Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Trường cao đẳng, trung cấp: Lo sinh viên không trở lại vì nghỉ dịch Covid-19

Tạp Chí Giáo Dục

Với người học đa số là sinh viên ngoại tỉnh, có hoàn cảnh gia đình khó khăn, các trường cao đẳng, trung cấp lo ngại các em sẽ không quay lại trường do đi làm trong thời gian nghỉ học quá dài để tránh dịch Covid-19.
Đặc thù của giáo dục nghề nghiệp là thực hành gắn với lý thuyết nên khó đào tạo trực tuyến trong thời gian nghỉ dịch Covid-19	 /// M.Q
Đặc thù của giáo dục nghề nghiệp là thực hành gắn với lý thuyết nên khó đào tạo trực tuyến trong thời gian nghỉ dịch Covid-19. M.Q
Quen đi làm rồi, ngại đi học
Trong những ngày này, rất nhiều sinh viên (SV) Trường CĐ Bách Việt gọi điện đến trường hỏi khi nào đi học trở lại. Tiến sĩ Trần Mạnh Thành, Phó hiệu trưởng nhà trường, kể: “Các em rất mong được đi học trở lại, nhưng do dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp nên theo chỉ đạo của UBND TP.HCM, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp sẽ tiếp tục nghỉ hết tháng 3. Trong số đó, chúng tôi nhận được tâm sự của nhiều SV thổ lộ vì gia đình khó khăn nên thời gian qua phải đi kiếm việc làm thêm. Các em chưa biết có thể quay lại trường học tiếp được hay không. Chắc chắn sau đợt nghỉ này sẽ có em bỏ học vì hoàn cảnh như vậy”.
Theo tiến sĩ Trần Mạnh Thành, không ít SV chọn học CĐ, trung cấp (TC) vì điều kiện gia đình không khá giả, muốn tốt nghiệp nhanh để ra đi làm có thu nhập. “Vì thế, thời gian nghỉ dịch này, các em không thể ngồi không, mà sẽ kiếm việc làm thêm. Quen đi làm rồi, các em lại thấy ngại đi học. Đó là một thực tế”, tiến sĩ Trần Mạnh Thành nhìn nhận.
Cũng lo lắng về vấn đề này, tiến sĩ Phan Thị Hải Vân, Phó hiệu trưởng Trường CĐ Kinh tế – Kỹ thuật Vinatext, chia sẻ: “Với những em học lực thấp, ý thức học tập chưa cao, chọn CĐ, TC chỉ vì không có khả năng đậu ĐH chứ không phải vì mong muốn có một nghề nghiệp thực sự, thì rất có khả năng sẽ nghỉ học luôn”.
Tiến sĩ Bùi Văn Hưng, Phó hiệu trưởng Trường CĐ Kỹ nghệ 2, cũng cho rằng nhiều SV tranh thủ đi làm phụ giúp gia đình trong dịp này. Nếu kiếm được công việc yêu thích và có thu nhập, có lẽ sẽ không muốn trở lại trường nữa.
Để động viên tinh thần học sinh, SV, hạn chế ý định nghỉ học của các em, các trường CĐ, TC trong thời gian qua vẫn thường xuyên liên lạc, tạo mối liên hệ gắn kết giữa SV với thầy cô, nhà trường.
Vay ngân hàng để trả lương giáo viên
Đối với các trường CĐ, TC tự chủ tài chính và ngoài công lập, nghỉ học dài vì dịch Covid-19 đã khiến một số trường lao đao vì tài chính bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Phó hiệu trưởng một trường CĐ ở Q.Thủ Đức, TP.HCM, bày tỏ: “Mặc dù là trường công lập nhưng chúng tôi tự chủ gần hết. Nguồn tài chính chính là từ học phí của SV. Tết xong, nếu các em đi học là trường bắt đầu thu học phí học kỳ 2, nhưng đến nay gần 2 tháng rồi, chúng tôi chưa thu được đồng nào. Trường đang cố gắng cân đối nhưng có lẽ chúng tôi phải xoay xở bằng cách đi vay ngân hàng để trả lương giáo viên và lo các chi phí khác”.
Tiến sĩ Đặng Văn Sáng, Hiệu trưởng Trường TC Bách khoa TP.HCM, cũng cho hay trường đang gặp khó khăn do vẫn trả lương đầy đủ cho giáo viên, trong khi học phí chưa thu được. Theo tiến sĩ Sáng, mỗi tháng trường phải chi khoảng 500 triệu đồng cho các khoản, chưa kể phát sinh. Vì thế, trường cũng phải vay ngân hàng để trả lương cho giáo viên, tiền mặt bằng và các chi phí khác. “Nếu nghỉ đến hết tháng 3 thì trường chịu được, nghỉ thêm nữa thì chưa biết tính toán như thế nào. Tuy nhiên, đây là tình hình chung. Để vượt qua khó khăn này, chúng tôi rất mong Chính phủ có chính sách hỗ trợ các đơn vị, từ doanh nghiệp đến trường học”, tiến sĩ Sáng đề xuất.
Tiến sĩ Lê Lâm, Hiệu trưởng Trường CĐ Đại Việt, cũng cho rằng trong thời gian này, rất nhiều trường ĐH, CĐ, TC rơi vào hoàn cảnh khó khăn về tài chính, phải vay ngân hàng để xoay xở. Vì thế, ông Lâm mong muốn Ngân hàng Nhà nước hỗ trợ bằng cách miễn giảm lãi vay hoặc cho khoanh nợ để các trường an tâm, tiếp tục ổn định công tác đào tạo và tuyển sinh.
Theo Mỹ Quyên/TNO

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)