Một cô gái xinh xắn hiện ra trước cửa, nhẹ nhàng chào rồi bảo tôi đặt tay lên vai cô. Qua những bậc thang nhập nhoạng, cô vén tấm màn đưa tôi vào phòng ăn tối mịt…
Nhân viên khiếm thị phục vụ tại nhà hàng “ăn trong bóng tối”. Ảnh: NHCC
Tôi thoáng chới với. “Ánh sáng” của tôi lúc này là sự chỉ dẫn tận tình từ cô gái khiếm thị. Cô giới thiệu vật dụng trên bàn, bưng ra các món ăn và hướng dẫn cách dùng an toàn. Trước khi tạm rời đi để đến với những thực khách khác, cô không quên chúc tôi ngon miệng kèm lời nhắn: “Chị cần gì cứ gọi em nhé!”.
Buổi “ăn trong bóng tối” cùng những nhân viên khiếm thị tại nhà hàng dạ thực Noir.Dining in the dark (Q.1, TP.HCM) được bắt đầu như thế.
Bữa ăn không ánh sáng
Trong bóng tối đặc quánh đôi mắt không còn tác dụng, tôi tập trung vào những giác quan khác để cảm nhận, nhất là thính giác. Tôi giương tai về phía có những tiếng nói lao xao của thực khách VN và nước ngoài. Bàn đó có bao nhiêu người? Khuôn mặt họ ra sao?… Không thể thấy những điều tưởng chừng đơn giản ấy, cảm giác bất lực và cô đơn bỗng ập đến trong tôi.
“Choang”, một thực khách nào đó không cẩn thận đã làm vỡ ly (hoặc chén). Trong bóng tối đen đặc đó, chẳng mấy chốc nhân viên khiếm thị đã nhặt nhạnh và dọn dẹp xong, không gây nên sự gián đoạn nào…
Tôi cảm nhận những nhân viên đang lướt nhẹ trong phòng nhờ những tiếng “bíp! bíp!” họ kêu khẽ để tránh va chạm nhau.
Người chế ra “còi miệng” để phân luồng giao thông này là cô gái phục vụ Mã Thị Hồng Phấn (28 tuổi, quê Bình Thuận, dân tộc Chăm) có đôi mắt rất đẹp, thoạt nhìn khó biết cô là người khiếm thị. Sau khi tốt nghiệp Khoa Hóa – Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, Phấn vào nhà hàng này làm từ năm 2015 và theo cô đó là bước ngoặt lớn trong đời: “Trước đây em không bao giờ chấp nhận sự thực mình là người khiếm thị. Gặp các bạn mù, em sợ và né tránh nên không biết gì về họ. Nhưng khi về đây làm, em mới hay có nhiều bạn khiếm thị giỏi quá, sử dụng tốt công nghệ và ngoại ngữ, chơi thể thao rất cừ… Nhờ đó, em không còn than thân trách phận, sống lạc quan hơn”.
Khách làm quen với… bóng tối thông qua trò chơi, trước khi bước vào hành trình trải nghiệm “dạ thực”. Ảnh: Nguyễn Như
Từ vị trí bưng bê (runner), hiện nay Phấn tham gia hướng dẫn khách (guide). Như nhiều đồng nghiệp, Phấn hạnh phúc khi thấy mình hữu ích trong công việc và có thu nhập ổn định.
Trong khi đó, là nhân viên trẻ nhất khi được tuyển dụng (19 tuổi), Nguyễn Minh Triết – ngụ H.Hóc Môn, TP.HCM – không mấy tự tin sẽ làm được công việc mới mẻ này. Thời gian đầu, Triết sợ làm bể đồ, khách không hài lòng. Nhưng sau một thời gian cố gắng, anh được giám đốc nhà hàng đánh giá cao về tính chuyên nghiệp trong công việc, có khả năng giao tiếp tốt bằng tiếng Anh lẫn tiếng Hoa.
Ông Vũ Anh Tú, đồng sáng lập nhà hàng trên, cho biết mô hình này ra đời từ năm 2014 và hiện có 11 nhân viên khiếm thị. Công việc ở đây được thiết kế xoay quanh khả năng của người khiếm thị, biến khuyết tật và điểm yếu của họ thành lợi thế vì trong không gian tối không ai có thể làm tốt hơn họ. Cạnh đó, nhờ trải nghiệm bữa ăn trong bóng tối, thực khách cũng dần thay đổi định kiến về người mù.
“Nhà hàng này có tiêu chuẩn phục vụ rất cao, khoảng 60 – 70% thực khách ở đây là người nước ngoài. Vì thế, nhân viên phải học rất nhiều kiến thức về giao tiếp, về ẩm thực trong nước và thế giới… Tuy nhiên, các thử thách trên dường như “không thành vấn đề” đối với những người trẻ khiếm thị cầu tiến, năng động này”, ông Tú nói.
