Năm học mới 2016-2017 chỉ còn cách năm ngày nữa. Đến thời điểm này, theo các phương tiện truyền thông, ngành GD&ĐT khắp các tỉnh, thành phố cả nước tuyên bố đã sẵn sàng cho năm học.
Theo kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo của ngành GD&ĐT thì đây là năm học có nhiều đổi mới quyết liệt. Đó là tiếp tục đổi mới về nội dung, phương pháp giảng dạy nhằm hướng đến giáo dục học sinh một cách toàn diện. Đây cũng là năm học đầu tiên thí điểm chuyển việc tổ chức thi và xét tốt nghiệp THPT về các địa phương; năm đẩy mạnh việc trao quyền tự chủ cho các trường đại học, cao đẳng, trong đó có tự chủ về tuyển sinh; nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ trong nhà trường phổ thông; nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực… nhằm chuẩn bị cho thời kỳ hội nhập khu vực, thế giới.
Với những kế hoạch không ít tham vọng trên, đoàn tàu đổi mới GD&ĐT đã đặt bánh vào đường ray và đang chuẩn bị hụ còi lăn bánh hội nhập với đường ray giáo dục thế giới.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia giáo dục, lực cản đầu năm học mới để đoàn tàu lăn bánh thì vẫn còn nhiều như đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên vừa thiếu vừa thừa, trình độ quản lý ở các cấp còn bất cập…, nhưng đáng quan tâm hơn hết là tình trạng tái diễn lớp học ca ba và quá tải trường lớp. Chẳng hạn tại thành phố Biên Hòa, Đồng Nai, đầu năm học này đã xuất hiện hàng loạt lớp học ca ba. Tại TP.HCM, nhiều quận vùng ven như Bình Tân, quận 9, quận 12…, số học sinh tăng nhanh đẩy sĩ số học sinh có nơi lên 50-60 em/lớp. Tại Hà Nội cũng rơi vào tình trạng tương tự, sĩ số học sinh tại nhiều trường tiểu học ở các quận Hoàng Mai, Hai Ba Trưng, Giảng Vỏ, Cầu Giấy… lên 60-70 em/lớp do các chung cư cao tầng, khu đô thị mọc lên như nấm sau mưa. Tại Nghệ An thì vấp phải vấn nạn quá tại các cháu bậc học mầm non. Năm học này, bậc học mầm non ở Nghệ An tăng khoảng 20.000 cháu. Nhiều trường phải nhận quá chỉ tiêu, ở một số địa phương trẻ 2-3 tuổi không được đi học vì trường lớp quá tải…
Tình trạng học ca ba và áp lực sĩ số không chỉ làm sinh hoạt học sinh, phụ huynh bị đảo lộn mà phía nhà trường cũng gặp rất nhiều khó khăn trong việc thực hiện nhiệm vụ đổi mới giáo dục. Do học sinh quá đông, các phòng chức năng bị trưng dụng để làm phòng học; nhiều lớp học phải học tạm tại nhà văn hóa, đình chùa, nhà thờ… làm cho việc triển khai giáo dục toàn diện trở nên xa vời.
Quá tải trường lớp là vấn đề không mới nhưng có phần trầm trọng hơn từ năm học này. Để cứu vãn tình thế, nhiều địa phương muốn xây thêm trường lớp nhưng đang đối diện với tình hình không còn quỹ đất. Điều đáng nói là trước đó không lâu, ngành GD&ĐT tại các địa phương đều đã hoàn thành việc quy hoạch mạng lưới trường lớp đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030. Tuy nhiên, đến nay tầm nhìn đó ở nhiều địa phương đã trở nên lạc hậu. Việc quy hoạch, xây dựng trường lớp không theo kịp đà tăng học sinh, nhất là tại các thành phố lớn, các địa phương có nhiều KCX, KCN mới.
Nhưng vì sao việc quy hoạch mạng lưới trường lớp xây dựng chưa bao lâu đã trở nên lạc hậu? Không thể phủ nhận tâm tuyết của các vị lãnh đạo, quản lý ở các địa phương đối với một lĩnh vực được cho là quốc sách hàng đầu, nhưng dường như do quán tính cũ khiến tầm nhìn bị hạn chế chăng. Ngày nay, đến bất kỳ địa phương nào cũng dễ thấy đất đại ở các vị trí thuận lợi nhất thì được ưu tiên xây dựng nhà máy, siêu thị, cửa hàng ăn uống… và sau cùng còn lại “đầu thừa đuôi thẹo” thì mới dành cho giáo dục.
Chúng ta không ủng hộ nền giáo dục Pháp ở Việt Nam nhưng có lẽ nên học cách họ đầu tư cơ sở vật chất trường lớp. Đến nay nhiều cơ sở giáo dục có tuổi đời ngót cả thế kỷ ở Hà Nội, TP.HCM, Huế… nhưng vẫn không lạc hậu.
Trong chín nhiệm vụ trọng tâm của năm học mới, Bộ GD&ĐT đã xác định việc quy hoạch lại mạng lưới trường lớp là vấn đề ưu tiên số một. Vì không quy hoạch lại mạng lưới trường lớp sẽ không đủ lực đẩy để con tàu đổi mới giáo dục lăn bánh.
Từ Nguyên Thạch
Bình luận (0)