm và sáng sớm. Khi các triệu chứng của hen bùng phát đột ngột được gọi là lên cơn hen.

Ngay cả ở những người không bị hen, việc hít phải phấn hoa, bụi, lông vật nuôi và những chất kích thích khác trong không khí có thể gây ho kèm theo các triệu chứng như nghẹt mũi và hắt hơi.

Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD)

COPD xảy ra khi đường thở và các phế nang trong phổi bị viêm hoặc bị tổn thương, thường do hút thuốc lá và hay gặp hơn sau tuổi 45. Trong bệnh COPD, phổi sản sinh quá nhiều chất nhầy, cơ thể theo phản xạ cố gắng đẩy ra bằng cách ho. Tổn thương mô liên quan tới COPD có thể cũng có thể khiến bạn cảm thấy khó thở.

Bác sĩ có thể sẽ kiểm tra COPD (đặc biệt nếu bạn hút thuốc lá), sau khi loại bỏ những nguyên nhân phổ biến gây ho. Để xác định bạn có bị COPD hay không, bác sĩ có thể sẽ thực hiện các xét nghiệm bao gồm đo phế dung.

ho kéo dài
Có nhiều nguyên nhân dẫn tới bị ho kéo dài. Hình minh họa.

Trào ngược dạ dày thực quản (GERD)

GERD là tình trạng xảy ra khi axít trong dạ dày trào ngược lên thực quản do van yếu. Triệu chứng chính của bệnh này là ợ nóng, ho cũng là một triệu chứng phổ biến khác, có thể kèm theo đau ngực và thở khò khè. Trên thực tế GERD là một nguyên nhân khá phổ biến nhưng không dễ nhận biết.

Nhiễm trùng đường hô hấp

Ho là một trong những triệu chứng phổ biến nhất của cảm lạnh và cúm và các nhiễm trùng hô hấp khác. Ho có thể tồn tại lâu hơn các triệu chứng khác (như ngạt mũi và sốt), có lẽ là vì đường thở trong phổi vẫn nhạy cảm và bị viêm. Khi tình trạng này xảy ra, nó được gọi là hội chứng ho do viêm đường hô hấp trên mạn tính.

Một nhiễm trùng đường hô hấp nghiêm trọng hơn là viêm phổi, có thể gây ra do vi khuẩn hoặc vi-rút. Ho, thường có đờm màu xanh lục hoặc gỉ sắt, là một trong những triệu chứng đặc trưng của bệnh, cùng với sốt, ớn lạnh, yếu, mệt và buồn nôn.

Ô nhiễm không khí

Các chất ô nhiễm và chất kích thích trong không khí có thể gây ho kéo dài. Thậm chí tiếp xúc ngắn với khói bụi (như khí thải diesel) cũng có thể gây ho, có đờm và kích thích phổi. Khói bụi cũng có thể làm trầm trọng thêm dị ứng hoặc hen.

Tương tự, các bào tử nấm mốc có ở trong và xung quanh nhà có thể gây khó thở và ho khi hít vào.

Viêm phế quản cấp

Nếu bạn vừa qua cơn cảm lạnh và đột nhiên bị ho khan, ho có đờm, bạn có thể bị viêm phế quản cấp, tình trạng đường dẫn khí trong phổi bị nhiễm trùng và viêm. Ngoài ho và sung huyết ở phổi, viêm phế quản có thể gây sốt, ớn lạnh, đau nhức cơ thể, đau họng và các triệu chứng giống cúm khác. Những triệu chứng này thường hết trong vòng vài ngày nhưng ho có thể kéo dài nhiều tuần.

Nếu ho không dứt hoặc nếu bạn bị viêm phế quản cấp thường xuyên, đây có thể là dấu hiệu của viêm phế quản mạn tính. Viêm phế quản mạn tính là tình trạng nghiêm trọng trong đó phổi sản sinh quá nhiều chất nhầy do bị kích thích và được coi là một dạng COPD.

Các chất ức chế men chuyển angiotensin (ACE)

Các chất ức chế ACE là loại thuốc được sử dụng để điều trị huyết áp cao và suy tim. 1/5 số người uống các thuốc này sẽ bị ho khan. Ở một số người ho có thể kéo dài nhiều tuần sau khi ngừng uống thuốc. Tuy nhiên, vì các thuốc này quan trọng với người bị huyết áp cao nên bạn không nên tự ý dừng thuốc mà không hỏi ý kiến bác sĩ. Hãy đến gặp bác sĩ nếu cho rằng tình trạng ho của bạn có liên quan tới thuốc.

Ho gà

Ho gà là một bệnh do vi khuẩn với các triệu chứng bao gồm sốt nhẹ, sổ mũi và đáng chú ý nhất là ho dữ dội có thể khiến cho việc thở trở nên khó khăn. Cố gắng hít không khí vào phổi giữa các cơn ho có thể gây ra âm thanh rít. Sau giai đoạn khởi phát ban đầu, nhiều người không bị sốt nhưng ho có thể kéo dài nhiều tuần

BS Cẩm Tú

(Theo suckhoedoisong.vn)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)