Người mẫu vẽ
34 tuổi, chàng khiếm thị Nguyễn Anh Tấn (quê Ninh Thuận, ngụ tại Q.Bình Thạnh, TP.HCM) trải qua 10 năm bán vé số, sau đó là trực tổng đài và bán hàng qua điện thoại. Mấy năm nay, anh gắn bó với nghề làm người mẫu vẽ.
Ngày đầu đến Trường ĐH Mỹ thuật TP.HCM nhận làm người mẫu vẽ cho sinh viên, anh Nguyễn Anh Tấn không khỏi hồi hộp.
Mã Thị Hồng Phấn phục vụ thực khách tại nhà hàng dạ thực Noir.Dining in the dark. Ảnh: NHCC
“Công việc này hoàn toàn mới mẻ với tôi. Người bạn từng làm ở đây dặn tôi lâu lâu ngứa gãi một lần thì được chứ nhúc nhích hoài sẽ khiến sinh viên vẽ không được. Tưởng tượng đứng yên 5 phút nói chuyện với người ta, mình đã thấy khó chịu rồi. Huống chi đứng bất động đến 45 phút…”, anh Tấn chia sẻ.
Vậy mà, anh Tấn đã trụ với nghề 3 năm nay, nhờ câu “thần chú” anh luôn mang bên mình: Người ta làm được thì mình cũng cố gắng làm cho được, dù có thể mình làm chậm hơn hoặc khó khăn hơn khi không có đôi mắt dẫn đường.
Khi làm mẫu, anh chỉ mặc độc chiếc quần bơi. Những ngày đầu, anh hơi sượng vì cảm giác có nhiều sinh viên đứng trước mặt mình. Theo anh, dáng đứng khó nhất là nghiêng về trước khoảng 30 độ, nó khiến cột sống cực kỳ khó chịu và mỏi rất nhanh. Có đợt phải thực hiện tư thế này trong 2 tuần, anh buộc “chiến đấu dữ dội” với bản thân để chống lại cái mỏi, cái nản cứ xâm lấn tâm trí.
Người mẫu khiếm thị Nguyễn Anh Tấn gắn bó nghề mẫu vẽ ba năm nay. Ảnh: Phan Rang
Thông thường với các tư thế cần duy trì ổn định cho những tiết học sau, sinh viên lấy phấn đánh dấu vị trí của người mẫu. Thế nhưng, người mẫu khiếm thị làm sao thấy được những nét phấn đó đỗ vào dáng cho chuẩn? Tấn đề nghị: “Các em lấy băng keo dán xung quanh bàn chân của anh, cho anh nhận biết nhé”.
Sẵn tính hài hước, đôi lúc anh Tấn chủ động tạo không khí vui vẻ cho lớp học: “Để tui nhìn coi mấy bạn vẽ tui sao đây. Xấu là tui không làm mẫu nữa đâu nha”. Một số sinh viên tinh nghịch: “Đây, anh coi em vẽ anh được không?”. “Vẽ vầy ngon nè”, anh xuýt xoa đùa làm như thấy được bức tranh khiến cả lớp cười vang.
Anh Tấn dí dỏm cho rằng người mẫu khiếm thị cũng có lợi thế. Chẳng hạn, dẫu có người đẹp nào bất chợt đi ngang hay ai đó xích lại gần mẫu, anh cũng không bị phân tâm, không làm ảnh hưởng đến tư thế của mình.
Khâu chuẩn bị cho thực khách của nhân viên khiếm thị. Ảnh: NHCC
Trung bình anh Tấn làm mẫu 4 buổi/tuần (4 tiết/buổi). Cũng như những người mẫu sáng mắt, anh được trả công 40.000 – 45.000 đồng/tiết học. Ngoài làm mẫu, anh còn “chạy sô” làm phục vụ cho một nhà hàng. Anh chàng đa năng này còn biết chơi đá bóng, mê cờ tướng và cờ vua. Từ năm 2013 – 2018, anh giành nhiều huy chương vàng tại các hội thi thể thao người khuyết tật toàn quốc môn cờ vua.
Ông Bạch Huyền Linh, Phó trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Mỹ thuật TP.HCM, nhận xét: “Tấn là người khiếm thị đầu tiên làm mẫu ở trường này. Anh có tinh thần trách nhiệm cao, luôn tuân thủ giờ giấc và đáp ứng các yêu cầu công việc”.
Những ngành nghề mới
Theo khảo sát của Hội Người mù VN, khá đông người mù làm massage, làm tăm, chổi, đũa, nhang, chăn nuôi, trồng trọt… Hiện nay, một số người mù trẻ cũng đã có thêm những ngành nghề mới như: bán hàng online, nhân viên chăm sóc khách hàng (qua điện thoại và máy tính), chủ cơ sở sản xuất kinh doanh, phiên dịch, dẫn chương trình truyền hình, giáo viên mở lớp học tại nhà, ca sĩ, nhạc sĩ, quản lý phòng thu âm…
|
Theo Như Lịch/TNO
Bình luận (0)