Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Đẹp mãi những vần thơ độc lập!

Tạp Chí Giáo Dục

Ngày 2-9-1945 đã trở thành cột mốc huy hoàng của dân tộc Việt Nam khi Chủ tịch Hồ Chí Minh trang trọng bước lên lễ đài đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa (nay là Cộng hòa XHCN Việt Nam). Không chỉ hiện hữu trong từng bản nhạc, sự kiện trọng đại và vẻ vang của đất nước sẽ sống mãi cùng thời gian trong từng ý thơ với niềm tự hào bất tận.

Hồ Chủ tịch đọc bản Tuyên ngôn độc lập ngày 2-9. Ảnh: I.T

Trong chặng đường thơ sau năm 1945, xúc cảm tự hào về ngày Quốc khánh nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa vẫn tươi mới là động lực để cho cảm hứng của nhà thơ tiếp tục tuôn chảy.

Náo nức vần thơ cướp chính quyền

Hơn 70 mùa thu đã qua đi nhưng mỗi khi đến ngày kỷ niệm Quốc khánh nước Cộng hòa XHCN Việt Nam trái tim mỗi người dân lại dâng trào cảm xúc như được sống lại những ngày đầu nước cộng hòa non trẻ mới ra đời. Đó cũng là  hạnh phúc tươi nguyên của các thi sĩ thuộc thế hệ cha anh khi được tắm mình trong không khí náo nức và thiêng liêng đó. Mỗi lần đọc lại những vần thơ viết trong những ngày Cách mạng tháng Tám và đặc biệt là giây phút thiêng liêng vang vọng lời thề tuyên ngôn dựng nước trên Quảng trường Ba Đình. Từ trong máu lửa sinh ra với bao nhiêu gian khổ, ngày vui của cả dân tộc đã thật sự có ý nghĩa cao cả.

Là con người sinh ra ở Huế và chứng kiến được những ngày tháng reo vui của toàn dân tộc, nhà giáo Ngô Triều Sơn – nguyên cán bộ Đoàn K 33 thời chống Mỹ vẫn không quên không khí náo nức trong bài thơ Huế tháng TámVui bất tuyệt của “lá cờ đầu thơ ca cách mạng” Tố Hữu. Ngay từ trong đêm trước của cuộc khởi nghĩa, người chiến sĩ cách mạng đã cảm nhận được sự thay đổi khác lạ của cả kinh thành: “Huế trầm mặc hôm nay sao khác khác. Những mắt huyền ngơ ngác hỏi thầm nhau”. Tất cả như một lời tiên đoán về cơn bão cách mạng sẽ tràn về. Không còn đợi chờ lâu, chỉ ngay sau đó ngọn lửa cách mạng đã thổi bùng khắp nơi trong nỗi niềm dâng trào nước mắt: “Chừ đây Huế, Huế ơi! Xiềng gông xưa đã gãy. Hãy bay lên! Sông núi của ta rồi!”. Lớn nhanh bằng sức trai Phù Đổng, cả dân tộc ta nhất tề đứng dậy trong niềm mơ tưởng như không phải thực: “Vàng vàng bay đẹp quá, sao sao ơi! Ta ngã vật trong dòng người cuộn thác”. Sức mạnh của đoàn người hướng về lá cờ đỏ sao vàng biểu trưng cho ý chí độc lập tự do của dân tộc như dòng thác lũ.

Với HS lớp 12 dù đã xa rời mái trường THPT nhưng các em vẫn không thể nào quên được từng câu thơ đẹp trong bài Đất nước của Nguyễn Đình Thi: “Mùa thu nay khác rồi. Trời thu thay áo mới. Trong biếc nói cười thiết tha”. Đứng giữa đất trời cao rộng, từ trong lồng ngực chan chứa niềm vui nhà thơ thốt vang: “Trời xanh đây là của chúng ta. Núi rừng đây là của chúng ta”. Một câu thơ vô cùng giản dị tưởng chừng như quá đơn sơ nhưng biết bao máu xương đổ xuống suốt mấy trăm năm mới cất lên được trọn vẹn một lời.

Tuyên ngôn Bác đọc vang trời đất

Thế hệ trẻ Việt Nam dù đi cùng trời hay cuối đất vẫn khắc tâm bài giảng Tuyên ngôn độc lập được Bác Hồ đọc trang trọng tại vườn hoa Ba Đình trong ngày khai sinh đất nước với lời thề bất hủ:  “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”. Qua bốn ngàn năm thêu dệt gấm vóc non sông, cùng với Nam quốc sơn hà của Lý Thường Kiệt và Cáo Bình Ngô của Nguyễn Trãi có thể coi đây là bản Tuyên ngôn độc lập thứ 3 của lịch sử nước Nam. Nhớ mùa thu Bác Hồ đọc Tuyên ngôn độc lập, từng nhà thơ đều không quên thời khắc quá đỗi thiêng liêng. Khi nhìn lại dòng lịch sử, mỗi nhà thơ đều mang một cảm xúc riêng để có những vần thơ đẹp của bầu trời thu ngày mới: “Tháng Tám mùa thu xanh thẳm. Mây nhởn nhơ bay hôm nay trời đẹp lắm. Mây của ta trời thắm của ta. Nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa” (Ta đi tới).

Trong bài Theo chân Bác, nhà thơ Tố Hữu đã dành một khổ thơ dài để phác họa rõ hơn không khí thiêng liêng và cảnh sắc tươi đẹp của ngày 2-9 lịch sử: “Hôm nay sáng mùng hai tháng chín. Thủ đô hoa vàng nắng Ba Đình. Muôn triệu tim chờ, chim cũng nín”. Tiếng hô reo của hàng triệu tấm lòng trong biển người như tiếng hát ngân nga: “Bỗng vang lên tiếng hát ân tình. Hồ Chí Minh. Hồ Chí Minh”. Đẹp biết bao hình ảnh người Cha già đứng trên cao nhìn xuống vẫy chào cờ hoa rực rỡ: “Người đứng trên cao lặng phút giây. Trông đàn con đó, vẫy hai tay. Cao cao vầng trán ngời đôi mắt. Độc lập bây giờ mới thấy đây”. Đó là hình ảnh nước Việt Nam từ máu lửa rũ bùn đứng dậy sáng lòa để trở thành ngọn đuốc tiên phong soi sáng đêm đông cho các dân tộc bị áp bức trên trái đất nhiều tăm tối.

Với nhà thơ Đức Chính, ngày tuyên ngôn dựng nước vang lên giữa vườn hoa Ba Đình là ngày nắng đẹp nhất: “Tuyên ngôn Bác đọc vang trời đất. Độc lập Người thề vọng núi sông. Tháng Tám chói ngời trang lịch sử. Ngàn năm xứng mãi với cha ông”. Từng câu thơ về ngày Quốc khánh mồng 2 tháng 9 càng lấp lánh thêm vẻ đẹp chói ngời của con người cả một đời vì nước vì dân: “Giọng của Người không phải sấm trên cao. Thấm từng tiếng ấm vào lòng mong ước. Con nghe Bác tưởng nghe lời non nước. Tiếng ngày xưa và cả tiếng mai sau” (Sáng tháng Năm). Mùa thu lịch sử dần lui về quá khứ nhưng lời Bác đọc tuyên ngôn thuở trước vẫn nồng ấm và vang vọng mãi đến muôn đời.

Ngọc Quang

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)