Sau khi khai thác đất, đá, các doanh nghiệp lại chậm hoàn thổ khiến hàng trăm hécta đất đang bỏ hoang hóa trong suốt một thời gian dài. Đây là vấn đề đang làm “đau đầu” chính quyền và bức xúc đối với người dân nơi đây.
Nhiều doanh nghiệp khi khai khác xong lại chậm hoàn thổ, để nguyên hiện trạng lở lói
Mặc dù từ giữa năm 2017, Sở Tài nguyên – Môi trường (TN-MT) TP.Đà Nẵng thành lập đoàn giám sát, kiểm tra công tác cải tạo, phục hồi môi trường theo Đề án đóng cửa mỏ, cải tạo phục hồi môi trường đã được TP phê duyệt. Tuy nhiên, sau gần 2 năm, tình trạng chậm hoàn thổ, trả lại hiện trạng ban đầu khiến nhiều nơi ở huyện Hòa Vang buộc phải bỏ đất hoang hóa. Tại thôn Phước Thuận, xã Hòa Nhơn (huyện Hòa Vang), tình trạng bỏ hoang đất không hoàn thổ mặt bằng diễn ra nhiều năm qua. Ông Lê Văn Tuân, Trưởng thôn Phước Thuận chỉ tay về một vùng đất nham nhở sau khai thác nói: “Hơn 10 năm qua, bao quanh thôn là mười mấy cái mỏ khai thác đất, chế biến đá. Ngọn núi đầu thôn, ngày xưa xanh mướt bởi cây lá, nay chỉ rặt màu đất khô khốc. Từ năm 2010 đến nay, hơn 20ha ruộng màu mỡ, nuôi sống cả thôn đã bị bồi lấp, trở nên khô cằn, không thể nào trồng được bất cứ cây gì nữa”. Cũng theo ông Tuân, trước đây nguồn nước tưới tiêu cho cánh đồng của thôn, nhờ vào nguồn chảy từ khe núi như hố Trầu, hố Bạc, hố Riều… 10 năm qua, các mỏ khai thác đất đá đã cắt ngang mạch nước, lấp kín dòng chảy, bà con trong thôn gặp rất nhiều khó khăn trong canh tác sản xuất. Mặt khác vào mùa mưa, nhiều nơi trong thôn bị nước ứ đọng, ngập lụt.
Được biết toàn xã Hòa Nhơn hiện có 8 mỏ khai thác đất đồi đã đóng cửa. 2 mỏ đất đồi ở thôn Thạch Nham Đông của Công ty TNHH Vạn Tường; mỏ đất đồi tại thôn Thạch Nham Tây của Công ty TNHH Xây dựng thương mại, dịch vụ Đại Hồng Tín, không lập hồ sơ đóng cửa mỏ và cải tạo, phục hồi môi trường nên UBND TP đã có công văn giao UBND huyện Hòa Vang chọn đơn vị có năng lực tiến hành cải tạo, phục hồi môi trường. 3 mỏ đất đồi khác tại thôn Thạch Nham Đông của Doanh nghiệp tư nhân Tiến Thanh, Công ty TNHH Phúc Đặng, Công ty TNHH Du lịch – đầu tư Sơn Hải đang tiến hành san gạt, ổn định bờ tầng và trồng cây xanh theo đề án đóng cửa mỏ và cải tạo, phục hồi môi trường đã được phê duyệt vào giữa năm 2017. Thôn Phước Thuận có mỏ đất đồi của Công ty CP Xây dựng và Thương mại Cảng Đà Nẵng đang lập hồ sơ đóng cửa mỏ…
Còn tại thôn An Tân, xã Hòa Phong (huyện Hòa Vang), khu mỏ đất do Tổng Công ty Xây dựng Công trình giao thông 5 dừng khai thác đã gần 2 năm nay theo Quyết định số 3449/QĐ-UBND TP. Tuy nhiên, đơn vị được cấp phép khai thác mỏ chưa phục hồi cải tạo môi trường. Hiện trạng mỏ là các vách núi đồi dựng đứng khiến cho người dân sinh sống gần khu vực luôn lo sợ đất, đá sạt lở, đổ sập xuống mỗi khi có mưa to. Còn mỏ khai thác đất đồi của Công ty CP Xây dựng và thương mại Thùy Dương đã đóng cửa mỏ 4 năm nay, nhưng vẫn chưa hoàn thành việc cải tạo, phục hồi mặt bằng.
Theo thống kê của Sở TN-MT Đà Nẵng, hiện toàn TP có 33 mỏ khai thác đất, đá đã đóng cửa do giấy phép khai thác hết hiệu lực. Tuy nhiên, còn khoảng 9 mỏ chưa thực hiện việc cải tạo, phục hồi môi trường, gây bức xúc trong nhân dân sinh sống gần khu vực các mỏ đất đá này. 5 đơn vị chậm lập hồ sơ đóng cửa mỏ và chưa thực hiện nghiêm túc nội dung của đề án đóng cửa mỏ được UBND TP.Đà Nẵng đã tiến hành xử phạt, gồm: Công ty CP Vật liệu xây dựng Focosev: 100 triệu đồng, vì chưa thực hiện nghiêm túc nội dung của đề án đóng cửa mỏ đá Phước Thuận 3 (xã Hòa Nhơn). Thanh tra Sở TN-MT đã làm việc với Công ty TNHH Thạch Toàn vì chưa thực hiện nghiêm túc nội dung đề án đóng cửa mỏ đá Hố Sanh (xã Hòa Nhơn). UBND TP.Đà Nẵng cũng ban hành quyết định xử phạt Công ty CP An Tâm và Công ty CP Tập đoàn Nguyễn Phan Chánh mỗi doanh nghiệp 120 triệu đồng do chậm lập hồ sơ đóng cửa mỏ đất đồi thôn Sơn Phước (xã Hòa Ninh) và thôn Phước Thuận (xã Hòa Nhơn).
Đáng chú ý, hiện trên địa bàn Đà Nẵng có 30 mỏ khai thác khoáng sản có giấy phép khai thác còn hiệu lực và đang lập thủ tục gia hạn khai thác. Theo lãnh đạo Sở TN-MT Đà Nẵng cho biết, đơn vị sẽ tiến hành nghiệm thu các mỏ đã hoàn thành công tác cải tạo, phục hồi môi trường để trình UBND TP ban hành quyết định đóng cửa mỏ và bàn giao cho địa phương quản lý. Đồng thời tổ chức hậu kiểm việc chấp hành kết luận của đoàn giám sát, kiểm tra công tác cải tạo, phục hồi môi trường năm 2018 của các mỏ khai thác khoáng sản đã hết hạn giấy phép; xử lý vi phạm đối với các đơn vị chưa thực hiện nghiêm túc kết luận kiểm tra.
Vĩnh Yên – Hoàng Vũ
Bình luận (0)