Hạn hán đang bủa vây khu vực Tây Nguyên. Tại một số huyện ở Gia Lai, Đắk Lắk, lúa “chết như ngả rạ” do không có nước tưới. Chính quyền đang lên phương án hỗ trợ người dân cứu hoa màu, tái sản xuất trong những tháng sắp tới…
Lúa chết khô được người dân xã Cư Pui (huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk) gặt, chất đống để dành cho bò ăn.
Lúa chết khô, dân cắt cho bò ăn
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) Đắk Lắk, đến giữa tháng 3.2020, toàn tỉnh có đến hơn 1.000ha hoa màu chịu ảnh hưởng nặng nề bởi hạn hán. Trong đó, có đến gần 500ha vụ đông xuân đến mùa thu hoạch thiếu nước tưới trầm trọng. Phần lớn trong số đó đã chết khô, tập trung ở hai huyện Krông Bông và M’Đrắk.
Cũng tại hai huyện trên, nhiều hồ đập đang dần cạn nước. Các công trình thủy lợi khác tuy vẫn duy trì hoạt động nhưng nếu khô hạn kéo dài, rất khó khăn để cung ứng đủ nước cho cây trồng đến hết mùa khô.
Chị H’Duen – Drao (ngụ buôn Khoắh, xã Cư Pui, huyện Krông Bông) cho biết, vựa lúa đông xuân của cả xã đang đến mùa thu hoạch nhưng gặp hạn hán nghiêm trọng, nước không đủ tưới nên chết khô rất nhiều. Người dân đành cắt cho bò ăn, tránh lãng phí. Đã 4 tháng, khu vực này không có lấy một giọt mưa. Bà con trong vùng hiện mỗi ngày cứ ra đồng đều đặn 8 tiếng chỉ để cắt bỏ cho bò ăn. Bao nhiêu công sức gieo trồng, chăm bón giờ đổ xuống sông xuống biển.
Huyện Krông Bông (Đắk Lắk) đang là nơi đang chịu ảnh hưởng nặng rất nề bởi hạn hán. Thống kê của Phòng NNPTNT huyện, toàn huyện đang có 260ha cây trồng ngắn ngày bị khô hạn nghiêm trọng, trong đó có hơn 150ha lúa. Phần lớn diện tích khô hạn nằm ngoài kế hoạch sản xuất của địa phương. Nông dân chủ yếu tận dụng nguồn nước tự nhiên từ khe suối để gieo trồng dẫn đến đối mặt với nhiều rủi ro do khô hạn.
Tại Gia Lai, hạn hán cũng đang có những diễn biến rất phức tạp, khó lường. Cập nhật của Sở NNPTNT đến giữa tháng 3.2020, địa bàn tỉnh đã có hơn 300ha lúa nước vụ đông xuân hiện đến kỳ thu hoạch bị thiệt hại do hạn hán kéo dài. Trong đó, 70% bị chết khô, số còn lại đang thiếu nước tưới tiêu, tập trung chủ yếu ở các huyện Đắk Đoa, Mang Yang… Con số thiệt hại trên chắc chắn sẽ không dừng lại ở đó vì hiện rất nhiều sông, hồ vừa và nhỏ ở tỉnh này đang dần cạn kiệt.
Xem xét phương án hỗ trợ người dân
Ông Đoàn Ngọc Có – Phó Giám đốc (phụ trách) Sở NNPTNT Gia Lai – nói rằng: “Hy vọng diện tích lúa nước bị thiệt hại thấp vì chúng tôi đã sớm lên các phương án trữ nước, phục vụ tưới tiêu từ trước Tết Nguyên đán. Vài tuần tới, khi bà con kết thúc vụ đông xuân 2019-2020, chúng tôi sẽ yêu cầu thống kê chi tiết thiệt hại để lên phương án hỗ trợ cho người dân, không để họ phải bỏ ruộng đồng”.
Phòng NNPTNT huyện Krông Bông cho biết, sẽ thống kê danh sách người dân bị thiệt hại, xin UBND huyện hỗ trợ kinh phí để họ tái sản xuất. Đơn vị cũng sẽ lập các trạm bơm dã chiến đưa nước từ sông lên hoặc điều tiết nước từ công trình thủy lợi ở sông Krông Kmar về ‘’giải khát’’ cho cây trồng.
Ông Nguyễn Văn Tâm – Chủ tịch UBND xã Cư Pui – cho hay, đã chi 300 triệu đồng từ nguồn ngân sách dự phòng kết hợp với gần 100 triệu đồng (người dân đóng góp) để giúp bà con kéo đường điện dài hơn 2km, bơm nước sông Krông Bông lên tưới cho cây trồng. Bên cạnh đó, chính quyền sẽ hỗ trợ mỗi người dân có diện tích cây trồng gặp hạn 1 triệu đồng/ha để tiến hành bơm tưới.
Ông Trần Thế Hoan – Giám đốc Cty Quản lý Công trình Thủy lợi Đắk Lắk – cho biết, để phục vụ cho vụ đông xuân 2019-2020, đơn vị đã cố gắng rất nhiều để cấp đủ nước cho hơn 50.000ha hoa màu. “Trước tình hình hạn hán đang diễn biến hết sức phức tạp, chúng tôi sẽ tiến hành điều tiết, phân bổ tiết kiệm nguồn nước ở khoảng 300 công trình thủy lợi đang quản lý để cố gắng đảm bảo cung ứng đủ cho nông sản của người dân trong những tháng sắp đến” – ông Hoan nói.
Bình luận (0)