Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Muôn mặt chợ đầu mối

Tạp Chí Giáo Dục

Nằm ở cửa ngõ phía Đông TP.HCM, chợ nông sản thực phẩm Thủ Đức là một trong 3 chợ đầu mối của TP.HCM. Sau hơn 10 năm hoạt động, chợ đầu mối nông sản Thủ Đức đã trở thành nét riêng mang tính đặc thù của một TP lớn.

Chợ đầu mối nông sản Thủ Đức

Có thêm công ăn việc làm cho người dân

Nếu các chợ nhỏ truyền thống thường họp vào lúc bình minh thì chợ đầu mối trong đó có chợ nông sản thực phẩm Thủ Đức bắt đầu “lên đèn” từ lúc gần nửa đêm. Lúc mọi người chuẩn bị lên giường đi ngủ trong yên tĩnh thì tại chợ đầu mối không khí bắt đầu nhộn nhịp hẳn. Bà Hương – một chủ vựa trái cây trong nhà lồng chia sẻ, tôi lên võng ngủ lúc chập tối đến khoảng 10 giờ là tỉnh giấc chuẩn bị công việc cho “một ngày mới” vì theo bà ở đây muốn ngủ nướng cũng không được vì lúc này các loại xe máy, xe tải lớn xe tải nhỏ bắt đầu rú ga và kéo còi inh ỏi. Khi từng đoàn xe tải lớn kéo vào, các chủ vựa lấy sổ sách ra nhận hàng. Hàng được cửu vạn bốc xuống đất và sau đó chuyển vào khu nhà lồng. Mùa nào thức nấy, chủ yếu là các loại trái cây chở từ miền Tây, miền Bắc, miền Trung vào. Nếu các chợ nhỏ hàng lấy vào tính bằng ký thì hàng ở đây tính bằng yến (10 ký), tạ, tấn. Tất cả đều cho vào thùng, hộp đóng đai cẩn thận còn nguyên sê-ri như khi xuất hàng. Hàng có thể nhập theo đơn đặt hàng của chủ vựa nhưng cũng có khi phải phụ thuộc vào nguồn cung cấp nhất là thời điểm hoa quả cuối vụ trái mùa. Khác với trái cây, các loại rau củ luôn ổn định về mặt hàng vì luôn có đủ 4 mùa.

“Chợ đầu mối nông sản Thủ Đức chuyên ngành kinh doanh là hàng nông sản gồm trái cây, rau, củ, có trên 1.200 điểm và trên 1.000 người kinh doanh. Số lượng hàng hóa về chợ ngày càng tăng, người kinh doanh cũng theo đó nên có dao động, mặt bằng hiện nay không đảm bảo cho lượng xe tải, xe container về chợ hàng đêm tại các bến bãi, lối đi, vừa qua có nhờ vào sự hỗ trợ của các phường thuộc Q.Thủ Đức sắp xếp chỗ đậu, tạo điều kiện thuận lợi cho chợ trong các đợt lễ, cúng và chợ Tết. Công ty Chợ đầu mối nông sản Thủ Đức có kế hoạch thường xuyên tổ chức sắp xếp bãi đậu xe, điều xe lên xuống hàng để sao cho hàng hóa nhanh chóng để phục vụ người kinh doanh” – bà Nguyễn Thanh Hà – Phó Giám đốc Công ty TNHH Quản lý và kinh doanh chợ nông sản Thủ Đức cho biết.

Mặc dù được di dời từ chợ cũ Cầu Muối về nhưng hầu hết các thành viên trong “gia đình” này vẫn không thay đổi. Anh Hữu – một chủ vựa rau cho biết, gia đình mấy đời bám vào chợ đầu mối để sinh sống nên sau khi chợ chuyển ra Thủ Đức, ba mẹ anh đành bán căn nhà nhỏ ở Q.4 để ra Q.9 mưu sinh cho thuận lợi. Theo anh Hữu, ngoài một số hộ kinh doanh mới hầu hết đều bám vào nghề cũ nên nhiều người vẫn có công việc ổn định. Chợ di dời một số người lại có thêm việc làm. Đó là lực lượng “ăn theo” như dịch vụ xe ôm, xe đẩy, bốc vác, bán hàng rong, dọn vệ sinh… Nếu trước đây xe tải lớn rất khó khăn khi vào khu vực trung tâm đổ hàng thì nay do bến bãi rộng nên việc tập kết thoải mái hơn, ít bị kẹt xe tắc đường như trước đây.

Mặt trái của chợ đầu mối

Chị Minh – một tiểu thương bán hoa quả ở chợ Nguyễn Văn Trỗi, Q.3 cho biết, lâu nay chị chỉ lấy hàng của người quen từ dưới quê mang lên bán dù mắc hơn 1 giá chứ không dám lấy hàng từ chợ đầu mối về. “Không riêng gì tôi nhiều người cũng đã lấy phải hàng độn về bán không được đành chịu lỗ”. Đó là những lần chị Minh nhập hàng nguyên thùng nguyên kiện nên không kiểm tra nhưng khi mang về bày bán ra sạp phía trên là hàng đẹp nhưng phía dưới là hàng hư, hàng xấu. Nếu cần mua chị chỉ lấy những hàng được đựng trong bịch nilon cho dễ kiểm tra. Không chỉ bị lừa hàng mà có người còn bị lừa tiền dù đặt cọc trước dăm bảy triệu nhưng sau đó hàng không về do mối quen bỗng nhiên biệt tăm biệt tích. Một đối tượng mà các hộ kinh doanh các vựa rau củ quả ngán nhất là bọn trộm cắp vặt. Đa phần là những thanh niên thất cơ lỡ vận, siêng ăn nhác làm gặp cơ hội là “thó” đồ của người khác. Qua trò chuyện với thương nhân ở đây, được biết hầu như ai cũng một lần bị trộm đến thăm viếng. Không lấy được tiền, điện thoại thì kẻ trộm “nhìn” sang xe đẩy, hàng hóa, xe máy… Ông T. một nhân công bốc vác ở đây tiết lộ, cứ nhập một lô hàng 1 triệu thì phải chi cho cò 10% tức là mất 100 ngàn đồng. Nếu ăn 2 đầu thì cò được số tiền gấp đôi trong cùng một giao dịch. Dù tiền mất bụng xót nhưng đây là luật bất thành văn nên “người trong cuộc” đành chấp nhận.

Tại chợ đầu mối, không phải hàng hóa đều giao sỉ được hết trong ngày mà nhiều khi ế do dội. Các chủ vựa đành phải chịu khó chia nhỏ ra ngoài khu nhà lồng bán dạo. Đây là nguyên nhân gây ra cảnh nhếch nhác và dơ bẩn tại khu chợ đầu mối. Hầu như đến chỗ nào cũng thấy rác, rác chất thành đống ngay dưới chân người đi. Dơ bẩn hơn là khu nhà lồng chợ do lâu ngày không dọn nên rác đã bốc mùi. Chị V. – chủ vựa dưa lê than, do môi trường bị ô nhiễm nên nhiều người cùng dễ mắc một số bệnh vặt. Đó là nỗi khổ của các chủ vựa trái cây ở chợ đầu mối mà không biết bày tỏ cùng ai.

Bài, ảnh: Nguyễn Hoàng Anh

Bình luận (0)