Có thể không thường xuyên xuất hiện trong bảng xếp hạng những ngành học “hot” nhưng ngành Kỹ thuật điện tử – viễn thông lại luôn được coi là “mạch máu” của kỷ nguyên thông tin, bởi lĩnh vực kỹ thuật này chính là điều kiện tiên quyết để truyền dẫn, kết nối thông tin “bất chấp” khoảng cách địa lý.
Và bởi tầm quan trọng không thể phủ nhận ấy của ngành Kỹ thuật điện tử – viễn thông, nên nếu bạn là một kỹ sư Điện tử – viễn thông tài năng thì việc “tỏa sáng” là điều “khỏi phải bàn”. Hãy cùng tìm hiểu một chút về cơ hội “tỏa sáng” với ngành học này nhé!
“Tất-tần-tật” những điều bạn cần học để trở thành kỹ sư Điện tử – viễn thông
Ngày nay, việc liên lạc, chia sẻ hình ảnh, dữ liệu hay giao dịch mua bán thông qua các thiết bị điện tử viễn thông như điện thoại, cáp quang, truyền hình, vệ tinh, Internet,… ngày càng phổ biến. Kỹ sư Điện tử – viễn thông chính là những người nghiên cứu, chế tạo và vận hành hệ thống thiết bị kỹ thuật phục vụ cho quá trình truyền tải thông tin này – từ đầu phát tới đầu thu, gồm các thành phần như thiết bị chuyển mạch, thiết bị truyền dẫn, môi trường truyền, thiết bị đầu – cuối.
Kỹ sư Điện tử – viễn thông chính là những người nghiên cứu, chế tạo và vận hành hệ thống kỹ thuật phục vụ cho quá trình truyền tải thông tin
Lựa chọn ngành Kỹ thuật điện tử – viễn thông, bên cạnh những nền tảng khoa học cơ bản, bạn sẽ được trang bị kiến thức chuyên sâu về mạng không dây, mạng truyền số liệu, viba số, hệ thống phát thanh – truyền hình, hệ thống định vị toàn cầu GPS, công nghệ phân tích và xử lý tín hiệu (âm thanh, hình ảnh),… cũng như những công nghệ viễn thông mới nhất, để không chỉ chế tạo, vận hành hay bảo trì, mà còn có thể phát triển các thiết bị mới nhằm tối ưu mạng, tạo nên các loại hình đa dạng với chi phí thấp.
Học Kỹ thuật điện tử – viễn thông là… làm việc ở Viettel hay VNPT?
Viettel, VNPT hay FPT là những “ông lớn” về viễn thông ở Việt Nam và cũng là “đích ngắm” lý tưởng của khá nhiều bạn trẻ khi chọn học ngành Kỹ thuật điện tử – viễn thông. Nhưng cụ thể các bạn sẽ làm những công việc gì? Nhìn chung thì “phổ việc làm” hiện nay của các kỹ sư Điện tử – viễn thông là các vị trí thiết kế, triển khai, lắp đặt, vận hành và bảo trì các thiết bị, hệ thống mạng; kỹ sư thiết kế, quy hoạch giải pháp tích hợp mạng viễn thông và máy tính; quản trị viên, giám sát, đảm bảo chất lượng mạng và dịch vụ mạng viễn thông và máy tính,…
Nhiều cơ hội việc làm cho sinh viên tốt nghiệp ngành Kỹ thuật điện tử – Viễn thông
Còn nếu yêu thích lĩnh vực kinh doanh, nền tảng kiến thức chuyên sâu về kỹ thuật sẽ giúp bạn có thể làm việc tốt ở các vị trí như nhân viên kinh doanh sản phẩm, dịch vụ mạng; chuyên viên tư vấn kỹ thuật, chăm sóc khách hàng,… Tốc độ phát triển nhanh chóng của lĩnh vực điện tử – viễn thông vẫn đang tiếp tục tạo nhiều vị trí nghề nghiệp mới, mà chính các “kỹ sư tương lai” như bạn sẽ là người tiên phong tạo nên. Và không chỉ Viettel, VNPT, FPT mà Cisco, Huawei, CMC, Petrolimex, General Electric VN, Samsung Vina hay các công ty, doanh nghiệp trong nhiều lĩnh vực khác như điện lực, ngân hàng, giao thông, quốc phòng – an ninh,… cần sử dụng hạ tầng mạng viễn thông và máy tính cũng là “điểm đến” cho các kỹ sư điện tử – viễn thông.
“Bí kíp” học tốt ngành Kỹ thuật điện tử – viễn thông: Logic tốt nhưng còn phải “lăn xả”
Từ “cục gạch” đến smartphone, từ 2G đến 5G…, Kỹ thuật điện tử – viễn thông là một trong những ngành có tốc độ đổi mới “khủng” nhất. Nên ngoài tư duy logic tốt – điều kiện tiên quyết với nhóm ngành kỹ thuật, thì tinh thần lăn xả và “học tập suốt đời” cũng vô cùng cần thiết.
Ở đại học, một chương trình đào tạo thực tiễn, kết nối chặt chẽ lý thuyết – thực hành – thực tế được coi là điều kiện cần để sinh viên trang bị kiến thức lẫn ý thức học tập thực tiễn. Đây cũng là tiêu chí quan trọng để xác định các trường đại học đào tạo ngành Kỹ thuật điện tử – viễn thông uy tín, gồm trường Đại học Bách khoa – ĐHQG HCM, trường Đại học Công nghệ TP.HCM (HUTECH), Học viện Bưu chính viễn thông,…
Kết nối chặt chẽ lý thuyết – thực hành – thực tế là điều kiện cần để sinh viên phát triển toàn diện
(Ảnh: Sinh viên HUTECH tại phòng thực hành hiện đại của trường)
Như tại HUTECH, sinh viên thường xuyên tham quan thực tế, kiến tập tại General Electric VN, Samsung Vina, Viettel Telecom,… và các doanh nghiệp thuộc Hiệp hội doanh nghiệp cơ khí điện TP.HCM mà HUTECH là thành viên. Các bạn cũng được trang bị một số kỹ năng mềm như làm việc nhóm, giao tiếp, thuyết trình, quản lý thời gian,… thông qua các “bài tập lớn”, đồ án, hoạt động ngoại khóa, từ đó phát triển khả năng thích nghi với môi trường làm việc đa dạng – một “đặc trưng” của ngành Kỹ thuật điện tử – viễn thông.
Thông tin xét tuyển ngành Kỹ thuật Điện tử – Viễn thông ở một số trường Đại học: – Trường Đại học HUTECH: Xét tuyển các tổ hợp A00 (Toán, Lý, Hóa), A01 (Toán, Lý, Anh), C01 (Toán, Văn, Lý), D01 (Toán, Văn, Anh) theo kết quả thi THPT Quốc gia; hoặc Xét tuyển học bạ lớp 12 với tổng điểm 03 môn trong tổ hợp xét tuyển đạt từ 18 điểm trở lên; hoặc Xét tuyển kết quả kỳ thi ĐGNL của ĐHQG HCM; hoặc kỳ thi tuyển sinh riêng của HUTECH. – Trường Đại học Bách khoa – ĐHQG-HCM: Xét tuyển các tổ hợp A00 (Toán, Lý, Hóa), A01 (Toán, Lý, Anh) theo kết quả thi THPT Quốc gia hoặc Xét tuyển kết quả kỳ thi ĐGNL của ĐHQG-HCM. – Học viện Bưu chính viễn thông: Xét tuyển các tổ hợp A00 (Toán, Lý, Hóa), A01 (Toán, Lý, Anh) theo kết quả kỳ thi THPT Quốc gia. |
T.D.V
Bình luận (0)